Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm của hai bệnh viện tại Hà Nội trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch.
Cấp 300.000 liều vắc xin cho 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh
Sáng 26.5, Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp trực tuyến khẩn cấp với các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và các lực lượng chống dịch tại địa phương này, trong bối cảnh dịch bệnh tại 2 tỉnh có những diễn biến hết sức phức tạp.
Bộ Y tế cho biết, sáng 26.5 có thêm 80 ca mắc COVID-19 trong nước, riêng Bắc Giang 55 ca, Bắc Ninh 23 ca, Thanh Hóa và Hải Dương mỗi tỉnh 1 ca. Còn trong ngày 25.5, có 444 ca ghi nhận trong nước, riêng Bắc Giang có 375 ca và Bắc Ninh 28 ca.
Nhận định chung, Bộ Y tế đánh giá số lượng trường hợp F0 tại Bắc Giang tăng cao do việc tổng lực tăng tốc xét nghiệm 3 ngày qua mà Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai tại tất cả các khu công nghiệp, các nhà máy, khu lưu trú của công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên, các trường hợp F0 đều đang lưu trú tại khu vực cách ly, phong tỏa, số ca chủ yếu vẫn tập trung tại huyện Việt Yên.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tính đến tối qua, số ca F0 tại Bắc Giang là 1.399, tất cả số này đều trong các khu cách ly tập trung, như dự báo của Tổ công tác Bộ Y tế.
Bài toán đặt ra hiện nay là dập dịch trong các khu công nghiệp (KCN), chống lây ra cộng đồng. Cùng với đó, chăm lo đời sống cho hơn 60.000 công nhân từ các tỉnh thành khác được giữ lại để ngăn không cho dịch lây lan rộng.
Thách thức nữa là tiêu thụ nông sản, nhất là vải thiều, đang vào mùa thu hoạch với 180.000 tấn, tỉnh đã có bộ tiêu chí an toàn COVID-19 cho người tham gia vào chuỗi sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ vải thiều. Tỉnh kiến nghị việc thiết lập “luồng xanh” để lưu thông mặt hàng này qua các địa phương.
Tỉnh cũng xây dựng kế hoạch từng bước khởi động lại các KCN trong bối cảnh dịch bệnh, chọn 8 doanh nghiệp làm thí điểm. Ngay trong ngày mai 27.5, sẽ có những doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trở lại.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan cho biết, với hơn 400 nghìn công nhân lao động tại các KCN, số lượng người di chuyển rất lớn trong dịp nghỉ lễ 30.4 - 1.5, các biện pháp chống dịch đã được tỉnh triển khai ngay từ khi chưa xuất hiện các ca trong KCN.
Công tác phòng chống dịch của Bắc Ninh đang tập trung vào 4 mũi trọng yếu: tại xã Mão Điền, huyện Thuận Thành (nơi xuất hiện ổ dịch đầu tiên ngày 5.5); các khu công nghiệp; các khu cách ly, cơ sở y tế; khoảng 30.000 người Bắc Giang làm việc tại Bắc Ninh và khoảng 3.600 người Bắc Ninh làm việc tại Bắc Giang.
Cho đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã lập 6.700 tổ COVID cộng đồng và 7.000 tổ an toàn COVID trong doanh nghiệp. Tỉnh cũng đang thực hiện mô hình người lao động sau khi được xét nghiệm đầy đủ sẽ được bố trí ở tại doanh nghiệp hoặc ký túc xá riêng biệt, vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì sản xuất.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, với Bắc Giang, phải dập dịch nhanh trong các KCN, đặc biệt là các khu công nhân, để đưa trở lại hoạt động bình thường. Còn đối với Bắc Ninh, phải dập dịch bằng được trong cộng đồng, bảo vệ cộng đồng sạch để ngăn việc lây nhiễm từ cộng đồng vào các KCN.
