Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.
Thị trường và chính sách

Thủ tướng: Làm rõ vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi làm tốt, nơi thì chưa?

Lam Thanh 16/07/2024 10:20

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Sáng 16.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024.

Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội quyết nghị phân bổ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là hơn 669.264 tỉ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương hơn 236.915 tỉ đồng (vốn trong nước là hơn 216.915 tỉ đồng, vốn nước ngoài là 20.000 tỉ đồng), vốn ngân sách địa phương là hơn 432.348 tỉ đồng.

Căn cứ quy định Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, đạt tỉ lệ 100% kế hoạch vốn năm 2024 đã được Quốc hội phân bổ.

Đến ngày 10.7, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 chi tiết cho danh mục nhiệm vụ, dự án đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Về thực hiện và giải ngân, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30.6 là 196.669 tỉ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 4.781,7 tỉ đồng, đạt 78,23% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia là 9.644,6 tỉ đồng, đạt 35,43% kế hoạch.

Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

0-tt.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Theo các báo cáo, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đang có dấu hiệu chậm lại, trong khi mục tiêu Chính phủ đặt ra là phải giải ngân được trên 95% kế hoạch vốn năm 2024. Đây là thách thức lớn cho những tháng còn lại của năm.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là hiện nay, bên cạnh một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân vượt trội so với bình quân chung của cả nước, thì vẫn còn bộ, ngành, địa phương giải ngân rất thấp, đặc biệt còn một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân 0% như Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do chưa phân bổ kế hoạch vốn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Để làm được điều này thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân…

“Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng cho rằng đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, Thủ tướng cho rằng những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, “điểm nghẽn”.

“Làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt; đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch”, Thủ tướng nêu.

Bài liên quan
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Làm rõ vì sao cùng một cơ chế nhưng có nơi làm tốt, nơi thì chưa?