Người Việt chúng ta, tự nghìn xưa đã có truyền thống "uống nước nhớ nguồn", ai có công với dân với nước, đặc biệt là những người đã ngã xuống để bảo vệ giang sơn xã tắc trước kẻ thù xâm lược thì càng được ghi ơn sâu sắc.
Biểu hiện của sự tri ân với các bậc liệt tổ liệt tông của dân ta chính là hình thức xây đền, dựng miếu thờ người có công và truyền thống đó được thời đại chúng ta ngày nay tiếp tục giữ gìn, phát huy.
Nó cũng được dân gian đúc kết qua câu "thương dân, dân lập đền thờ/hại dân, dân đái ngập mồ thối xương" từ hơn 600 năm trước .
Đó là một câu ca dao dân gian Việt Nam trong nhiều câu tương tự khác nữa. Tương truyền nó đã xuất hiện trong triều đại nhà Hồ (1400-1407), một triều đại có thời gian tồn tại cực ngắn bởi mắc nhiều sai lầm, khiến đất nước lâm vào những bi kịch và dân thì lầm than, cơ cực...
Vì thế, nó như muốn nhắc nhở nhiều điều với các vị cầm quyền qua mọi triều đại từ trước kia cho đến sau này về sự nhìn nhận phân minh của người dân chính trực trước người có công và người có tội với dân với nước.
Tôi tin là cách suy nghĩ đó rồi sẽ còn mãi mãi, đúng như câu ca dao sâu sắc nói trên này. Nó như một lời khuyên cho các nhà lãnh đạo trước kia, hiện nay và cả mai sau biết mình sẽ phải làm gì vì đất nước, vì nhân dân.
Hãy thử điểm lại trên đất nước này, trước cả cái năm người dân ta nghĩ ra câu ca dao nói trên, dân ta đã xây dựng không biết bao nhiêu đền, miếu thờ các danh nhân có công với nước. Từ đền thờ các Vua Hùng (ở Phú Thọ và sau này một số vùng miền khác cũng được hậu thế xây dựng để tiện thăm viếng nguồn cội) cho đến đền thờ An Dương Vương, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ Bà Triệu, đền thờ Ngô Quyền, đền thờ Trần Hưng Đạo hay dân mình quen gọi và thích gọi hơn, đó là đền thờ Đức Thánh Trần tại nhiều nơi khác ngoài Nam Định ra, bởi dân ta coi ông như một vị Đại Thánh của dân tộc, gần đây là đền thờ Bác Hồ trên đỉnh núi Tản Ba Vì, Hà Nội và một số đền thờ khác nữa trên toàn quốc cũng thờ Bác, thờ song thân của Người .
Rất nhiều đền thờ kiểu như thế, từ lớn tới nhỏ, từ điều kiện, hoàn cảnh kinh tế lúc xây và sự đóng góp của người đã khuất mà sau này, các đền thờ, miếu mạo nói trên được tu bổ, nâng cấp, thậm chí mở rộng to lớn hơn xưa đều có lý do của nó.
Đền thờ, nhất là đền thờ được xây dựng từ lòng dân, công sức của dân, là sự ghi nhận bởi công lao trời bể của các vị tiên liệt với nhân dân, đất nước.
Tản Viên sơn là ngọn núi cao nhất trên Ba Vì. Nó được coi là núi Tổ của nước Đại Việt. Dãy núi Ba Vì gồm 3 đỉnh nổi lên giữa đồng bằng Bắc bộ, gồm đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m. Ngôi đền thờ Bác Hồ được xây dụng năm 1999 từ nguồn kinh phí tự nguyện được xã hội hóa. Đền thờ Bác đặt ở độ cao 1.296m. Hiện những người chăm nom ngôi đền là cán bộ nhân viên kiểm lâm Vườn Quốc gia Ba Vì, hoàn toàn tự nguyện, không dùng tiền ngân sách.
