Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng đã triệu tập 12 người có liên quan và bước đầu, 8 người khai nhận hành vi của mình.
Trong đó, 4 người thừa nhận cưa xẻ và vác gỗ từ trong rừng ra gồm: Hoàng Văn Q., Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C., cùng trú thôn 4 (xã Thượng Quảng) và Trần Văn Đ. trú thôn Bá Tang (xã Hương Hữu) cùng huyện Nam Đông.
Hoàng Văn Q. khai nhận có cưa xẻ gỗ và nhờ 3 người còn lại là Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. và Trần Văn Đ. vác về để làm nhà. Ông này cho biết, được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng theo chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm.
Ông Trần Văn Đ. khai giúp đưa gỗ về để tại nhà ông Hoàng Văn Q., xong việc, chỉ ăn nhậu, không lấy tiền công. Ông Hoàng Xuân H., Hoàng Văn C. cũng đều khai nhận là đi vác gỗ do ông Q. nhờ, chỉ đi 1 lần và việc cưa xẻ do ông Q. thực hiện ở khu vực khe La Ma.
Cũng liên quan đến vụ phá rừng quy mô này, ngày 16.4, ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông cho biết, đơn vị đã họp xử lý trách nhiệm các cá nhân liên quan đến vụ nhiều cây rừng bị chặt phá trái phép. Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông kỷ luật cảnh cáo đối với ông Lê Hoàng H. - Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Long Quảng. Ngoài ra, 4 người khác là cán bộ của đơn vị này cũng bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Trước đó, như báo chí đã đưa tin, ngay khi nhận được thông tin có tình trạng phá rừng ở huyện Nam Đông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Nam Đông, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 2, phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Đội Cảnh sát môi trường, kinh tế - Công an huyện Nam Đông tổ chức kiểm tra hiện trường.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 12 cây gỗ mới bị cưa hạ gồm các chủng loại đào, trám, chò với đường kính từ 40-60 cm; ngoài ra còn có 7 gốc cũ đã chặt hạ từ lâu. Đây là khu vực thuộc phạm vi quản lý của 4 chủ rừng gồm: Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông; Cộng đồng thôn 2 xã Thượng Quảng; Nhóm 1, thôn 4 xã Thượng Quảng và UBND xã Thượng Quảng.
Số cây bị chặt hạ tập trung theo 4 khu vực cách xa nhau, khoảng cách theo đường chim bay từ khu vực này đến khu vực khác gần nhất là 1.500 mét, xa nhất là 3.300 mét. Số gỗ đã cưa xẻ bị tẩu tán vận chuyển khỏi hiện trường rừng, chỉ còn lại 1 cây tràm chưa bị cưa xẻ. Vị trí chặt hạ cách xa khu dân cư.
Trước sự việc kể trên, UBND huyện Nam Đông đã thành lập đoàn liên ngành để tiếp tục kiểm tra xác minh vụ việc để có hướng xử lý nghiêm minh. Hạt Kiểm lâm Nam Đông tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương các xã để xác định các đối tượng vi phạm. Trong trường hợp nếu đủ điều kiện thì khởi tố vụ án hình sự.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo 343 cũng tham mưu UBND huyện Nam Đông thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra giấy phép hành nghề, hoạt động của 32 xưởng cưa, xưởng mộc trên địa bàn huyện nhằm tuyên truyền các quy định về quản lý lâm sản, nếu phát hiện vi phạm đề xuất thu hồi giấy phép, cho ngừng hoạt động.