"Va chạm của Trung Quốc với ông Thạch diễn ra trong một thời gian dài, chủ yếu liên quan tới lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Nhưng Đại sứ Trung Quốc Lý Gia Trung, một người biết tiếng Việt rất giỏi, đã nói rằng quan điểm cho rằng ông Thạch chống Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm".

Thực hư quan điểm của ông Nguyễn Cơ Thạch về Trung Quốc

VNN | 25/08/2016, 12:13

"Va chạm của Trung Quốc với ông Thạch diễn ra trong một thời gian dài, chủ yếu liên quan tới lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Nhưng Đại sứ Trung Quốc Lý Gia Trung, một người biết tiếng Việt rất giỏi, đã nói rằng quan điểm cho rằng ông Thạch chống Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm".

Đây làphần 2 cuộc trò chuyện củaPGS-TS Vũ Dương Huân với tư cách là một nhà sử họcbàn về 30 năm ĐỔI MỚI nhìn từ ngành ngoại giao với Vietnamnet. Ông Huân nguyên là Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử ngoại giao, cựu Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan và Ucraine.

“Cứ để các ông ấy va đầu vào đá…”

- Hội nghị Trung ương 3 của Đại hội 7được coi là bước ngoặt lịch sử đối với đối ngoại Việt Nam, đối với chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Ông còn nhớ, hồi đó, để đạt được bước ngoặt này thì các vị đứng đầu ngành ngoại giao, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạchđã làm những gì để thuyết phục được những người luôn đề cao, coi trọng quan hệ với các nước XHCN và phong trào công nhân trên thế giới?

- PGS-TS Vũ Dương Huân:Trong một quốc gia, việc có những ý kiến khác nhau là chuyện bình thường. Trong thời ông Nguyễn Cơ Thạch là bộ trưởng, nhất là giai đoạn liên quan đến Đại hội 6và Đại hội 7cũng có những vấn đề thuộc về ý thức hệ nổi lên, và gây ra tranh luận mạnh mẽ.

Việt Nam đã bắt đầu chuyển biến từ Đại hội 6, mặc dù lúc đấy đối ngoại chưa được coi là quan trọng, chưa được quan tâm. Lúc đó, trọng tâm là đổi mới về tư duy kinh tế. Nhưng mà đối ngoại và đối nội là những vấn đề luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, nếu không có đổi mới về đối nội thì không thể đổi mới đối ngoại.

Tại Đại hội 6, về đối ngoại chỉ mới nêu ra những tư tưởng rất lớn, chưa bàn cụ thể. Chẳng hạn “Kết hợp sức mạnh; Thêm bạn bớt thù; Kết hợp sức mạnh với giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và Đông Dương…”hay “Chuyển đấu tranh sang cùng tồn tại”… Nội bộ ta khi đó, như tôi đã nói ở trên, là vẫn còn nhiều ý kiếnkhác nhau.

Phần đông anh em vẫn ủng hộ tư tưởng ý thức hệ. Nhân đây, tôi xin kể một ví dụ về ngoại giao ý thức hệ. Năm 1989 là năm kỷ niệm 40 năm của Cộng hòa Dân chủ Đức, họ mời tất cả các lãnh đạo đảng anh em sang tham dự. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến dự với mục đích, ngoài dự lễ kỷ niệm, là thông báo với các đảng Cộng sản khác về sáng kiến của Đảng Cộng sản Việt Nam đăng cai tổ chức một cuộc họp bàn để phối hợp các đảng Cộng sản nhằm cứu CNXH, vì lúc đó CNXH đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng, ở Đông Âu và Liên Xô. Ông Linh đã thành công với một số đảng Cộng sản như Romania, Mông Cổ, Cuba, hay Tây Đức, nhưng lại không được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev ủng hộ do nội bộ Liên Xô lúc bấy giờ đang có nhiều thay đổi lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch là người cổ súy và tích cực thúc đẩy đa dạng hóa, đa phương hóa. Bộ trưởng Thạch có một đội ngũ nghiên cứu đã kịp nhìn ra xu thế phát triển của thế giới giờ không thể đi theo lối tư duy sáo cũ được nữa, mà phải đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, phải chú trọng phát triển kinh tế, chú trọng những vấn đề khác để mà thúc đẩy sự phát triển đất nước, và phải giải quyết vấn đề Campuchia.

                
Nguyễn Cơ Thạch, 30 năm đổi mới, Đại hội Đảng VI, Campuchia, Bình thường hóa Việt - Mỹ, ASEAN, Gỡ bỏ cấm vận, Trung Quốc
   

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch gặp gỡ nhà đồng sáng lập đảng Xã hội Pháp Jean-Pierre Chevènement năm 1982 - Ảnh: Le Monde

   

Đáng mừng là tạiĐại hội 7, xu hướng ủng hộ đổi mới đã manh nha thắng thế mặc dù không hoàn toàn. Trong Nghị quyết Đại hội 7vẫn còn thấp thoáng tư tưởng ngoại giao ý thức hệ lẫn vào chính sách đa phương hóa quan hệ.

