Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16.9 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Nhịp đập khoa học

Mỗi bộ ngành, địa phương tìm ra 'mũi đột phá' để xây dựng đề án chuyển đổi số

Lam Thanh 16/09/2024 18:55

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 16.9 về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

Chỉ thị nêu, trong thời gian qua, người đứng đầu ở một số bộ, ngành, địa phương chưa coi chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là nhiệm vụ trọng tâm; công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính tiến triển chậm; vẫn còn một số khu vực chưa có điện lưới quốc gia dẫn đến việc triển khai hạ tầng số còn khó khăn; quy mô phát triển kinh tế của các vùng, miền trên cả nước chưa đồng đều.

Ngoài ra, xếp hạng quốc gia về Chính phủ điện tử tuy có cải thiện nhưng mới ở mức trung bình trong khu vực, chưa có sự đột phá; nguy cơ về mất an toàn thông tin mạng còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức; chưa đầu tư nguồn lực thích đáng, đặc biệt là việc thu hút nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và an toàn thông tin mạng.

Thủ tướng cho rằng chuyển đổi số là công việc khó, phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt và cần xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, các mũi đột phá để tạo động lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Chỉ thị nêu, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào phương pháp tiếp cận và bài học kinh nghiệm triển khai thành công đề án 06, mỗi bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá cho mình, xây dựng một đề án về chuyển đổi số có tính chất tương tự như đề án 06 và bảo đảm kết nối với đề án 06.

cds.jpg
Mỗi bộ, ngành, địa phương nghiên cứu tìm ra mũi đột phá xây dựng một đề án về chuyển đổi số

Chỉ thị cũng nhấn mạnh đề án chuyển đổi số khi xây dựng phải dựa trên một số nguyên tắc. Cụ thể, lựa chọn đưa vào đề án các mũi đột phá có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới ngành, lĩnh vực, địa phương thuộc phạm vi quản lý. Giải quyết các vấn đề này sẽ tạo nên những động lực chính thúc đẩy hoạt động và tạo đột phá trong chuyển đổi số và phát triển kinh tế số của bộ, ngành và địa phương.

Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Ngoài ra, các vấn đề đưa vào đề án phải cụ thể, tường minh, đo lường được (ưu tiên bằng hình thức trực tuyến thông qua các nền tảng số), phân công nhiệm vụ phải rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; bảo đảm tính khả thi và có thể được triển khai; phân định rõ danh mục nhiệm vụ của bộ, ngành và nhiệm vụ của địa phương trong thúc đẩy phát triển, đầu tư xây dựng, tránh chồng chéo, lãng phí.

Thủ tướng cũng yêu cầu có phương án, giải pháp bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin mạng nhằm hạn chế nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, thông tin nội bộ và dữ liệu cá nhân người dùng trên không gian mạng.

Thủ tướng Chính phủ giao bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan trực tiếp chủ trì xác định các mũi đột phá, bảo đảm có đề án mang tính đột phá thực hiện chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình.

Trường hợp các bộ, ngành, địa phương đã có chương trình/dự án/đề án về chuyển đổi số mang tính đột phá, cần thuyết minh và xác định rõ mũi đột phá và tính khả thi để tập trung thực hiện xong từ nay đến hết năm 2025. Thời gian hoàn thành trước ngày 15.10.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông công bố mô hình thành phần hạ tầng chuyển đổi số, trong đó xác định rõ trách nhiệm, cơ quan chủ trì, hoàn thành trước ngày 30.9; tổng hợp kết quả triển khai của các bộ, ngành, địa phương tại báo cáo định kỳ về chuyển đổi số, kịp thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai phù hợp với tình hình thực tế.

Bộ Công an được giao xây dựng, hoàn thiện tài liệu tổng hợp bài học kinh nghiệm, cách làm từ Đề án 06, phổ biến cho các bộ, ngành, địa phương để tham khảo, hoàn thành trước ngày 20.9; Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp, bố trí kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc đề án trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và khả năng cân đối của ngân sách theo quy định…

Bài liên quan
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ chế quản lý
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, chiều ngày 8.10, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tham dự và làm diễn giả chính tại Phiên thảo luận về “Tái cơ cấu hệ thống kinh tế vì tương lai bền vững”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và đổi mới cơ chế quản lý
2 giờ trước Sự kiện
Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, chiều ngày 8.10, Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã tham dự và làm diễn giả chính tại Phiên thảo luận về “Tái cơ cấu hệ thống kinh tế vì tương lai bền vững”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỗi bộ ngành, địa phương tìm ra 'mũi đột phá' để xây dựng đề án chuyển đổi số