Sáng 16.10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.
Sự kiện

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025

Theo chinhphu.vn 14:23 16/10/2024

Sáng 16.10, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Việc triển khai các dự án là nhiệm vụ chính trị, là đòi hỏi của trái tim, là trông đợi của nhân dân vùng ĐBSCL - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng dự hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, các bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy các địa phương vùng ĐBSCL; lãnh đạo TP.HCM, tỉnh Bình Dương; các doanh nghiệp, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông tại ĐBSCL.

9 dự án với tổng vốn 106.000 tỉ đồng

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng.

Trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km và 2 dự án cầu, đường bộ.

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án thành phần 2 Cao Lãnh-An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 2.

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện các dự án, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương báo cáo về tình hình triển khai các dự án và nhu cầu vật liệu (TP.HCM báo cáo về dự án đường Vành đai 3; Cần Thơ báo cáo về dự án thành phần 2 Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Hậu Giang báo cáo về dự án thành phần 3 Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng…); các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu báo cáo về tình hình cung ứng vật liệu; các ban quản lý, nhà thầu trình bày các khó khăn, vướng mắc; Bộ TN-MT báo cáo về tình hình khai thác vật liệu xây dựng (đá, cát, sỏi…); Bộ KH-ĐT báo cáo về tình hình thực hiện bố trí vốn cho các dự án hạ tầng giao thông phía Nam và ĐBSCL…

Riêng với dự án Vành đai 3 TP.HCM, lãnh đạo TP.HCM cho biết, tổng nhu cầu cát của 4 địa phương có dự án đi qua là khoảng 9,2 triệu mét khối. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 3 địa phương cam kết cung cấp cát cho dự án với tổng khối lượng khoảng 10 triệu mét khối.

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng trước đó, đến thời điểm này cơ bản cát đã về dự án. Nhu cầu cát của dự án Vành đai 3 trong năm 2024 là 5 triệu mét khối, đến nay khối lượng cát được huy động về công trường là 1,8 triệumét khối. Còn lại các vấn đề khác, như giải phóng mặt bằng, nguồn vốn giải ngân, tổ chức thi công cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các địa phương cam kết theo tiến độ chung của dự án là thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2026, một số đoạn tuyến hoàn thành, thông xe trong năm 2025.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mạng lưới cao tốc ĐBSCL chuyển biến rõ nét

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ GTVT và Văn phòng Chính phủ, cùng các bộ ngành, địa phương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện và sớm ban hành Thông báo kết luận hội nghị để thống nhất triển khai.

Thủ tướng một lần nữa nêu rõ, tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là: Tăng tốc, bứt phá; tập trung cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phân cấp, phân quyền tối đa cho các bộ ngành, địa phương, "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" và địa phương thụ hưởng; chỉ bàn làm, không bàn lùi. Mới đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết "Chống lãng phí"; Thủ tướng nêu rõ, nếu các dự án kéo dài, đội vốn thì sẽ gây ra lãng phí.

Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra; trong đó xác định mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.

Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải. Đến nay, Ban Chỉ đạo đã họp 14 phiên, ban hành 14 văn bản kết luận. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc triển khai các dự án cao tốc.

Riêng đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp 5 lần làm việc với các bộ ngành, địa phương trong vùng; nhiều lần kiểm tra công trường, đôn đốc, thăm, động viên cán bộ, công nhân, nhà thầu thi công, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

"Sau thời gian 3 năm từ khi bắt tay nghiên cứu, triển khai các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, kết quả bước đầu đến nay cho thấy: Chúng ta đã biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể; từ chỉ có trong ý tưởng đến có các dự án cụ thể, hiện thực, nhiều đoạn tuyến, cây cầu đã hoàn thành; từ không có tiền đến có đủ tiền; từ những cánh đồng lúa bát ngát đến các tuyến cao tốc hiện đại định hình rõ nét, mang lại triển vọng phát triển to lớn cho vùng ĐBSCL", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo quy hoạch được phê duyệt, khu vực khu vực ĐBSCL có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng gần 1.200km. Trước nhiệm kỳ này, toàn vùng chỉ có 39km đường cao tốc, không có dự án nào được chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Với sự quyết liệt của Trung ương và quyết tâm của các địa phương, từ nơi được coi là "vùng trũng" cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã chuyển biến rõ nét.

Đến nay, toàn vùng có 120km đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác; có 428km đường bộ cao tốc đang triển khai thi công và đang phấn đấu để cơ bản hoàn thành năm 2025; có 215km đang nghiên cứu để chuẩn bị đầu tư (gồm: Đức Hòa-Mỹ An (74km), Mỹ An-Cao Lãnh (26km), Hà Tiên-Rạch Giá (100km), cầu Cần Thơ 2 (15km).

