Ta cam kết với Mỹ về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, sẽ cùng họ tìm đến người cuối cùng. Mỹ cam kết cùng ta khắc phục đến điểm cuối cùng nhiễm dioxin.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về 'cam kết đến cuối cùng’ Việt - Mỹ

Vietnamnet | 01/11/2019, 15:35

Ta cam kết với Mỹ về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, sẽ cùng họ tìm đến người cuối cùng. Mỹ cam kết cùng ta khắc phục đến điểm cuối cùng nhiễm dioxin.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng sáng nay có buổi tiếp bà Bonnie Glick, Tổng giám đốc toàn cầu cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và dự lễ bàn giao mặt bằng 37ha dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực sân bay Biên Hòa.

Bên lề sự kiện, Thượng tướng chia sẻ với báo chí về hoạt động hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn giữa hai nước cũng như về chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Bước tiến mới - sự thừa nhận của chính phủ Mỹ

Thượng tướng nhấn mạnh, tới nay có thể nói quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam đã giải quyết được những bước cơ bản để các hậu quả ấy không ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe con người cũng như không kìm hãm sự phát triển KT-XH của đất nước.

“Chúng ta đã thực hiện bằng nguồn lực của chính chúng ta. Tuy nhiên, không thể nói đến hợp tác quốc tế trong khắc phục hậu quả chiến tranh, trước hết về mặt chính trị và nhận thức. Những bên gây chiến tranh với Việt Nam phải có trách nhiệm về những gì họ gây ra, và cộng đồng quốc tế cũng rất sẵn lòng chia sẻ chung tay với Việt Nam.

Đây là động lực cũng như điều kiện thuận lợi để chúng ta huy động nguồn lực trong giải quyết hậu quả chiến tranh. Trong đó, Mỹ là nước có với Việt Nam cuộc chiến tranh dài nhất, thảm khốc nhất, để lại hậu quả nặng nề”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, trong quan hệ hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đầu tiên đó là sự chia sẻ, thừa nhận trách nhiệm. Thứ hai là công nghệ, kỹ thuật, trình độ quản lý. Thứ ba là các nguồn lực giá trị để đẩy nhanh tốc độ giải quyết hậu quả chiến tranh.

"Hôm nay là dấu mốc quan trọng - bàn giao mặt bằng ô nhiễm cho cơ quan xử lý và một số năm nữa sẽ nhận lại khu đất này sạch hoàn toàn. Từ sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Mỹ nhất là các cựu binh và gia đình họ, Chính phủ Mỹ đã từng bước chấp nhận những gì họ làm ở Việt Nam, từng bước chia sẻ trách nhiệm với Việt Nam về xử lý ô nhiễm dioxin”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Theo Thượng tướng, việc tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng là khởi đầu, tới sân bay Biên Hòa thì USAID đại diện chính phủ Mỹ đã ký với Việt Nam (đại diện là ban chỉ đạo 701 về việc khắc phục hậu quả dioxin tại Biên Hòa).

“Như vậy, chính phủ Mỹ thừa nhận những gì họ đã làm. Họ cam kết với chúng ta như lời Thượng nghĩ sĩ Patrick Leahy, phó chủ tịch Ủy ban Phân bổ ngân sách Thượng viện Mỹ nói, Mỹ sẽ làm đến tận cùng, cùng với Việt Nam đến khi không còn chất độc dioxin ở Biên Hòa nữa.

Đây là bước tiến đáng kể, khi trước đây họ không thừa nhận, không có hỗ trợ từ chính phủ mà chủ yếu của các tổ chức phi chính phủ”, Thượng tướng nhấn mạnh.

Một vấn đề nữa là viện trợ con người - thường do các tổ chức nhân đạo thực hiện. Nhưng USAID đã ký với ban chỉ đạo 701 dự án trị giá 65 triệu USD để khắc phục hậu quả với con người ở 7 tỉnh bị nhiễm dioxin. Như vậy hợp tác hai bên đánh dấu bằng những cam kết lâu dài, cao nhất là cấp chính phủ.

Thượng tượng Nguyễn Chí Vịnh chứng kiến lễ bàn giao mặt bằng dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa

Hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

Về chuyến thăm sắp tới của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, đây là chuyến thăm thông thường của các bộ trưởng khi hai bên cam kết trao đổi các đoàn cấp cao.

Hai bộ trưởng sẽ trao đổi các vấn đề về hợp tác quốc phòng dựa trên bản ghi nhớ Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ năm 2011 và Tầm nhìn chiến lược quốc phòng hai nước.

“Trong hợp tác quốc phòng hai nước, vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh luôn được đưa lên hàng đầu. Không có hợp tác này sẽ không có nền tảng cho hợp tác hiện tại và tương lai.

Chúng ta đã cam kết với Mỹ về hoạt động tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh, là sẽ cùng Mỹ tìm đến người cuối cùng. Ngược lại Mỹ cam kết sẽ cùng chúng ta khắc phục đến điểm cuối cùng còn bị nhiễm dioxin”, Thượng tướng nêu rõ.

Về phần mình, Phó Tổng giám đốc toàn cầu USAID Bonnie Glick cho biết, khối lượng cần xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa lớn gấp 4 lần khối lượng cần xử lý ở sân bay Đà Nẵng.

“USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không - Không quân VN năm ngoái về dự án ban đầu kéo dài 5 năm với kinh phí 183 triệu USD xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Chính phủ Mỹ cũng như USAID nhận thấy tầm quan trọng trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Hai nước đã đồng hành trong suốt 30 năm qua trong lĩnh vực này”, bà chia sẻ.

Dự án đã chính thức được phê duyệt và khởi động vào tháng 4 năm nay. Theo ước tính của USAID, công tác xử lý tổng thể sẽ hoàn thành trong 10 năm.

Theo Thái An(VNN)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói về 'cam kết đến cuối cùng’ Việt - Mỹ