Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2015, định hướng 2020” tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa kết thúc giai đoạn 1 với kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỉ đồng. Thay vì dừng lại hoặc điều chỉnh tránh lãng phí, thì tỉnh triển khai tiếp giai đoạn 2 với kinh phí dự kiến gần 7 tỉ đồng.

Thừa Thiên - Huế: Bưu điện văn hóa xã đầu tư tiền tỉ và những bi hài khó tin

Lê Đình Dũng | 21/03/2018, 09:39

Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện văn hóa xã giai đoạn 2013 – 2015, định hướng 2020” tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa kết thúc giai đoạn 1 với kinh phí đầu tư khoảng 1,6 tỉ đồng. Thay vì dừng lại hoặc điều chỉnh tránh lãng phí, thì tỉnh triển khai tiếp giai đoạn 2 với kinh phí dự kiến gần 7 tỉ đồng.

Cả năm không… phát sinh cước internet

Một buổi chiều đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại điểm bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên -Huế. Ngay trong giờ hành chính nhưng điểm bưu điện này đóng cửa im lìm. Hỏi người dân, bà con cho biết tình trạng điểm bưu điện này đóng cửa vào buổi chiều là chuyện thường tình. Chúng tôi liên lạc qua số điện thoại thì nữ nhân viên BĐVHX nơi đây cho biết, chị đang đi thu một số khoản thuế kinh doanh hộ cá thể trên địa bàn xã theo hợp đồng giữa bưu điện với ngành thuế (ủy nhiệm thu). Công việc kéo dài một tuần (ngày 1 -7.3) nên phải đóng cửa BĐVHX vào buổi chiều.

Tại tỉnh Thừa Thiên -Huế, kể từ cuối năm 2017, hầu hết các nhân viên BĐVHX đều làm thêm công việc ủy nhiệm thu thuế cho ngành thuế trên địa bàn xã. Công việc này đã thêm một gánh nặng đè lên “núi” công việc mà mỗi nhân viên BĐVHX vốn đã gánh: bán tem thư, nhận - phát thư tín, bưu phẩm, bưu kiện; bán hàng tiêu dùng; bán sim card, bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm y tế; thu cước viễn thông, chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; phát hàng dịch vụ thu tiền, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng thông thường tại mỗi điểm BĐVHX…

Bưu điện văn hóa xã Thượng Nhật vắng hoe, máy móc thường xuyên hư hỏng​

Nhìn vào khối lượng công việc trên, người ta không lạ gì việc các BĐVHX vốn chỉ có một nhân viên phải đóng cửa trong giờ hành chính, hoặc chẳng mặn mà gì việc kêu gọi, hướng dẫn cho người dân sử dụng máy vi tính, internet, đọc sách báo... Đây chính là điều mà những BĐVHX -nơi tỉnh đầu tư tiền tỉ để trang cấp máy tính, sách báo, internet nhưng người dân ít khi lui tới, hoặc lượng người đến sử dụng những dịch vụ công này rất ít ỏi.

“Thời buổi điện thoại thông minh, internet, sóng wifi thì phủ đầy chỉ có mấy bác hưu trí là tới BĐVHX trong khi chờ nhận lương thì cầm tờ báo, cuốn sách xem qua. Máy tính thì lâu lâu mấy cháu học sinh tạt vào chơi game mà thôi” – một người dân ở gần BĐVHX Thủy Thanh bày tỏ.

Tình trạng cửa đóng then cài thường thấy và người dân khó thể sử dụng máy tính, đọc sách báo khi nhân viên bưu điện văn hóa xã ở Huế phải gánh cả núi công việc​

Rời xã Thủy Thanh, chúng tôi đến xã Quảng Ngạn nằm ven biển và đầm phá Tam Giang. Dẫu trong giờ hành chính nhưng cửa đóng then cài và duy chỉ có một con chó đứng ngay cổng sủa đổng khi thấy chúng tôi đi vào. Hôm sau chúng tôi trở lại nơi này thì chị Võ Thị Thu Hà, nhân viên cho biết điểm BĐVHX được lắp 4 bộ máy vi tính theo đề án 910 vào đầu năm 2017. Trong một năm qua không phát sinh thêm cước internet vì chẳng có ai sử dụng, thi thoảng có mấy giáo viên ở gần BĐVHX đến nhưng cũng chỉ sử dụng máy “gõ” vào cái văn bản mà thôi.

Máy mới lắp đã hỏng

Cũng tại BĐVHX Quảng Ngạn, trong những ngày đầu tháng 3 này, có 2 cây (case) máy vi tính ở đây được gửi đi sửa chữa tại Bưu điện huyện Quảng Điền, 1 cây khởi động không được, bộ còn lại thì chạy chập chờn. Nhân viên ở đây cho hay hầu hết các bộ máy này đã nhiều lần hư hỏng và phải gọi thợ về bảo hành, sửa chữa, hoặc đã phải mang sang Bưu điện huyện Quảng Điền khoảng 3 - 4 lần. Còn về lượng người dân đến sử dụng máy hoặc đọc sách, báo thì rất hiếm.