"Việc triển khai các dự án là nhiệm vụ chính trị, là đòi hỏi của trái tim, là trông đợi của nhân dân vùng ĐBSCL", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, các địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công đã trưởng thành, lớn mạnh hơn, đã làm chủ và triển khai được các dự án quy mô lớn. Đã bố trí được phần lớn nguồn vật liệu san lấp cho các dự án khu vực phía Nam với khoảng trên 37 triệu mét khối trong tổng số nhu cầu khoảng 65 triệu mét khối.

Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đạt tiến độ, trên 90% mặt bằng được bàn giao, nhiều dự án đã hoàn thành 100%. Công tác hỗ trợ tái định cư và chăm lo đời sống cho nhân dân được các địa phương chú trọng, thực hiện tốt. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu vực dự án được bảo đảm, nhân dân ủng hộ các dự án.

Phân tích nguyên nhân, Thủ tướng chỉ rõ, những kết quả đạt được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, sự tham gia, hưởng ứng tích cực, đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là pháp lý, thủ tục đầu tư, nguồn vốn…; các nhà thầu, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động quyết tâm cao với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", thi công "3 ca 4 kíp", "xuyên lễ, xuyên Tết, làm việc cả thứ bảy, chủ nhật"; sự hỗ trợ, chia sẻ, đồng tình của người dân đã nhường đất, mặt bằng sinh sống, sản xuất để phục vụ thi công các dự án.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 6.

Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 7.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà thầu đã quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần làm thay đổi bộ mặt hệ thống cao tốc tại ĐBSCL.

Đồng thời, Thủ tướng biểu dương các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang, Sóc Trăng đã khẩn trương làm việc với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để giải quyết thủ tục cấp phép, khai thác mỏ, điều phối, cung ứng đủ vật liệu san lấp, đắp nền đường; biểu dương các địa phương có nguồn đá dăm (Kiên Giang, An Giang, và các tỉnh Đông Nam Bộ) đã tích cực triển khai các thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho các dự án theo cơ chế đặc thù.

Thủ tướng chúc mừng các địa phương khu vực ĐBSCL đang hình thành hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và với các vùng trong cả nước; qua đó mở ra không gian phát triển mới, giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, mang lại lợi ích cho các địa phương, cho toàn vùng và cả nước.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 8.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 9.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 10.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 11.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bênh cạnh kết quả đạt được là cơ bản, việc triển khai các dự án vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, như khó khăn về công tác quản lý ở một số địa phương khi lần đầu được giao chủ quản dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, nhất là giải phóng mặt bằng, bảo đảm vật liệu san lấp, đắp nền.

Trong thời gian từ tháng 7 trở về trước, chưa bảo đảm đủ vật liệu san lấp (thiếu trên 27 triệu mét khối cát san lấp); hiện nay đã cơ bản bảo đảm nguồn, nhưng có dự án còn chưa bảo đảm tiến độ. Việc thí điểm sử dụng cát biển vẫn còn lúng túng.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành trong tháng 9.2024. Các dự án đều còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng mặc dù tỷ lệ không lớn; di dời hạ tầng kỹ thuật điện, công trình ngầm (còn 15 vị trí đường điện cao thế chưa di dời). Một số dự án khai thác cát lòng sông chưa nhận được đồng thuận cao của người dân.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế là một số địa phương chưa chủ động, chậm triển khai các thủ tục về cấp phép và giao mỏ vật liệu xây dựng thông thường. Một số cơ quan quản lý ở địa phương chưa nghiên cứu sâu; tham mưu chưa đúng việc thực hiện các quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương chưa chủ động thông tin tuyên truyền đầy đủ, khách quan để người dân đồng tình, ủng hộ…

Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, trong bài viết về chống lãng phí, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chỉ đạo: "Tổng kết, nhân rộng kinh nghiệm triển khai dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) để rút ngắn thời gian thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, công trình trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa".

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các địa phương quán triệt sâu sắc các bài học kinh nghiệm đúc rút từ Dự án dự án đường dây 500kV mạch 3 và các dự án hạ tầng trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025- Ảnh 12.

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo đó, trong công tác quản lý lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo, điều hành, phải chú trọng phương châm: Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; phân công phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ kết quả; kết quả phải cân đong, đo, đếm được để từ đó dễ kiểm tra, dễ giám sát và dễ đánh giá; tăng cường kiểm tra giám sát.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động nguồn lực toàn xã hội, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; xác định các dự án trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, trang thiết bị tại chỗ, hậu cần tại chỗ, không để các nhà thầu cô đơn trên công trường.

Chủ đầu tư, các đơn vị thi công phải nỗ lực hết sức mình, chủ động tích cực, phối hợp chặt chẽ, hợp tác cùng lớn mạnh, với tinh thần "chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển, cùng có niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào".

Tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng, giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm khoa học, hiệu quả, không đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ. Vướng mắc tại khâu nào, cấp nào thì phải được giải quyết ngay tại cấp đó; không đề xuất vượt cấp, mất thời gian, không hiệu quả.

Phải vừa làm vừa tổng kết, rút kinh nghiệm, phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, kịp thời động viên, khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh; tăng cường thông tin truyền thông, nhất là gương người tốt, việc tốt trên công trường, dự án, tạo sự đồng thuận xã hội.

Giải quyết dứt điểm 3 vướng mắc

Định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ cần tăng tốc, bứt phá hơn, mạnh mẽ hơn trong tổ chức thực hiện, với quyết tâm chính trị cao hơn, cách làm khoa học, hiệu quả hơn.

Các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung quán triệt 3 quan điểm xuyên suốt: (i) Giao thông vận tải phải thông suốt, đi trước mở đường; (ii) Chỉ bàn làm, không bàn lùi, bảo đảm đúng và vượt tiến độ các dự án, nâng cao chất lượng, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh, môi trường, phòng chống tiêu cực, lãng phí; (iii) bàn để quyết chứ không bàn để đấy, đã bàn, đã quyết là phải làm, đã làm phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.

Theo Thủ tướng, khối lượng công việc trong thời gian tới của từng dự án là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phải hết sức khẩn trương, chủ động, linh hoạt, sáng tạo vận dụng các chủ trương, cơ chế, chính sách để triển khai các các dự án. Hưởng ứng thiết thực và thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua "500 ngày đêm cao điểm hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc". Nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ĐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200km.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch UBND các địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung chỉ đạo, phát huy hơn nữa những bài học kinh nghiệm nêu trên trong triển khai các dự án.

Trong đó, phải có giải pháp bù lại tiến độ đã chậm và đặc biệt chú trọng giải quyết dứt điểm 3 vấn đề tiếp tục còn vướng mắc: Giải phóng mặt bằng; di dời đường điện cao thế; cung ứng vật liệu (cát, đá, sỏi).

Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Thông báo kết luận số 335/TB-VPCP ngày 19.7.2024, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau:

Bộ TN-MT và Bộ GTVT, các bộ ngành liên quan tiếp tục trực tiếp trao đổi, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác mỏ theo thẩm quyền. Yêu cầu tuyệt đối không đặt ra những quy định gây khó khăn, cản trở hoạt động cung ứng cát san lấp và cấp phối đá dăm, làm chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.

Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tập đoàn Điện lực (EVN), các địa phương khẩn trương di dời đường điện cao thế; kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trường hợp để chậm trễ.

Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tăng cường nhân lực, máy móc thiết bị thi công "vượt nắng, thắng mưa", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "3 ca, 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", "xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "làm việc nào dứt việc đó", "đã cam kết phải thực hiện ", đẩy nhanh tiến độ các dự án. Các nhà thầu chính hợp tác, hỗ trợ các nhà thầu, doanh nghiệp địa phương tham gia dự án. Những việc mà lực lượng quân đội, công an làm được thì huy động lực lượng công an, quân đội tham gia.

UBND các địa phương trong khu vực dự án tập trung hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 10.2024, không để ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương có nguồn vật liệu và chỉ đạo quyết liệt các chủ đầu tư, nhà thầu đảm bảo nguồn vật liệu (cát, đá, sỏi); xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm. Yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành và vượt tiến độ; khen thưởng, kỷ luật kịp thời; kiên quyết xử lý các nhà thầu chậm tiến độ. Tiếp tục làm tốt công tác chăm lo đời sống cho người dân tái định cư, bảo đảm điều kiện của người dân tại nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục vận động các đoàn thể tại địa phương phối hợp, hỗ trợ các công nhân, nhà thầu làm việc trên các công trường trên địa bàn.

Bộ GTVT và UBND TPHCM, tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang (những nơi không tự chủ động được nguồn vật liệu san lấp) thường xuyên cập nhật tiến độ giải quyết các thủ tục về cung ứng cát san lấp đắp nền đường cho các dự án, triển khai ngay hoạt động khai thác vật liệu đưa về về công trường để hỗ trợ gia tải xử lý lún và chủ động nguồn vật liệu đá dăm.

Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư thành ủy, tỉnh ủy và chủ tịch UBND các địa phương trong vùng, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn tiếp tục nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động trong triển khai các dự án, làm việc hết mình, hết sức, tránh đùn đẩy, né tránh, hoàn thành, xử lý dứt điểm các công việc đã bàn, đã thống nhất, tất cả vì sự phát triển của vùng ĐBSCL, sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Bài liên quan
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế
4 giờ trước Sự kiện
Ngày 27.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Nỗ lực hoàn thành 600km cao tốc tại ĐBSCL trong năm 2025