"Người nông dân sản xuất các mặt hàng như dưa hấu, thanh long lại không được cập nhật kịp thời về những thông tin liên quan đến quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán... nên dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa, ách tắc ở cửa khẩu như thời gian qua"

Thứ trưởng Công thương mổ xẻ về 'vấn nạn' thanh long, dưa hấu

Một Thế Giới | 21/04/2015, 05:00

"Người nông dân sản xuất các mặt hàng như dưa hấu, thanh long lại không được cập nhật kịp thời về những thông tin liên quan đến quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán... nên dẫn đến tình trạng sản xuất dư thừa, ách tắc ở cửa khẩu như thời gian qua"

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi mổ xẻ nguyên nhân xuất khẩu nông sản giảm sút trong 3 tháng qua và tình trạng ách tắc dưa hấu ở cửa khẩu Tân Thanh.
Xuất khẩu giảm sút 10%
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, thủy sản 3 tháng đầu năm 2015 giảm hơn 10% so với cùng kỳ, trong khi đó, kể từ năm 2011 đến năm 2014 kim ngạch quí I đều tăng trung bình 10% so với cùng kỳ.
"Đây được đánh giá là điều bất thường so với những năm trước vốn có mức tăng trưởng cao trong quý I. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách cụ thể về sự sụt giảm trong quý I năm 2015, có mấy nguyên nhân tương đối rõ nét và cơ bản", Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhận định. 
Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân thứ nhất là do quý I.2015 có nhiều biến động của thị trường thế giới. Chẳng hạn, giá cả của mặt hàng nông sản, thủy sản trên thế giới như mặt hàng gạo, mặt hàng cao su, phi lê cá thịt trắng… đều có những sụt giảm đáng kể. Đặc biệt là mặt hàng gạo có sự sụt giảm chung trên thị trường thế giới. 
Nguyên nhân thứ hai được ông Tuấn Anh chỉ ra là trong quý I năm 2015 tình hình của thế giới vẫn còn những bất ổn nhất định trong các khu vực khác nhau cả ở khía cạnh về chính trị, tôn giáo, khủng bố… cũng đã tác động ít nhiều đến nhu cầu của thế giới. Sự phục hồi chậm, chưa thực sự bền vững của kinh tế thế giới cũng dẫn đến tác động và nhu cầu chung của thế giới ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước nói chung.
"Nguyên nhân thứ ba là đối với riêng một số mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam, trong năm 2015 và những năm trước đây, đặc biệt năm 2014, năng lực sản xuất của chúng ta có thể nói đã đạt đến mức độ rất cao, tiêu biểu như mặt hàng gạo, cà phê, cao su, thủy sản… Sự gia tăng sản lượng của Việt Nam trong những năm gần đây đã gần đến ngưỡng của cả sản xuất và năng lực xuất khẩu. Điều đó cũng dẫn đến những vấn đề đặt ra cho chúng ta trong công tác xuất khẩu", ông Tuấn Anh nói.
Nguyên nhân thứ tư cũng được cho là yếu tố tác động đến việc sụt giảm tăng trưởng của mặt hàng nông sản, thủy sản và của một số mặt hàng khác trong lĩnh vực kinh tế được Thứ trưởng Bộ Công thương chỉ ra là do mức độ cạnh tranh rất gay gắt trên thị trường thế giới đối với các mặt hàng này. 
"Tất nhiên hiện vẫn đang nằm chung trong cân đối cung cầu của thế giới. Tuy nhiên thì rõ ràng có thể nói cạnh tranh diễn ra gay gắt trong một số mặt hàng được cho là rất nhạy cảm và quan trọng của Việt Nam như gạo, cao su, cà phê…", Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định.
Nguyên nhân thứ năm là do các nước nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam đang xuất khẩu như nông sản, thủy sản… có xu thế bắt đầu điều chỉnh các chính sách điều hành, trong đó có nhập khẩu theo hướng một số mặt hàng họ phấn đấu tăng cường hơn năng lực sản xuất để vươn tới giảm thiểu bớt nhu cầu nhập khẩu. 
"Một nguyên nhân nữa mà có lẽ đang được định hình ngày càng rõ dần, đó là biến động trên thị trường thế giới với việc đồng đô la càng ngày càng lên giá và khẳng định sức mạnh đã tác động đến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, như thị trường Châu Âu đối với các mặt hàng về thủy sản; thị trường Nhật Bản đối với các mặt hàng về thủy sản, trái cây, kể cả mặt hàng về công nghiệp, tiêu dùng...", ông Tuấn Anh cho biết.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ ra một số nguyên nhân khác như năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam chậm được cải thiện,  năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực về công nghệ, liên quan đến khâu quản trị, trình độ, chất lượng sản phẩm và nguồn nhân lực, liên quan đến khung pháp lý trong tổ chức sản xuất... vẫn còn yếu kém.
