Hơn 2/3 lao động Việt Nam được đào tạo gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chứ không tranh thủ học tập nâng cao kỹ năng của nhà tuyển dụng để tìm kiếm một cơ hội lương cao hơn. Đây chính là điểm sáng được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về lao động của Việt Nam.

Nhà đầu tư ngoại đánh giá cao 'sự trung thành' của lao động Việt

Một Thế Giới | 19/04/2015, 07:00

Hơn 2/3 lao động Việt Nam được đào tạo gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chứ không tranh thủ học tập nâng cao kỹ năng của nhà tuyển dụng để tìm kiếm một cơ hội lương cao hơn. Đây chính là điểm sáng được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao về lao động của Việt Nam.

Thiếu lao động tay nghề cao
Theo báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 16.4, phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đều chưa đánh giá cao trình độ lao động của Việt Nam
"Để đưa ngành công nghiệp của Việt Nam lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu, thì lực lượng lao động có tay nghề chuyên môn cao đóng một vai trò quan trọng. Điều đáng tiếc là, cung lao động có tay nghề cao ở Việt Nam chưa đáp ứng được cầu của thị trường", báo cáo của VCCI nhấn mạnh.
Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2014, các doanh nghiệp FDI đã phải đào tạo thêm đến 20% - 35% số lao động mới tuyển dụng, chiếm khoảng 3,6 - 7,8% chi phí kinh doanh. 
Dù khoảng cách giữa trình độ tay nghề và nhu cầu doanh nghiệp đã giảm dần trong giai đoạn 2010-2013, nhưng năm 2014 là một năm đáng chú ý khi tỷ lệ nhân viên mới có kỹ năng kém và chi phí đào tạo gia tăng trở lại mức năm 2010. 
Quan trọng hơn, khoảng cách chênh lệch về kỹ năng và nhu cầu dường như tương quan với chất lượng đào tạo nghề yếu kém, khi sử dụng các thước đo khác nhau về kỹ năng và đào tạo.
Báo cáo của VCCI chỉ ra rằng, đối với những ngành quan trọng cho các chiến lược phát triển của Chính phủ Việt Nam, chất lượng giáo dục phổ thông và đào tạo nghề đều được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu. Doanh nghiệp FDI trong các ngành này buộc phải tự đầu tư bổ sung đào tạo cho lao động mới tuyển cả những kỹ năng cơ bản và kiến thức chuyên môn
Tuy nhiên, có một điểm mà doanh nghiệp FDI đánh giá cao ở lao động Việt Nam là hơn 2/3 lao động được đào tạo gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, chứ không tranh thủ học tập nâng cao kỹ năng của nhà tuyển dụng để tìm kiếm một cơ hội lương cao hơn.
Đồng thời, nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ giữ chân lao động được ghi nhận cao nhất ở các ngành đòi hỏi kỹ năng cao nhất. Các doanh nghiệp tài chính giữ chân được 77% số lao động mà họ đào tạo. Con số này là 75% đối với doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô xe máy và 73% đối với các doanh nghiệp sản xuất thiết bị máy tính. 
"Vì vậy, các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư vào đào tạo kỹ năng cho người lao động mà không phải quá lo sợ về việc để mất những lao động được đào tạo về tay các đối thủ cạnh tranh", VCCI cho biết.
45% các cuộc đình công vì mức lương chưa hợp lý
Cũng đề cập đến khía cạnh lao động, báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của VCCI cho thấy, trong vòng 3 năm qua, có 9% doanh nghiệp có xảy đình công hoặc lãn công tập thể và mỗi cuộc trung bình kéo dài khoảng hai ngày làm việc, tiêu tốn 3% doanh thu hàng năm. 
Tuy nhiên, con số trung bình có thể gây nhầm lẫn vì mức độ thiệt hại mà cuộc đình công gây ra cho doanh nghiệp và người lao động rất đa dạng. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sản lượng thiệt hại có thể lên đến nửa năm sản xuất và 80% doanh thu
Theo các doanh nghiệp được VCCI khảo sát, nguyên nhân chính của các cuộc đình công đó là vì Lương (45%), Quyền lợi (38%), thứ ba là Điều kiện làm việc 7,8%. 
Mặc dù vậy, đa số doanh nghiệp FDI (trên 80%) cho rằng đây đều là những lý do hợp pháp, chính đáng.
VCCI cho biết, Bộ Luật Lao động 2012 mới gần đây đã quy định phải tổ chức đối thoại giữa người lao động và người sử dụng lao động như một cách thức thúc đẩy đối thoại xã hội và tăng cường dân chủ tại nơi làm việc. 
Thực tế, kêu gọi đối thoại ba bên là biện pháp mà chính quyền địa phương áp dụng phổ biến nhất khi xảy ra đình công (28%), tiếp theo là cử cán bộ lao động đi điều tra tình hình (19%) và huy động tổ công tác liên ngành để hòa giải (18%).
Về phía doanh nghiệp, họ đều cho biết sẵn sàng tham gia đối thoại xã hội với người lao động. Đa số doanh nghiệp (trên 80%) đồng ý rằng doanh nghiệp sẽ có lợi hơn khi coi trọng ý kiến của người lao động, cho phép người lao động tham gia vào quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, và cho phép thành lập cơ quan đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp.
Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà đầu tư ngoại đánh giá cao 'sự trung thành' của lao động Việt