Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đều đánh giá cao đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia.
Tài chính và đầu tư

Thực thi đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao: Các bên cùng có lợi

Tuyết Nhung 08/11/2024 09:43

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đều đánh giá cao đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia.

Nông dân, doanh nghiệp phấn khởi

Lúa gạo là một trong các ngành nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Nhằm mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tạo ra bước đi vững chắc, mang tính đột phá cho ngành lúa gạo Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của xu thế quốc tế mới, khẳng định và giữ vững vị thế của thương hiệu gạo của nước ta trên thị trường quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1490 phê duyệt đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).

lua-chat-luong-cao.jpg
Phó thống đốc Đào Minh Tú tin rằng đến năm 2030 sẽ có 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, đảm bảo được mục tiêu kép là chất lượng nâng lên và giảm phát thải - Ảnh: IT

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đều đánh giá cao đề án mang lại nhiều lợi ích cho các chủ thể tham gia. Ông Nguyễn Khắc Duy - Phó giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Chơn Chính chia sẻ, khi tham gia đề án có lợi cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Trước tiên, doanh nghiệp sẽ được tiếp cận nguồn vốn lãi suất phù hợp để phục vụ bà con nông dân thu mua hiệu quả. Nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ sự liên kết với doanh nghiệp, còn doanh nghiệp cũng có lợi khi có nguồn hàng ổn định. Sự hợp tác này giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung, tránh thiếu hụt khi cần ký kết các đơn hàng lớn. Nếu đề án được triển khai tốt, chi phí canh tác của nông dân sẽ giảm, trong khi chất lượng hàng hóa sẽ được nâng cao. Nhờ đó, gạo có chất lượng cao hơn sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mức giá bán tốt hơn trên thị trường.

Đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tại An Giang, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng... đều đánh giá cao việc triển khai đề án. Thông qua thực hiện liên kết, người nông dân đã tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu canh tác, tưới tiêu, trồng trọt.. Doanh nghiệp chủ động được vùng nguyên liệu, nguồn hàng lúa gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu khó tính. Sự phối hợp chặt chẽ, đảm bảo uy tín và cam kết không phá vỡ thỏa thuận trong mô hình chuỗi liên kết, có sự chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia khi giá cả thị trường biến động. Sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong các khâu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuỗi khi vay tại tổ chức tín dụng (TCTD) được hưởng các ưu đãi về lãi suất, tài sản bảo đảm, thủ tục, hồ sơ được đơn giản hóa... Các doanh nghiệp cũng mong muốn được đáp ứng nguồn vốn vay trung dài hạn để đầu tư nhà máy sấy, kho chứa... nhằm kịp thời thu mua lúa và chế biến gạo theo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế.

Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khi trao đổi với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tại ĐBSCL khẳng định: "Tham gia chuỗi sản xuất lúa gạo theo đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân được thụ hưởng nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, hạn mức cấp tín dụng cao hơn, thời gian cho vay dài hơn, đồng thời điều kiện về thủ tục cho vay, tài sản đảm bảo được xem xét thuận lợi, dễ dàng hơn".

Vốn ngân hàng - sợi dây liên kết thực hiện hiệu quả đề án

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đến cuối tháng 9.2024, tín dụng đối với ngành lúa gạo vùng ĐBSCL đạt khoảng 124.000 tỉ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2023 (cao hơn so với tốc độ tăng dư nợ lúa gạo toàn quốc 7,31%), chiếm khoảng 53% dư nợ tín dụng lúa gạo toàn quốc.

Là ngân hàng chủ lực triển khai thí điểm đề án này, bà Phùng Thị Bình - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án, vào tháng 11.2023, Agribank đã ký kết hợp tác với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn để làm đầu mối triển khai đề án.

Agribank cũng nhanh chóng chỉ đạo chi nhánh, đặc biệt tại vùng Tây Nam Bộ, triển khai cho vay ưu đãi. Đối với các đối tượng tham gia chuỗi liên kết trong đề án, Agribank giảm lãi suất tối thiểu 1%/năm giúp các doanh nghiệp và nông dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn. Agribank không giới hạn vốn cho vay trung-dài hạn và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tham gia đề án.

"Agribank mong muốn xây dựng chuỗi liên kết khép kín, từ hộ nông dân, nhà cung cấp nguyên vật liệu đến doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu. Điều này sẽ giúp các bên giảm chi phí, được hưởng chính sách ưu đãi như phí dịch vụ chuyển tiền và các điều kiện bảo đảm tiền vay. Agribank đang mở rộng mô hình này để hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên chuỗi", bà Bình cho biết thêm.

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết việc tham gia chuỗi liên kết này giúp nông dân giảm bớt các điều kiện vay vốn như tài sản thế chấp, tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn lãi suất thấp, thủ tục đơn giản hơn, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời khuyến khích các thành viên liên kết chặt chẽ trong chuỗi. Đây là thành công bước đầu của đề án.

Về phía ngân hàng, cụ thể là Agribank khẳng định sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cả ngắn hạn và trung-dài hạn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích sự tham gia đồng tài trợ từ nhiều ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi mở rộng diện tích canh tác, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu gạo...

Đại diện lãnh đạo Agribank khu vực Tây Nam Bộ thông tin cụ thể hơn, hiện tại ngân hàng đã triển khai đến hệ thống chi nhánh ở 12 tỉnh thành khu vực ĐBSCL (chưa có Bến Tre) để chuẩn bị các phương án, giải pháp hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai đề án.

Phó thống đốc Đào Minh Tú tin rằng đến năm 2030 sẽ có 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, đảm bảo được mục tiêu kép là chất lượng nâng lên và giảm phát thải.

Bài liên quan
Mỗi bộ ngành, địa phương tìm ra 'mũi đột phá' để xây dựng đề án chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16.9 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thực thi đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao: Các bên cùng có lợi