Chiều 28.9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.
Theo dòng thời sự

Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài

TTXVN 18:24 28/09/2024

Chiều 28.9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng tham dự họp có các Phó thủ tướng Chính phủ: Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành, thành viên Ban Chỉ đạo.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo, thông qua rà soát về vấn đề phân cấp, ủy quyền tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, các thành viên của Ban Chỉ đạo nhận thấy một số vướng mắc liên quan chủ thể được phân cấp, nhận phân cấp, quy trình thực hiện phân cấp; chủ thể được ủy quyền và quy trình thủ tục ủy quyền.

Ban Chỉ đạo cũng rà soát, nhận thấy một số vường mắc cụ thể tại một số luật khác. Trong đó, tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có những vướng mắc về các dự án đầu tư có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 2 vụ trở lên; quy định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo tác động môi trường.

Tại Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo có các vướng mắc liên quan thời hạn giấy phép nhận chìm ở biển; thủ tục trong hoạt động nhận chìm ở biển. Tại Luật Trồng trọt năm 2018 có vướng mắc trong quy định điều kiện buôn bán phân bón.

Ban Chỉ đạo cũng nghiên cứu các vướng mắc, bất cập tại các luật không thuộc phạm vi rà soát theo yêu cầu, nhận thấy có 10 luật, với 26 nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc cần xem xét, giải quyết.

Cùng với thảo luận sôi nổi, cho ý kiến về nội dung các vướng mắc, bất cập đối với 5 luật kể trên, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị thúc đẩy xử lý các vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục hành chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30.8.2022, nhất là một số vướng mắc, bất cập tại các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc đang trình xây dựng.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn, sâu sắc, chất lượng của các phó thủ tướng chính phủ và các thành viên Ban Chỉ đạo tại phiên họp; giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến, ban hành thông báo kết luận phiên họp để thống nhất triển khai.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo bám sát quy chế hoạt động, các nội dung, kế hoạch, hoạt động của Ban Chỉ đạo để tham gia đóng góp công sức, trí tuệ vào rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Các bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, tập trung nhân lực, nguồn lực kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật; trong đó có rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để khơi thông, huy động nguồn lực cho phát triển, giúp tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và mục tiêu Đại hội lần thứ 13 của Đảng đề ra.

Trong đó, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phải tập trung tháo gỡ vướng mắc; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn nữa; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin - cho; với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài cho sự phát triển.

Trung ương và các bộ ngành chỉ tập trung xây dựng luật pháp, thể chế, cơ chế, chính sách, các chiến lược, kế hoạch, chương trình; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát; địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Thủ tướng lưu ý việc rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nói riêng và xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật nói chung phải đúng thời gian, đảm bảo chất lượng; trong quá trình xây dựng pháp luật phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội.

hop2-28924.jpg
Thủ tướng chủ trì họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật - Ảnh: TTXVN

Thủ tướng lưu ý, tùy mối quan hệ của luật, có nội dung phải chi tiết, cụ thể, có nội dung quy định có tính chất khái quát, nhất là những vấn đề có biến động nhiều thì giao cho chính quyền từ trung ương đến địa phương thực hiện căn cứ thực tiễn, trên tinh thần "Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; cái gì chưa có quy định hay thực tế vượt quá quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn và không nóng vội”.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cùng với xử lý vướng mắc, bất cập tại 5 luật: Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các bộ ngành khẩn trương xây dựng 1 luật để sửa nhiều luật liên quan tư công; xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho phát triển, nhất là trong lúc khó khăn.

Đối với các dự án luật chưa có trong chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 thì tổng hợp trong quá trình tổng kết luật nhằm nghiên cứu, thực hiện việc xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục rà soát, xác định các bất cập, vướng mắc có tính cấp bách, những “điểm nghẽn” về thể chế cần tháo gỡ để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, bảo đảm mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo đúng yêu cầu nhiệm vụ và chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với xây dựng luật, cần khẩn trương xây dựng ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện luật để tổ chức thực thi các luật kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp tham mưu kiện toàn nhân sự Ban Chỉ đạo theo đúng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo; đồng thời tiếp tục tổng hợp tình hình xử lý văn bản sau rà soát và kết quả rà soát từ các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ nghiên cứu, đánh giá các kết quả rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.

Để đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác của kết quả rà soát, đảm bảo đầy đủ cơ sở tham mưu cho Ban Chỉ đạo, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cần linh hoạt tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực pháp luật được rà soát theo đúng quy định pháp luật, đặc biệt là các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa cơ quan kiến nghị với bộ, cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước.

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long - Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban theo quy định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Xây dựng pháp luật phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, lâu dài