“Tôi đề nghị các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài nói phải đi đôi với làm, không thể để tình trạng ký kết, trao giấy phép rất hoành tráng nhưng khi triển khai thì chậm trễ hay không làm gì cả”, Thủ tướng bày tỏ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng diễn ra ngày 19.9.

Thủ tướng: ‘Trao giấy phép đầu tư thì hoành tráng, xong rồi không làm gì’

Trí Lâm | 20/09/2016, 14:49

“Tôi đề nghị các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài nói phải đi đôi với làm, không thể để tình trạng ký kết, trao giấy phép rất hoành tráng nhưng khi triển khai thì chậm trễ hay không làm gì cả”, Thủ tướng bày tỏ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hải Phòng diễn ra ngày 19.9.

Hải Phòng luôn trong tốp đầu các địa phương thu hút nhiều nhất các dự án đầu tư. Ngày 19.9, hàng loạt hợp tác đầu tư, hợp đồng tín dụng với tổng trị giá 12,8 tỉ USD đã được ký kết. Trong đó có 6,6 tỉ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài và 129.978 tỉ đồng (tương đương 6,2 tỉ USD) từ nhà đầu tư trong nước.

Từ đầu năm 2016 đến 12.9, tổng thu hút FDI trên toàn thành phố đạt hơn 2,7 tỉ USD, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2015, trở thành địa phương đứng đầu cả nước. Đồng thời có nhiều thành tích trong việcchuyển từ “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh”, chuyển các nhà máy đóng tàu, xi măng ra khỏi trung tâm thành phố.

Dự hội nghị này,Thủ tướng đánh giá cao sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư vào Việt Nam cũng như Hải Phòng với nhiều dự án trong các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh và hy vọng sau hội nghị xúc tiến đầu tư này, Hải Phòng có bước tiến mới về kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, của mọi công dân, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề. Đồng thời khẳng định, các nhà đầu tư có quyền đưa các nhà quản lý, công nhân lành nghề nước ngoài vào làm việc tại các vị trí trong dự án đầu tư khi không tìm được lao động Việt Nam cho vị trí đó.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Chính phủ mong muốn các nhà đầu tư bên cạnh coi trọng phát triển kinh tế cần chú trọng hơn đến bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, giữ gìn, bảo vệ văn hóa truyền thống của địa phương.
“Nhân dịp này, tôi đề nghị các nhà đầu tư, cả trong nước và nước ngoài nói phải đi đôi với làm, không thể để tình trạng ký kết, trao giấy phép rất hoành tráng nhưng khi triển khai thì chậm trễ hay không làm gì cả”, Thủ tướng bày tỏ.

Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Hải Phòng, Thủ tướng cũng chỉ rõ, Hải Phòng đạt mức tăng trưởng khá cao, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư FDI, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu như xuất khẩu, thu nội địa… Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế từ năng lực sản xuất nội tại chưa bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế trong một số ngành, nhất là ngành dịch vụ, sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, một số tuyến đường kết nối với các tỉnh duyên hải chậm được xây dựng. Cải cách hành chính có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một thành phố cảng hiện đại, thông minh.

Thủ tướng cũng cho hay, trong 13 tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương, Hải Phòng chưa nằm trong tốp đầu và hiện mới chỉ có đóng góp cho ngân sách Trung ương được 12% tổng số thu của mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hải Phòng cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để đóng góp được nhiều hơn nữa cho ngân sách Trung ương.

“Hải Phòng phải tạo một sức sống mới, một niềm tin mới, một niềm hứng khởi trong đầu tư, làm ăn của người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng bày tỏ. Thủ tướng và các bộ ngành Trung ương sẵn sàng cùng với lãnh đạo thành phố tạo ra sức sống mới này.

Đánh giá tỷ lệ doanh nghiệp trên dân số của Hải Phòng ở mức cao so với trung bình cả nước, Thủ tướng mong muốn thành phố “phải có 100.000 doanh nghiệp, mà hiện nay con số mới bằng 1/3”. Phải tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ. Chú ý phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, nhất là vận tải đa phương tiện, logistic.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hải Phòng cần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chú ý quản lý phát triển đô thị trên tinh thần công nghiệp hóa gắn liền với đô thị hóa.

Cùng với đó là phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phải rà soát, hoàn thiện quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng,trong đó lưu ý kiểm soát được các nguồn vốn, không để nợ xấu, quản lý chặt chẽ, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Xã hội hóa mạnh mẽ các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng. Tăng cường xã hội hóa hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Trí Lâm
Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: ‘Trao giấy phép đầu tư thì hoành tráng, xong rồi không làm gì’