Tôi từng trực tiếp ngheông Thạch nói rằng“Cứ để các ông ấy va đầu vào đá rồi các ông ấy sẽ thấy”. Tôi vẫn nhớ rất rõ, bản tham luận tại Đại hội 7của ông Thạch rất hay. Ông ấy đã đánh giá về xu hướng phát triển của thế giới, cách mạng khoa học công nghệ, của toàn cầu hóa, xu hướng liên kết kinh tế nhau, và quả quyết Việt Nam không thể đi theo ngoại giao ý thức hệ được, bởi thực tế ở Đông Âu lúc đó là những minh chứng rõ ràng.

Những cơ hội bị bõ lỡ

- Nhân ông đang nói về chuyện cũ, chúng tôi xin hỏi một câu chuyện từng nghe phong thanh đâu đó. Có phải đã có những ý kiến khuyên Việt Nam nên bình thường hóa quan hệ với ASEAN và Mỹ, đặc biệt là ASEAN, trước khi bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc?

- Đúng là có ý kiến đó. Đáng nhẽ ra trong bối cảnh như thế, Việt Nam cần nhanh chóng đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, và điều thúc đẩy đầu tiên chính là cái tăng cường quan hệ với ASEAN và gia nhập ASEAN, vì ASEAN là các nước láng giềng quanh ta.

Tại sao lại khuyên bình thường hóa quan hệ với Mỹ trước là bởi Mỹ là siêu cường, có thể chi phối các mối quan hệ quốc tế. Hơn nữa, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc cực kỳ khó khăn, và Trung Quốc không muốn bình thường hóa quan hệ sớm, họ đã dùng vấn đề Campuchia để ngăn chặn Việt Nam.

Nếu như Việt Nam bình thường hóa quan hệ với ASEAN, chắc chắn mối quan hệ với Trung Quốc sẽ không phức tạp như sau này vìquan hệ quốc tế là những vấn đề dằng díu với nhau. Quan hệ với ASEAN sẽ thúc đẩy việc bình thường hóa với Trung Quốc.

Thật đáng tiếc, cả hai cái việc đó mình đều đã bỏ lỡ.

- Hồi đó chúng ta đã có cơ hội tốt để có thể chớp lấy cả 2 cơ hội này, phải không ạ?

- Hồi cuối thập niên 1970, Mỹ đánh tiếng sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Nhưng phía ta đã kiên quyết đòi Mỹ phải bồi thường chiến tranh 3,25 tỉUSD, ghi trong Phụ lục Hiệp định, như một điều kiện tiên quyết để bình thường hóa. Cái đấy chính quyềnMỹ bảo không được vì quyết định bồi thường thuộc về quốc hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hội chứng chiến tranh Việt Nam còn sâu nặng, quốc hội làm sao mà chi. Việt Nam đã không tìm hiểu thấu đáo hệ thống chính trị Mỹ.

Đến tận tháng4.1978, Việt Nam mới chấp nhận bỏ không đòi bồi thường chiến tranh, thì Mỹ đang chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, cộng thêm chuyện ta đưa quân vào Campuchia và điều thứ 3quan trọng nhất là Việt Nam đã ký Hiệp ước Hữu nghị Xô -Việt, trong đó có điều 6 về phối hợp hợp tác quân sự.

Còn đối với ASEAN, cơ hội để bình thường hóa quan hệ với ASEAN là có. Ngày 5.7.1976 Việt Nam đưa ra chính sách 4 điểm được các nước ASEAN rất hoan nghênh. Nhưng tại điểm thứ 4, ta lại kèm theo cái đuôi là tăng cường hợp tác với khu vực ASEAN để khu vực này có hòa bình trung lập thực sự. Vì thế một số nước ASEAN cho rằng Việt Nammuốn kêu gọi nhân dân lật đổ chính phủ họ. Hãy nhớ, lúc này các nước ASEAN đều phụ thuộc ở các mức độ khác nhau vào Mỹ. Khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia, lực lượng các nước xung quanh đã về hùa với Trung Quốc và phương Tây bao vây cấm vận Việt Nam.

                
Nguyễn Cơ Thạch, 30 năm đổi mới, Đại hội Đảng VI, Campuchia, Bình thường hóa Việt - Mỹ, ASEAN, Gỡ bỏ cấm vận, Trung Quốc
   

Tháng 11.2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên. Ông cũng là tổng thống Mỹ đầu tiên tới Việt Nam, 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Trong ảnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương (trái) và Tổng thống Clinton trong buổi lễ tiếp đón tại thủ đô Hà Nội. Ảnh: Reuters/ Zing.vn

   

Cho rằng ôngNguyễn Cơ Thạch chống Trung Quốc là sai lầm

- Theo chúng tôi được biết, trong tiến tới bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, kênh ngoại giao đảng với ngoại giao quốc phòng đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Tại sao lại có hiện tượng như thế và bài học cho hậu thế rút ra là gì?

