Trong phiên thảo luận sáng 4.8, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm hóa chất, không đảm bảo vệ sinh an toàn hay tỷ lệ người ngộ độc thực phẩm tăng cao là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất.

Thực phẩm bẩn làm 'nóng' kỳ họp HĐND TP.HCM

Phan Diệu | 04/08/2016, 14:41

Trong phiên thảo luận sáng 4.8, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm hóa chất, không đảm bảo vệ sinh an toàn hay tỷ lệ người ngộ độc thực phẩm tăng cao là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất.

Sáng 4.8, HĐND TP.HCM khóa IX kỳ họp thứ 2 nhiệm kỳ 2016 – 2020 đã có ngày thảo luận và làm việc thứ 2. Phiên làm việc sáng chủ yếu tập trung bàn về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đưa ra các giải pháp ổn định trong thời gian tới.

Tại phiên thảo luận, tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan hay tỷ lệ người ngộ độc thực phẩm tăng cao là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm nhất.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí nói rằngông rất hoang mang khi thị trường tràn lan thực phẩm bẩn. TP.HCM là điểm đến của thực phẩm bẩn khi mỗi ngày có hàng tấn thực phẩm bẩn đổ bộ vào thành phố. Điều này đã khiến người dân rất bức xúc.

Tuy nhiên, thành phố hiện chưa có những giải pháp xử lý mạnh tay để chặn đứng thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm hóa chất độc hại. Do đó, cần có chế tàixử phạt nghiêm minh, quyvề một mối để người dân yên tâm. Theo đại biểu này, tiêu chí để TP.HCM trở nên văn minh là người dân được ăn ngon, ăn sạch.

Đồng quan điểm với ông Trí, đại biểu Nguyễn Quang Thắng cũng cho rằng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm hiện được nhiều người dân quan tâm. Vì vậy, công tác giám sát, thanh tra an toàn thực phẩm cần phải được chú trọng và giám sát bài bản hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Nga thì cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm với 512 người mắc, tăng 313 người so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đặt ra vấn đề là công tác quản lý an toàn thực phẩm còn lỏng lẻo.Vì thế, đại biểu này đề nghị thành phố cần đánh giá Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm của thành phố đã thực hiện được nội dung gì và chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý.

“Hàng hóa không rõ xuất xứ, hàng nhái, hàng giả, thực phẩm chứa chất cấm… tràn lan. Vậy, vai trò của các cơ quan trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu? Tôi nghĩ cần thông tin cho người dân biết về tiến độ thành lập đề án an toàn thực phẩm và xem xét có nên tiếp tục đề án này trong thời gian tới hay không?

Thành phố đưa ra nhiều biện pháp như hàng rào kỹ thuật, quản lý, sắp xếp lại chợ hóa chất… nhưng công tác kiểm tra, giám sát như thế nào? Nếu không thắt chặt được thì các biện pháp này không hiệu quả và không tạo được niềm tin cho người tiêu dùng”, đại biểu này nói thêm.

Trước các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết vệ sinh an toàn thực phẩm hiện là vấn đề nóng được rất nhiều người dân quan tâm.

Về trách nhiệm của Ban chỉ đạo liên ngành, ông Bỉnh nói việc quản lý an toàn thực phẩm tại thành phố đã phân công trách nhiệm rõ ràng cho các Sở chuyên ngành và UBND quận, huyện. Ban chỉ đạo liên ngành đã phát huy được vai trò trong công tác phối hợp giữa các cơ quan trong công tác an toàn thực phẩm, xây dựng được chuỗi thực phẩm an toàn và mô hình chợ thí điểm an toàn.

Tuy nhiên, do Ban chỉ đạo liên ngành chỉ họp định kỳ, không phải là cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính để giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh nên chưa phát huy được hiệu quả trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Giám đốc Sở Y tế nhận định vấn đề bất cập là ngành ytế phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nhưng thực hiện công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lại phân công cho 3 Sở gồm Sở Y tế, Sở Công thương và Sở NN&PTNT. Do đó, ông Bỉnh đề nghịthành phố cần có một cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm trực thuộc UBND TP để quản lý các chợ hóa chất, các chợ có kinh doanh thực phẩm, các lò giết mổ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…

Về vấn đề ngộ độc thực phẩm, ông Bỉnh cho biết thành phố có 20.898 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong 6 tháng đầu năm, cấp phường, xã đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.933 cơ sở kinh doanh thực phẩm ăn uống đường phố trên địa bàn. Kết quả phát hiện 6.354 cơ sở (chiếm 53,2 %) vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Số vụ ngộ độc vì thế cũng tăng lên đáng kể.

Giám đốc Sở Y tế cho rằng giải pháp đưa ra để giảm thiểu số ca mắc ngộ độc thực phẩm là phối hợp với các trường đại học xây dựng các bếp ăn tập thể. Tại bệnh viện cũng tương tự.

Đáng chú ý, ông Bỉnh cũng đánh giá thức ăn ở khu làng đại học Thủ Đức không đảm bảo an toàn vệ sinh, thế nhưng do địa bàn này giáp ranh với Bình Dương nên rất khó quản lý và giám sát. Hiện tại, Sở Y tế coi làng đại học là điểm nóng về vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố. Chính vì vậy, đây là điều kiện cần để Sở Y tế ký kết chương trình bếp ăn tập thể đảm bảo vệ sinh với các căntin, đồng thời Sở Y tế sẽ sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với các tỉnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐNĐ TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm không đồng tình với ý kiến của Giám đốc Sở Y tế là đổ lỗi cho việc giáp ranh dẫn tới các vụ ngộ độc thực phẩm tại khu vực làng đại học Thủ Đức. Thay vào đó, bà Tâm yêu cầu phải đưa ra các giải pháp cải thiện.

“Khi tiếp xúc với cử tri, một bạn trẻ đã hỏi tôi rằng lãnh đạo thành phố có biết sinh viên ăn như thế nào không? Đây là câu hỏi này đã đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm về tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan”, bà Tâm nói.

Trước nhận định của bà Tâm, Giám đốc Sở Y nói sẽ đầu tư bếp ăn tập thể theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giai đoạn đầu sẽ thanh tra, giám sát, còn thời gian sau nếu sai phạm sẽ xử phạt. Ông Bỉnh còn đề xuất các bếp ăn cần cung cấp nguồn thức ăn rõ ràng để khi có xảy ra ngộ độc thì có thể truy xuất trách nhiệm cho các đơn vị này.

Trước kiến nghị trên của Giám đốc Sở Y tế, bà Tâm nói vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề nóng và Giám đốc Sở Y tế cần đưa ra giải pháp dài hạn, cụ thể chứ không thể chỉ chăm chăm nhắm đến tình trạng ngộ độc thực phẩm.

“Chúng ta phải tính toán làm sao để bữa ăn cho người dân thành phố, đặc biệt là các em sinh viên ở ký túc xá và các trường, lớp đào tạo phải sạch. Chúng ta chỉ chăm chăm đến chuyện khi nào có ngộ độc thì mới xử lý, như vậy là chúng ta chưa có trách nhiệm với người dân của mình. Vấn đề đặt ra là từng bữa ăn của người dân phải đảm bảo sạch, đảm bảo vệ sinh. Chúng ta phải tính lộ trình dài như vậy chứ giải pháp đưa ra mà chỉ nhắm tới xử lý ngộ độc để đánh giá công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của thành phố là không ổn”, bà Tâm kết luận.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực phẩm bẩn làm 'nóng' kỳ họp HĐND TP.HCM