Thu-truong-Cong-thuong-mo-xe-ve-van-nan-thanh-long-dua-hau-hinh-anh-1
 Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Ách tắc dưa hấu là do thiếu thông tin
Bên cạnh việc mổ xẻ những nguyên nhân khiến cho việc xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra một số giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu nông thủy sản thời gian tới.
Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng, giải pháp đầu tiên là Bộ Công thương sẽ tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong tiếp tục ổn định vĩ mô và tạo ra những môi trường thuận lợi thông thoáng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Thứ hai, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, hàng hóa của nền kinh tế. Đặc biệt thông qua các khung khổ hội nhập mà Việt Nam đang đàm phán một cách tích cực như TPP, FTA với EU, Liên minh thuế quan… 
"Nếu TPP và FTA với Liên minh thuế quan, FTA với EU kết thúc thành công và đi vào thực hiện thì mở ra cơ hội lớn cho chúng ta. Tất cả mặt hàng sản phẩm của nông sản thủy sản, mặt hàng ngành hàng chế biến của Việt Nam gần như được đưa về mức thuế bằng 0% hoặc mức thấp để sau đó tiến tới bằng 0%. 
Và như vậy, cơ hội cho chúng ta thâm nhập thị trường là rất lớn không kể đến là các đàm phán đều đề cập đến các nước phải dỡ bỏ những hàng rào không chỉ thuế quan mà cả kỹ thuật theo hướng đơn giản và thông thoáng để cho các sản phẩm các nước có thể tiếp cận thị trường của nhau 1 cách dễ dàng. Đây chính là có thể nói là yếu tố quan trọng để phát triển và mở rộng thị trường", Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định.
Giải pháp thứ ba được Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra là sẽ tích cực nắm bắt, theo dõi thông tin của thị trường, để từ đó có những đối sách và biện pháp phù hợp để khai thác được cơ hội và vượt qua thời điểm khó khăn. Đồng thời, có sự đứt đoạn trong các khâu xử lý và khai thác thông tin. 
"Ví dụ như câu chuyện còn đang rất nóng mà xã hội quan tâm thời gian vừa qua là tiêu thụ trái cây tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thanh long, dưa hấu sang Trung Quốc. Chúng ta đều có những thông tin về mặt thị trường cả về chính ngạch cũng như các hoạt động tiểu ngạch, hoạt động thương mại qua biên giới. 
Tuy nhiên, người nông dân sản xuất các mặt hàng như dưa hấu, thanh long lại không được cập nhật kịp thời về những thông tin liên quan đến quy cách, thủ tục thông quan, yêu cầu của thị trường, tập quán mua bán..., nên dẫn đến tình trạng mặt hàng dưa hấu gia tăng sản xuất hàng năm nhưng năng lực thông quan các cơ quan chức năng của hai nước ở tại biên giới thì vẫn không thể gia tăng được, không thể đáp ứng được yêu cầu trên thực tế", Thứ trưởng Tuấn Anh phân tích.
Bên cạnh đó, ông Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, việc tổ chức xuất khẩu và vận chuyển các mặt hàng trái cây sang biên giới, sang Trung Quốc hiện nay cũng không được cập nhật rõ ràng, dẫn đến vào mùa vụ là trái cây ùn tắc tại cửa khẩu vì năng lực thông quan hạn chế.
"Chúng tôi cho rằng, nếu khắc phục được sự đứt đoạn trong khâu thông tin để chúng ta từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả phối hợp để tạo ra được chuỗi giá trị trong tất cả các khâu của một sản phẩm", Thứ trưởng Bộ Công thương nói.
Một giải pháp khác là trong những tháng còn lại năm 2015, cần sự tập trung rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có Bộ Công Thương, trong việc nâng cao và mở rộng hơn nữa các hoạt động về xúc tiến thương mại, đổi mới mô hình cũng như phương thức, nâng cao chất lượng của xúc tiến thương mại. 
Và cuối cùng, Thứ trưởng Tuấn Anh cho rằng, cần phải có một cơ chế phối hợp và thường xuyên chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước. Chẳng hạn như kinh nghiệm đã có trong phối hợp xử lý trái vải ở Bắc Giang năm 2014 và những vấn đề liên quan đến dưa hấu vừa qua, tiếp tục là các mặt hàng trái cây khác qua biên giới.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thứ trưởng Công thương mổ xẻ về 'vấn nạn' thanh long, dưa hấu