Một cây (case) máy tính hiệu Vietcom của Công ty CP Huetronics cung cấp cho giai đoạn 2 đề án 910 ở BĐVHX Quảng Ngạn bị hỏng sau gần 1 năm lắp đặt​

Quảng Ngạn là điểm BĐVHX mới được bổ sung trang cấp trang thiết bị theo giai đoạn 2 đề an 910, nhưng máy móc đã hỏng. Tệ hơn là hệ thống máy của giai đoạn 1 đề án này hầu như nơi đâu trong toàn tỉnh cũng lâm vào tình trạng hỏng hóc, sửa chữa nhiều lần. Tại xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, khi được hỏi về tình trạng máy móc, trang thiết bị trang cấp theo đề án 910, thì anh Võ Văn Thuận, nhân viên BĐVHX chỉ tay lên 4 bộ máy tính không có cái nào sử dụng được.

Cẩn trọng hơn, anh Thuận mang cuốn nhật ký làm việc ra, mở cho chúng tôi xem những lần hỏng hóc, sửa chữa thì chi chít các lỗi như hỏng nguồn, hỏng mainboard, hỏng bàn phím… Về lượng người dân đến đọc sách, báo, sử dụng máy tính anh Thuận cho biết ngày càng rất ít người đến, vì máy tính hỏng hóc, nhu cầu đọc sách báo cũng không cao.

Rời các vùng chiêm trũng, ven biển, đầm phá ở Huế, chúng tôi ngược lên huyện miền núi Nam Đông thì cũng gặp tình trạng tương tự. Tại BĐVHX Hương Lộc, tiếp chúng tôi là một thiếu nữ vừa tốt nghiệp THPT mặc chiếc quần cộc. Cô gái cho biết cô chỉ là người trông giúp bưu điện, còn nữ nhân viên BĐVHX này đi phát bưu phẩm, bưu kiện trên địa bàn xã và hầu như chiều nào cũng phải đi ra ngoài như thế.

Bưu điện vắng hoe, ngoài4 bộ máy tính được tỉnh trang cấp bị bụi phủ mờ, xuống cấp và hỏng hóc. Cô bé trông giúp bưu điện cho biết bản thân cô tuy ở gần bưu điện nhưng không mấy khi sử dụng máy tính, còn các bạn cùng lứa hay nhỏ hơn thì thi thoảng tạt vào chơi game, gần đây thì càng ít vì sợ ba mẹ la.

Còn tại điểm BĐVHX Thượng Nhật, chị Nguyễn Thị Phích, nhân viên nơi đây cho hay BĐVHX được tỉnh trang cấp máy vi tính, sách báo nhưng rất ít người dân sử dụng. “Ở đây có ngày chẳng có ai tới đọc sách, báo đâu. Máy tính thì hư hỏng, sửa chữa nhiều lần rồi, giờ có cái xài được có cái hư bỏ không”,chị Phích nói.

Máy tính hư hỏng và đắp mền trong giờ hành chính ở BĐVHX Quảng Vinh, huyện Quảng Điền​

Theo đề án 910 thì cùng với người dân, nhân viên BĐVHX, lãnh đạo xã cũng là đối tượng thụ hưởng trong việc tập huấn, sử dụng máy tính công nghệ thông tin, internet trang cấp ở điểm BĐVHX, tuy nhiên rất nhiều lãnh đạo xã cho hay họ hầu như không sử dụng máy tính, hệ thống internet nơi đây.

“Ở ủy ban xã mình có máy, có internet mà, việc gì mà mình vào bưu điện văn hóa xã dùng máy tính?” – một lãnh đạo xã Hương Sơn, huyện Nam Đông, nơi triển khai đề án 910 nói và cho biết ông chưa từng sửdụng máy tính ở BĐVHX cũng như tập huấn về công nghệ thông tin theo đề án này.

Rất hiếm khi người dân đến đọc sách, báo tại BĐVHX dù tỉnh trang cấp hàng trăm đầu sách

Video: Bưu điện Văn hóa xã ở Huế vắng người, máy móc đề án 910 lãng phí

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế thì Bưu chính, viễn thông là ngành kinh tế thuộc kết cấu hạ tầng của nền kinh tế quốc dân, là công cụ đắc lực phục vụ sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, phục vụ nhu cầu của quần chúng nhân dân. Việc phát triển các điểm Bưu điện văn hóa xã góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở vùng nông thôn, miền núi.

Xây dựng điểm Bưu điện văn hóa xã trở thành một thiết chế văn hoá đặc biệt ở nông thôn, góp phần đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay.

Điểm Bưu điện văn hóa xã cung cấp các dịch vụ bưu chính, viễn thông và Công nghệ thông tin là một trong những tiêu chí quan trọng để xét duyệt xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Bài, ảnh: Thiện Tâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thừa Thiên - Huế: Bưu điện văn hóa xã đầu tư tiền tỉ và những bi hài khó tin