Bộ trưởng Long đề nghị tăng cường lực lượng giám sát kiểm tra, lắp đặt camera và xử lý các vi phạm về cách ly y tế. Bộ trưởng nhất trí phương thức xét nghiệm nhanh của 2 địa phương, khẳng định Bộ sẽ tích cực hỗ trợ về việc này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế sẽ phân bổ mỗi tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh 150.000 liều vắc xin và sẽ hỗ trợ để hoàn thành tiêm chủng trong vòng 1 đến 2 tuần.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phải lo đủ vật tư, thiết bị phòng chống dịch, điều trị, đặc biệt là sinh phẩm xét nghiệm nhanh để nhanh chóng làm sạch các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, không để đứt gãy chuỗi sản xuất. Bộ Y tế chỉ đạo điều phối chung về điều trị, phân luồng, phân tuyến bệnh nhân, không phân biệt địa bàn hành chính.
Xem xét trách nhiệm của 2 bệnh viện tại Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá nguy cơ lây lan ra ngoài cộng đồng và một số KCN là rất cao nếu không có các giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Một đặc điểm của dịch bệnh tại hai địa phương là dịch lây nhiễm từ cộng đồng vào KCN và từ KCN ra cộng đồng. Do đó, phải giải quyết các vấn đề đặt ra ở cả hai địa bàn này.
“Có nhiều ý kiến cho rằng nguồn lây bệnh ở hai tỉnh xuất phát từ hai bệnh viện tại Hà Nội. Đây là kinh nghiệm cần được rút ra về phòng chống dịch tại các bệnh viện khi “pháo đài chống dịch bị thủng”. Chủng vi rút gây dịch tại hai địa phương lây nhiễm nhanh hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm của hai bệnh viện tại Hà Nội trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch.
“Ai làm tốt phải khen, nhưng phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm, phê bình những nơi làm chưa đúng để có bài học về lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý tốt hơn. Bộ Y tế phải làm việc này, song song với nhiệm vụ phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Ngoài trách nhiệm của hai bệnh viện, Bộ Y tế có trách nhiệm trong kiểm tra, đôn đốc, thực hiện quy trình, quy định”, Thủ tướng nêu rõ.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm, rút kinh nghiệm, làm rõ việc quản lý chưa chặt chẽ, chậm phát hiện, xử lý những vi phạm trong khâu khai báo y tế, đi cùng với trách nhiệm của những người liên quan. Một số bộ ngành thiếu chủ động, chưa tích cực trong hỗ trợ địa phương, phối hợp chưa quyết liệt, chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất hiện nay là tập trung đẩy lùi dịch bệnh ở hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Chính phủ, các bộ ngành, hai tỉnh phải tích cực, chủ động, quyết tâm cao hơn nữa; bảo đảm sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là trong các KCN.
Thủ tướng yêu cầu, trên phạm vi cả nước dứt khoát xử lý tất cả những người không đeo khẩu trang ra ngoài đường; nhất là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, không chỉ xử phạt hành chính mà phải thực hiện các biện pháp mạnh hơn với các hành vi vi phạm quả tang các quy định chống dịch. Kiểm soát xuất nhập cảnh chặt chẽ hơn tại hai địa phương.
Tình hình mới phải có cách tiếp cận mới
Trong thực hiện chiến lược vắc xin, Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu, cho hai tỉnh này và các địa phương có nguy cơ rõ ràng, các KCN.
Theo đó, Bộ Y tế căn cứ tình hình cụ thể để sắp xếp thứ tự ưu tiên phù hợp nhất. Huy động nguồn lực của các doanh nghiệp và của chủ các khu nhà trọ công nhân cho công tác này theo nguyên tắc cân bằng lợi ích và chia sẻ rủi ro.
“Tình hình mới, điều kiện mới phải có cách tiếp cận mới, xử lý mới, huy động tổng lực các biện pháp, kỷ luật nghiêm minh, khen thưởng kịp thời”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Căn cứ tình hình, khả năng cụ thể, các địa phương bên cạnh tiếp tục phối hợp, giúp đỡ Bắc Ninh và Bắc Giang về nguồn lực, kinh nghiệm, cách làm. Các bộ trưởng “cùng tập trung lo toan” tháo gỡ, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tại hai địa phương.
“Trên phạm vi cả nước, chúng ta đang kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt, nhưng Bắc Ninh và Bắc Giang có nguy cơ rất cao, 61 tỉnh thành phố có công nhân làm việc tại đây. Hai tỉnh lúc này đang là pháo đài chống dịch cho cả nước, vì cả nước, cả nước cũng phải vì Bắc Ninh và Bắc Giang”, Thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi cả nước cùng chia sẻ với hai địa phương này.