Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

Thành lập Ban Chỉ đạo ổn định đời sống cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung

Trí Lâm | 25/08/2016, 05:18

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường.

Ban Chỉ đạo gồm 19 thành viên do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó ban.

Các thành viên khác gồm Đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Tài chính; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tư pháp; Kế hoạch và Đầu tư; Thông tin và Truyền thông; Công an; Văn phòng Chính phủ; Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Chủ tịch UBND 4 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường (giải pháp ổn định đời sống).

Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chủ động đề xuất về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng, thực hiện các giải pháp ổn định đời sống. Căn cứ chức năng, thẩm quyền của mình, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ổn định đời sống được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp ổn định đời sống theo chức năng, nhiệm vụ của mình.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc thành lập Tổ công tác triển khai thực hiện thống kê, bồi thường thiệt hại, hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Thành phần Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổ trưởng, đại diện một số bộ, ngành liên quan, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Theo báo cáo của Chính phủ, thiệt hại về kinh tế trong thảm họa ô nhiễm do Formosa gây ra rất nghiêm trọng, có gần 18.000 tàu thuyền với 41.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp, trong đó có gần 4.000 tàu đang phải nằm bờ; trên 1.600 lồng nuôi cá bị chết; 10ha cua, 5,7ha tôm bị chết; 19.500 người buôn bán hải sản, dịch vụ tại cảng cá... bị ảnh hưởng thu nhập.

Sự cố cá chết cũng khiến ngành du lịch lao đao. Đồng loạt 4 tỉnh miền Trung tỷlệ khách hủy tour lên tới 50%; công suất sử dụng phòng chỉ còn 40-50%, cá biệt tại Hà Tĩnh chỉ còn 10-20%.

Một thiệt hại rất lớn khác là môi trường, theo báo cáo, đã có khoảng 115 tấn cá chết dạt vào bờ (Hà Tĩnh 15 tấn, Quảng Bình 100 tấn), số chìm dưới đáy chưa thống kê được. Thống kê sơ bộ cũng cho biết, có tới 450 ha rạn san hộ bị tác động trực tiếp, trong đó có đến 40-60% rạn san hô bị phá hủy.

Chiều ngày 29.7, tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thông báo, Formosa đã thực hiện đúng cam kết và đã chuyển cho phía Việt Nam 250 triệu USD tiền bồi thường ban đầu - bằng 1/2 tổng số tiền bồi thường. Hiện, các công việc liên quan đến bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã được Chính phủ chỉ đạo giải quyết.

Trí Lâm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
11 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thành lập Ban Chỉ đạo ổn định đời sống cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung