Cở sở vật chất xuống cấp, bệnh nhân không muốn đến điều trị; cán bộ, nhân viên y tế phải làm việc trong môi trường chật hẹp, thiếu thốn; thu nhập của cán bộ, nhân viên y tế thấp... Đó là những thực trạng mà Bệnh viện Tâm thần TP.HCM nêu ra trong buổi làm việc với Ban Văn hóa xã hội (Hội đồng Nhân dân TP.HCM) hôm 10.4.
Cơ sở ọp ẹp, chật chội, xuống cấp
Theo bác sĩ Trịnh Tất Thắng – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, cả 3 cơ sở của bệnh viện này (766 Võ Văn Kiệt, quận 5; 165B Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận và ấp 6, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) đều không đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân, từ diện tích, đến cấu trúc xây dựng, cơ sở vật chất... Điều này gây khó khăn cho việc triển khai các kỹ thuật mới và hiệu quả trong phục hồi chức năng tâm thần cũng như triển khai các đơn vị điều trị tâm lý, tâm vận động, kích thích từ xuyên sọ...
Tại cơ sở766 Võ Văn Kiệt (quận 5) là nơi đón tiếp chính lượng bệnh nhân của TP nhưng mặt bằng khoa nội trú và ngoại trú rất hạn chế không những gây phiền hà, tâm lý ngán ngại đi khám của bệnh nhân mà nhiều bệnh nhân và gia đình bệnh nhân còn từ chối nhập viện.
Cơ sở này chỉ có 1.700m2 với 50 giường nhưng phải kê cả trăm giường bệnh. Chính cơ sở hạ tầng xuống cấp, áp lực giường bệnh khiến bệnh viện phải cho bệnh nhân xuất viện sớm, nhiều trường hợp lẽ ra phải cần điều trị thêm nhưng buộc phải xuất viện.
Riêng cơ sở tại Lê Minh Xuân (Bình Chánh) với thiết kế ban đầu vào năm 2007 là 50 giường/ khoa nhưng hiện nay do quá đông bệnh nhân đã lên đến 120 giường/ khoa. Cơ sở hạ tầng chỉ có vậy, nhưng giường lại kê thêm một lượng hơngấp đôi khiến môi trường điều trị trở nên chật chội, ngột ngạt...
Bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban văn hóa xã hội, Hội đồng nhân dân TP.HCM cho rằng, môi trường điều trị cho bệnh nhân tâm thần mà không thông thoáng, thoảimái, dễ chịu thì người bị tâm thần không những không hết bệnh mà còn căng thẳng,trầmcảm khiến bệnh sẽ nặng hơn.
Đó là chưa kể bác sĩ điều trị tâm thần trong một môi trường như thế sẽ cảm thấy rất căng thẳng, nếu kéo dài cũng dễ gây ra tình trạng trầm cảm, tâm thần...
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng xuống cấp, giường bệnh không đáp ứng khiến bệnh viện phải cho bệnh nhân xuất viện sớm, điều này sẽ tạo ra những hiểm họa khôn lường cho xã hội, vì những bệnh nhân tâm thần này có nguy cơ tái diễn, kích động, tự sát gây hại...
Lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Tâm thần TP.HCM luôn trong tình trạng quá tải - Ảnh: H.Q
Thu nhập chỉ 3 triệu đồng/ tháng
Dù lượng bệnh nhân tăng cao nhưng thu nhập không tăng lên là bao, vì cơ sở hạ tầng ọp ẹp, chưa mở rộng được các loại hình dịch vụ nhằm phục vụ cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân để tăng thu nhập, trong khi nguồn ngân sách nhà nước thì cắt giảm khiến đời sống của cán bộ, nhân viện ở đây càng thêm khó khăn.
Bác sĩ Thắng cho biết hiện thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện này chỉ có 3 triệu đồng/ tháng. Trong năm 2015 ngân sách TP cấp được hơn 55 tỉ đồng,năm 2016 cấp được hơn 51 tỉđồng nhưng đến năm 2017 lại chỉ còn 39 tỉđồng. Trong khi đó, nguồn thu của bệnh viện không tăng lên đáng kể. Cụ thể năm 2015 thu được hơn 192 tỉđồng thì năm 2016 thù được 214 tỉđồng, 2017 được hơn 231 tỉđồng.
Với mức chi từ ngân sách của TP trong năm 2017 chỉ đủ trả 8 tháng lươngcán bộ,nhân viên y tế của bệnh viện. Đời sống của cán bộ nhân viên y tếđã thấp lại còn làm việc trong môi trường không được thông thoáng, chật chội, xuống cấp... nên rất khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự.
“Hiện cả 3 cơ sở chỉ có 61 bác sĩ mà từ nay đến năm 2020 sẽ có tới hơn chục bác sĩ nghỉ hưu. Với tình hình như hiện nay, chúng tôi không biết kiếm đâu ra người để làm việc”, bác sĩ Thắng than thở và cho biết trong 3 năm gần đây (2015 đến 2017) bệnh nhân bị trầm cảm, tâm thần phân liệt... đến khám, điều trị tăng khoảng 15% mỗi năm. Hiện nay trung bình mỗi ngày số lượng bệnh nhân khám ngoại trú, trị liệu tâm lý, khám giám định khoảng 800 lượt.
TS.BS Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM cho biết để giảm áp lực cho các Bệnh viện Tâm thần TP cần phải chú trọng đến công tác dự phòng, trong đó phải chútrọng đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Hiện trên thế giới số lượng người tâm thần chiếm khoảng ¼ dân số, còn nếu nói người điên thì chiếm khoảng 0,1% đến 1% dân số. Tình trạng này sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhất là đối với một xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như Việt Nam hiện nay.
Như vậy số người mắc bệnh tâm thần đến khám, điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TP sẽ không dừng lại ở mức tăng 15% mỗi năm như hiện nay. Do đó, ông Giang cho rằng dù có tăng giường bệnh lên mấy nghìn giường đi nữa việc điều trị bệnh tâm thần cũng không hiệu quả.
“Vấn đề quan trọng của điều trị tâm thần phải là ngoại trú. Tuy nhiên, việc điều trị ngoại trú như hiện nay là chưa ổn, thường là thả bệnh nhân bên ngoài gây nguy hiểm cho xã hội. Vì thế chúng ta cần có những bệnh viện tâm thần ban ngày ở cộng đồng. Tại đây, người tâm thần được chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh, rèn luyện để dần dần phục hồi trở thành người bình thường. Việc làm này sẽ giảm áp lực cho bệnh viện tâm thần như hiện nay”, ông Giang chia sẻ.
Hồ Quang