Thời đại ngày nay, kế thừa truyền thống nói trên, chúng ta luôn quan tâm và ủng hộ việc làm này. Hằng năm, ngân khố quốc gia luôn dành một khoản kinh phí nhất định dù còn vô vàn khó khăn để tu bổ các công trình lịch sử, văn hóa và tâm linh đầy ý nghĩa này cũng như nuôi một bộ máy quản lý di tích... Nó mang tính giáo dục rất cao cho hậu thế nhìn ở góc độ lịch sử và giáo dục hậu sinh.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác trong hàng chục năm qua, việc rót kinh phí nhà nước để làm việc này xem ra cũng không phải ít đi mà là nhiều hơn. Việc đầu tư càng ngày càng to hơn, tốn kém hơn, liệu đã nên chưa... là câu chuyện cần bàn.
Nếu đất nước giàu có, hùng cường thực sự thì đó là điều rất đáng làm. Song, có thể nói thẳng ra rằng, đất nước ta còn rất nhiều khó khăn, lại là một nước thuộc diện quốc gia nghèo, mức thu nhập trung bình thấp, thì việc xây mới các nhà lưu niệm (dạng như đền thờ ngày trước) có vẻ hơi phô trương. Nó hơi quá mức và có lẽ cần được tiết kiệm hơn. Đôi khi tôi có cảm giác nó hoành tráng quá mức đến độ không cần thiết.
Đi kèm với nó, rất nhiều năm sau nhà nước luôn phải chi một khoản ngân sách để nuôi bộ máy này hoạt động, đồng nghĩa với bộ máy hành chính phình to ra khi cả nước đang có chủ trương tinh giản biên chế . Điều này khiến ngân khố quốc gia bị tiêu tốn muôn thuở, là sự tốn kém mang tính gián tiếp cho nhà nước bởi nếu xây vừa phải, nhỏ đi thì sẽ không cần đông người quản lý, kinh phí bảo trì và hoạt động lâu dài.
Vì lý do trên, tôi cho rằng, thứ nhất, khi thiết kế các công trình văn hóa, lịch sử dạng trên, không nên làm quá lớn, gây tốn kém ngân sách và khiến vô tình bộ máy quản lý cũng phình to, cồng kềnh hơn.
Thứ hai, nên chăng, với các công trình văn hóa như vậy, trong khâu vận hành, chăm sóc nên theo hướng xã hội hóa. Nên nghĩ giải pháp để địa phương tự lo là chính, nhất là người thân trong dòng tộc của người được vinh danh, thờ phụng cần được giao cùng tham gia quản lý các nhà lưu niệm, đền thờ. Địa phương nào muốn làm lớn cho "người của mình" thì cần phải biết tính toán lâu dài về ngân sách để tự nuôi nó, tính đến việc xã hội hóa...
Một ngôi đền, một ngôi miếu để thờ một ai đó có công với nước với dân là rất cần và đầy ý nghĩa. Song, liệu có cần phải làm to lớn quá không khi trường học cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa còn quá ư rách nát, bữa ăn cho trẻ còn quá đạm bạc, trẻ nghèo vất vả trèo đèo lội suối vác sách đến trường để kiếm cái chữ. Rồi thì bệnh xá những nơi đó cũng quá giản đơn sơ sài, thiếu nhiều phương tiện kỹ thuật y tế tối thiểu để phục vụ người dân tại chỗ...
Những thứ thiết yếu đó xem ra chúng ta chưa đầu tư nhiều trong khi các nhà lưu niệm, khu tượng đài... thì quá lớn, chứ tôi chưa bàn đến chuyện phí phạm hay hữu ích. Đây chính là điều khiến rất đáng phải suy nghĩ trong cách nhìn mang tính định hướng về một chủ trương, tuy đúng đắn, song lại chưa tính toán căn cơ, tiết kiệm.
