Thủ tướng chỉ ra một số việc “không được” tại phường Thanh Xuân Trung, Hà Nội như một tháng vẫn chưa kiện toàn được bí thư phường, chưa có quy chế làm việc, không có đủ người trực tại trụ sở, đoàn công tác đến thì “chạy lên chạy xuống” tìm người
Chiều 31.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch tại phường Thanh Xuân Trung – nơi đang là điểm nóng nhất về dịch bệnh tại Hà Nội.
Di dời bớt dân khỏi khu đông dân
Tại đây, Thủ tướng trực tiếp trao đổi, nắm tình hình với nhiều người dân, trong đó có cả một shipper đang vận chuyển hàng trên đường. Ông cũng hỏi cặn kẽ về cách thức giao hàng hóa, thu tiền để đảm bảo an toàn; trực tiếp xem giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm vắc xin, xịt khuẩn tay…
Thủ tướng mong muốn những người bán hàng và người vận chuyển phải tuyệt đối chấp hành các quy định phòng chống dịch, “bán hàng phải an toàn, an toàn để bán hàng”.
Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế lưu tâm việc tiêm vắc xin cho những người làm việc tại các chốt kiểm soát như cựu chiến binh, phụ nữ, dân phòng… Đồng thời, nghiên cứu thêm các chính sách về phụ cấp hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị bảo hộ, nước uống… cho các chốt kiểm soát.
Tiếp đó, người đứng đầu Chính phủ tới “điểm nóng” ngõ 328-330 Nguyễn Trãi – ổ dịch lớn nhất, nóng nhất tại Hà Nội trong những ngày vừa qua. Tới nay, khu vực này đã phát hiện 313 ca F0 trên tổng số khoảng 1.800 người dân.
Nghe báo cáo và chứng kiến bản đồ tình hình dịch, Thủ tướng yêu cầu phải làm ngay 2 việc. Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông. Hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường.
“Phường chưa triển khai đến nơi đến chốn tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lấy xã phường làm pháo đài. Thành phố triển khai các cơ sở điều trị nhưng cấp xã phường cũng phải triển khai để giảm tải cho hệ thống y tế cấp trên. Hiện năng lực điều trị của thành phố đủ nhưng phải dự trù những tình huống xấu hơn nếu tình hình thay đổi”, Thủ tướng yêu cầu.
Theo Thủ tướng, nếu để hệ thống y tế quá tải, dồn lên tuyến trên thì tỷ lệ tử vong sẽ cao. Hiện Hà Nội chưa có tình trạng quá tải nhưng phải sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng tránh nguy cơ này.
Trụ sở vắng người trực vì chưa kiện toàn bí thư
Điểm cuối cùng trong chuyến thị sát của Thủ tướng là UBND phường Thanh Xuân Trung để kiểm tra công tác ứng trực phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi Thủ tướng tới đây lúc 16 giờ 30 chiều, trụ sở này vắng người trực.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo phường trình quyết định thành lập và quy chế làm việc của ban chỉ đạo phòng chống dịch. Sau hơn 30 phút, quyết định được cán bộ phường tìm thấy. Tuy nhiên, theo quyết định này, Trưởng Ban chỉ đạo lại là Chủ tịch UBND phường, trong khi theo chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và các công điện của Thủ tướng, trưởng ban chỉ đạo phải do bí thư cấp ủy đảm nhận.
Chủ tịch phường cho biết bí thư vừa được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ khác trên quận. Khi được biết việc điều động đã diễn ra cách đây hơn 1 tháng, ông phê bình ngay lãnh đạo quận ủy vì chậm trễ trong việc kiện toàn nhân sự cho phường.
“Cả tháng rồi chưa kiện toàn bí thư phường, khuyết điểm này thuộc về quận Thanh Xuân. Phường là vùng đỏ rồi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này phải kiện toàn ngay để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu chống dịch, chăm lo cho dân”, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo địa phương, đồng thời nhắc tới TP.HCM chỉ “ngày trước ngày sau” đã kiện toàn xong chủ tịch UBND thành phố.
Thủ tướng tiếp tục đặt các câu hỏi để kiểm tra lãnh đạo phường đã nhận được các Công điện mới của Thủ tướng chưa, nắm vững tới đâu các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, chủ tịch phường trả lời lúng túng.
“Tôi đã yêu cầu phổ biến các Công điện 1099 ngày 22.8, Công điện 1102 ngày 23.8 của Thủ tướng tới tận phường xã. Câu trả lời cho thấy không nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, của Thủ tướng, nên điều hành công việc còn lúng túng”, Thủ tướng nêu rõ.
Chưa đạt kết quả về giãn cách xã hội
Chiều muộn cùng ngày, ngay trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với Sở Chỉ huy phòng chống COVID-19 của Thành phố, kết nối với điểm cầu UBND Thành phố, các quận huyện và toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự cuộc họp tại đầu cầu UBND Thành phố.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Càng đi thực tiễn, càng xuống cơ sở càng thấy quan điểm, chủ trương lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ là đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Xã, phường là cấp chính quyền gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất”.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, người dân vẫn ra đường đông. Như vậy là chưa đạt kết quả về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nếu tình hình như hiện nay thì thành phố kiểm soát được, nhưng nếu tình hình phức tạp hơn thì có thể bị động, lúng túng và có thể có bất ngờ.
Thủ tướng chỉ ra một số việc “không được” tại phường Thanh Xuân Trung. Cụ thể là qua một tháng vẫn chưa kiện toàn được nhân sự bí thư phường. Phường đã có Ban chỉ đạo nhưng chưa có quy chế làm việc. Cuối cùng, không có đủ người trực tại trụ sở, đoàn công tác đến thì “chạy lên chạy xuống” tìm người.
Theo Thủ tướng, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, nhất là khi chưa có đủ vắc xin để tiêm cho phần lớn dân số. Khi đã thực hiện giãn cách xã hội thì phải làm quyết liệt, chặt chẽ, làm nghiêm ngặt ngay tại xã phường, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại phải đạt mục tiêu phòng chống dịch.
Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó phát hiện nhanh chóng nguồn lây, bóc tách khỏi cộng đồng, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp; thu dung, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 nhanh nhất có thể, đưa dịch vụ y tế tới gần dân nhất, nhanh nhất.
Ông cũng yêu cầu phải bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng nhấn mạnh, không ai “thuộc” dân, nắm vững hoàn cảnh, điều kiện từng người dân bằng cấp xã, phường, thị trấn; chủ động bảo đảm một số nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, không để bị động, lúng túng.
“Chỗ nào làm tốt phải khen, động viên ngay, chỗ nào làm không đúng không trúng phải kiểm điểm, xử lý, ai vi phạm phải kỷ luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.