- Qua Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh, Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đã gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh tại Hà Nội. Tại đó ông Linh bàn với Trương Đức Duy về kế hoạch đi thăm Trung Quốc, và dẫn đến Hội nghị Thành Đô.

Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là người coi trọng ý thức hệ, đặc biệt trong quan hệ giữa các nước XHCN và trong quan hệ giữa các đảng Cộng sản. Ông Linh tin rằng ý thức hệ là con đường quan trọng, có thể hóa giải các mối quan hệ đối ngoại căng thẳng, phức tạp. Ông ấy đã có niềm tin kiên định như vậy.

Trong nhiệm kỳ Tổng bí thư của mình, ông Nguyễn Văn Linh đã rất nỗ lực tạo dấu ấn lịch sử bằng việc bình thường hóa với Trung Quốc. Đại diện ngoại giao nhà nước tham dự Hội nghị Thành Đô là Thứ trưởng Đinh Nho Liêm chứ không phải Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

- Tôi không hiểu, tại sao qua kênh ngoại giao nhà nước lại lâu bình thường hóa hơn? Tôi nghe kể Nghị quyết 13của Bộ Chính trị, do ông Thạch góp sức chủ yếu, có yêu cầu bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc?

- Ông Lê Duẩn có giao cho Quốc vụ khanh Võ Đông Giang chuẩn bị một bài phát biểu tại một cuộc mít tinh. Ông Giang viết rằngtrong quan hệ với Trung Quốc phải mềm mỏng hơn, và tiến tới bình thường hóaquan hệ với Trung Quốc. Đó là quan điểm của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Nhưng đoạn này đã không được duyệt.

Liên quan đến việc góp ý vào Dự thảo Hiến pháp 1980, chính nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên, tại Hội nghị tổng kết công tác nối ngoại năm 2007, đã kể lại rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã giao cho ông Niên chuyển bản góp ý của Bộ Ngoại giao tới các ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ. Theo quan điểm của Bộ Ngoại giao, trong Lời nói đầu của Dự thảo Hiến pháp 1980 không nên đưa câu “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”. Nhưng ý kiến này cũng lại bị gạt đi.

Khoảng 2-3 tháng trước Đại hội 7(6.1991), trong một buổi họp giao ban, đến phần đọc tin A, có một đoạn tin nói Trung Quốc đang tìm cách hạ bệ ông Thạch. Khi mọi người ra về, tôi nghe thấy ông Thạch lẩm bẩm một mình: Mình là người chủ trì Nghị quyết 13, mà một trong những nội dung quan trọng là bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thế mà... họ cứ hiểu ngược lại.

- Thế còn chuyện Trung Quốc không ưa ông Thạch thực hư như thế nào, ông có biết không?

- Tôi cho rằng Trung Quốc không ưa ông Thạch nhiềunhư thế vì họ vừa hiểu lầm, vừa không thích ông ấy.

Va chạm của Trung Quốc với ông Thạch diễn ra trong một thời gian dài, chủ yếu liên quan tới lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia. Hơn nữa, chính ông Thạch đã chỉ đạo ông Thứ trưởng Trần Quang Cơ đàm phán với Từ Đôn Tín ngay từ buổi đầu đã cực kỳ căng thẳng. Quan điểm của ông Thạch làkhông phụ thuộc vào ý thức hệ mà lợi ích quốc gia là chính. Còn Trung Quốc cũng vì lợi ích quốc gia nên họ cho rằng làm việc với ông Thạch sẽ rất khó, và vướng nhiều thứ. Họ muốn đàm phán với người khác, theo ý thức hệ, dễ hơn.

Đại sứ Trung Quốc sau này là ông Lý Gia Trung, một người biết tiếng Việt rất giỏi, đã nói rằng quan điểm cho rằng ông Thạch chống Trung Quốc là hoàn toàn sai lầm.

- Còn việc ông Nguyễn Cơ Thạch không được bầu chọn ở Đại hội 7có phải do sức ép đến từ bên ngoài không?

- Không đúng. Nguyên do hồi đó vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, ví dụ như chuyện ngoại giao ý thức hệ và ngoại giao vì lợi ích quốc gia dân tộc. Và ông Thạch không được Bộ Chính trị và Trung ương khóa 6giới thiệu ứng cử tiếp tục.

Xin cảm ơn ông!

Theo Huỳnh Phan – Lan Anh/ VietNamNet
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực hư quan điểm của ông Nguyễn Cơ Thạch về Trung Quốc