Nhiều công trình nói trên hầu như đều do địa phương đề xuất, thiết kế nên thường rất muốn làm thật to, thậm chí có khi còn "con gà hơn nhau tiếng gáy", ganh đua nhau mỗi khi biết tỉnh bạn được cấp kinh phí lớn, cớ gì mình lại xin ít hơn người ta, nhất là người nơi mình xứng đáng được suy tôn tầm cỡ hơn, đóng góp nhiều hơn... Làm càng to thì càng xin ngân sách trung ương được nhiều kinh phí. Thế nên tội gì họ không xin, không làm thật to!
Nhiều khi xảy ra tình trạng không hợp, nhà lưu niệm của người từng đứng đầu Đảng, Nhà nước lại nhỏ hơn nhà lưu niệm của vị chức tước thấp hơn nhiều, sinh sau đẻ muộn hơn nhiều. Mọi sự so sánh đều có thể khập khiễng, song không phải dân chúng không để ý vì thực ra cũng không ai cấm họ so sánh kiểu này.
Thực tế thời gian qua cho thấy, một số vị lãnh đạo cao cấp qua đời, gia đình lại làm mộ phần quá lớn. Dù tiền nong có thể do gia đình tự lo nhưng xem ra dân cũng không hài lòng bởi cách làm này vô tình khiến dân nhìn giới lãnh đạo với sự thiếu thiện cảm. Như vậy là chuyện tối kỵ. Về vấn đề này tôi xin không bàn sâu ở đây mà để khi khác.
Nhà lưu niệm hiện nay thường xây dựng cho các nhà lãnh đạo tiền bối của cách mạng. Lúc đầu thì chỉ khiêm tốn, song đang có xu hướng mở rộng đối tượng và to lên về độ hoành tráng. Chuyện này nếu ở một nước giàu thì có thể là bình thường. Mô hình nhà lưu niệm hiện nay cũng không hoàn toàn được nhìn nhận như những ngôi đền thờ của vị có công với nước trước đây.
Hiện nay, ngoài Đền thờ Bác Hồ trên núi Tản, Ba Vì mới xây dựng năm 1999, trên đất nước ta còn có nhiều Đền thờ Bác được xây dựng tại các địa phương để thuận tiện cho người dân có dịp bày tỏ lòng thương nhớ, sự kính yêu và biết ơn Người. Không chỉ vào ngày giỗ âm lịch 21.7 hằng năm, mà là hằng ngày luôn có người đến nhang khói tưởng nhớ người con vĩ đại của dân tộc.
Nguồn kinh phí xây Đền thờ Bác trên đỉnh núi Tản, Ba Vì có một điều rất đáng lưu ý và trân trọng, là hoàn toàn được xã hội hóa. Đó là sự đóng góp từ những người hảo tâm có tấm lòng yêu kính, biết ơn Bác Hồ.
Còn mô hình nhà lưu niệm vài chục năm qua và gần đây được mở rộng là sự kết hợp của nhiều yếu tố, vừa là nơi thờ, vừa là nơi lưu giữ kỷ vật của người đã khuất và những gì có liên quan tới một con người cần vinh danh.
Mục đích xây dựng nhà lưu niệm và các công trình văn hóa tâm linh như đền thờ các bậc tiên đế, các bậc liệt tổ liệt tông, danh nhân (được xây sau này)... là để giáo dục truyền thống cho đời sau. Nó thường do ngân sách nhà nước cấp hằng năm chứ dân hầu như không đóng góp bao nhiêu. Nhưng có lẽ việc xây những công trình quá lớn, theo tôi, cũng nên cân nhắc bởi nước ta còn rất nghèo với vô vàn việc cần làm trước mắt. Nếu vẫn cứ phải xây thì nên được phát động đóng góp phần nào đó (hoặc góp cơ bản) từ nguồn xã hội hóa, vừa phù hợp với thực tế, vừa có lý có tình.