Thư họa đó là con đường để họa sĩ Giang Phong tìm về chính mình.
Văn hóa

Thư họa Giang Phong – con đường tìm về chính mình

Phạm Chu Sa 16/03/2024 19:52

Thư họa đó là con đường để họa sĩ Giang Phong tìm về chính mình.

Đến thăm phòng sáng tác và trưng bày của họa sĩ, nhà thư pháp Giang Phong ở Bảo Lộc, Lâm Đồng, bởi biết anh đang chuẩn bị một cuộc triển lãm tâm huyết chủ đề Quán tự tại với loạt tranh vẽ Đức Quán Thế Âm, Đạt Ma Sư Tổ và hoa sen tại Đà Nẵng vào dịp lễ hội Quán Thế Âm, Non Nước - Ngũ Hành Sơn (từ 26 - 29.3, tức ngày 17, 18, 19 và 20 tháng 2 âm lịch).

z5255359114847_3fd6ffa32af9b51f8a9272503f17da42.jpg
Họa sĩ Giang Phong đang thực hành nghệ thuật thư họa - Ảnh: PCS

Gặp nhau tại “Nhà của gió”, nơi sáng tác của Giang Phong - chàng họa sĩ vừa bước qua tuổi ngũ tuần “tri thiên mệnh”, anh đã mở đầu bằng hai câu triết lý nhà Phật: “Tướng Phật, tướng hoa vô nhị tướng/ Khán hoa kiến Phật liễu vô cùng” , tức “Hoa là Phật, Phật là hoa/ Xem hoa thấy Phật chan hòa bao la”.

Tình cờ đến đúng vào buổi sinh hoạt của CLB Thư họa Bảo Lộc do Giang Phong làm chủ nhiệm, tôi ngồi nghe họ luận bàn về các tác phẩm thư họa triển lãm sắp tới mới hiểu được tấm lòng của các nghệ sĩ trẻ này đối với Phật giáo, họ nghĩ về Đức Phật hết sức đời thường, giản dị và nhiệt thành. Dĩ nhiên chủ nhiệm Giang Phong vốn là người có thâm niên tu học và đã từng làm báo Giác Ngộ nên rất am hiểu về giáo lý Phật giáo. Nếu không có thiện duyên thì làm sao anh gần như dành trọn tuổi thanh xuân của mình để sáng tác và cho ra đời hàng loạt tranh vẽ hoa sen và các đề tài khác mang âm hưởng nhà Phật. Giang Phong cũng là người chuyên tổ chức các sự kiện triển lãm mỹ thuật Phật giáo trên cả nước kể từ năm 2008 cho đến nay.

z5255358430013_4c871119188d425b894bd4ca02308bff.jpg

Hầu hết các tác phẩm hội họa của Giang Phong vẽ về chân dung Đức Phật Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm, Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và hoa sen. Gần đây nhất, anh chuyển thể từ chất liệu sơn dầu trên canvas, khắc gỗ qua hình thức tối giản, đó là thư họa và màu nước trên giấy xuyến và giấy dó. Tác giả cho biết: “Sau 20 năm vẽ và nghiên cứu về hội hoạ, tôi tìm ra một chân lý mới trong tranh, là loại bỏ tất cả sự rườm rà của những gam màu không quá cần thiết, chỉ giữ lại hình vẽ đặc trưng và màu sắc không thể bỏ được để tạo ra một sự giản dị về hình thể và màu sắc. Màu trên vạn vật được xoá mờ đến trắng như lạc vào cõi thiền, và bức tranh được tinh khiết, thanh cao trong sự bộn bề của chung quanh…”.

z5255358436795_e0b79e3c9f34aa18d050c6b947083f99.jpg

Được soi chiếu bởi góc nhìn của một người học Phật, trong mắt nhìn của họa sĩ Giang Phong qua chân dung Đức Phật hoặc pháp tướng hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm hay hình tướng Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma trở thành một niềm tin gửi trao, một đề tài hội họa giúp anh bộc lộ tâm thái cảm xúc. Sự quán chiếu đó, họa sĩ Giang Phong đã thể hiện qua việc nhất tâm đặt từng nét bút trên mặt giấy như một cách trải lòng mình.

Trong khi vẽ, anh tập trung cao độ gần như nhập tâm để lĩnh nhận phong vị thiền từ hình tướng của chư Phật, Bồ Tát và Tổ sư, rồi thể hiện cái thiền vị ấy ra mặt tranh. Bút pháp họa sĩ Giang Phong sử dụng thường no mực, đậm ý, khi mạnh mẽ, lúc ưu trầm, khi phóng khoáng, lúc lại mực thước. Mỗi bức tranh của anh về Bồ tát Quán Thế Âm hay Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma là sự tượng trưng tính minh triết; rất ấn tượng. Tất cả đường nét, sắc độ, bố cục của những bức thư họa do anh vẽ đều mang nội hàm thiền…

z5255358420514_5e3395e069c532980d04da8da0be9cfa.jpg

Có thể nói, đứng trước những bức tranh thư họa của Giang Phong người xem như quên hết những tất bật lo toan của đời thường, những phiền muộn trong cuộc sống và tìm cho mình sự an lạc trong tâm hồn. Mỗi bức tranh là một tấm lòng của người họa sĩ, tất cả là sự tìm tòi và ẩn chứa bao ý tình xen lẫn những tư duy, mong ước về đạo và đời. Bút pháp khá tinh tế, phóng khoáng như lòng người vậy. Giang Phong là một trong những người có tên tuổi thuộc giới thư họa ở Việt Nam. Tranh thư họa của anh thường lấy nguồn cảm hứng từ tinh thần thiền học, hòa quyện cùng tự nhiên. Có thể nói, chất thiền luôn bàng bạc trong từng nét cọ của Giang Phong.

z5255358415867_b9e9c6bef2280a3e8ed6d2af193df838.jpg

Xin nói thêm, Giang Phong là người rất yêu thiên nhiên, có thể nói anh mê đắm với cỏ cây hoa lá. Anh là chuyên gia thiết kế cây cảnh sân vườn, đặc biệt là bonsai mini. Trong khoảnh sân “Nhà của gió”, Giang Phong đã chế tác những chậu tiểu bonsai, hình dáng tuyệt đẹp từ những loại cây rất bình thường. Những chậu bonsai tuy nhỏ bé, nhưng đã tiếp thêm năng lượng sáng tạo cho chàng họa sĩ.

Rõ ràng tâm hồn chàng họa sĩ lúc nào cũng hòa quyện với thiên nhiên. Thực và mộng, sắc màu và ánh sáng của chàng họa sĩ đang trải qua tháng ngày ung dung tự tại, tận hưởng những niềm vui trong sáng tạo nghệ thuật. Từ đó Giang Phong đi tìm cho mình một con đường đến với đạo mà theo anh, đó chình là con đường tìm về với “chính mình”.

Bài liên quan
Làng quê Việt Nam qua nét vẽ của cố họa sĩ Pháp
Làng quê nông thôn Việt Nam trong các tác phẩm của họa sĩ Pháp Joseph Inguimberty được ca ngợi là tự nhiên và mang lại cảm giác yên bình cho người xem.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thư họa Giang Phong – con đường tìm về chính mình