Thượng tướng Phan Văn Giang đánh giá tình hình Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi cần phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài với chiến lược, sách lược mềm dẻo, đúng đắn.

Thượng tướng Phan Văn Giang: Biển Đông diễn biến phức tạp, thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo

P.V | 28/03/2021, 16:00

Thượng tướng Phan Văn Giang đánh giá tình hình Biển Đông đang có những diễn biến căng thẳng, phức tạp hơn, đặt ra nhiều thách thức lớn, đòi hỏi cần phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài với chiến lược, sách lược mềm dẻo, đúng đắn.

Chiều 28.3, tiếp tục Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt văn kiện Đại hội XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, giới thiệu về những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam.

Về tình hình thế giới và khu vực, ông Phan Văn Giang đánh giá rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á, có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng, là khu vực cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột.

Riêng tình hình Biển Đông, Thượng tướng Phan Văn Giang đánh giá vẫn có những diễn biến căng thẳng phức tạp, đang đặt ra thách thức lớn trong bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hiện đang có sự tranh chấp giữa các nước có liên quan đến Biển Đông như vùng tranh chấp, vùng chồng lấn, vùng chưa phân định rõ ràng, vùng nước lịch sử, vùng cùng đánh cá, thềm lục địa... chưa giải quyết được.

"Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài, có chiến lược và sách lược mềm dẻo, đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế, trên Biển Đông ta thực hiện Công ước Luật biển 1982 và quy tắc DOC (Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông – PV) của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới COC (Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông – PV)", ông Phan Văn Giang nói.

Dù vậy, ông Giang nói: "Tất nhiên trong quá trình thực hiện thì có những cái chúng ta phải xử lý theo tình hình thực tế”.

thuong-tuong-phan-van-giang.jpg
Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam

Về xây dựng quân đội, ông Giang cho biết Đại hội XIII của Đảng xác định phương hướng, mục tiêu xây dựng quân đội là xây dựng quân đội nhân dân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

"Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh. Đến năm 2030, xây dựng một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại", ông Phan Văn Giang cho hay. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trong Nghị quyết, cùng với quân đội còn có lực lượng công an.

Trong thời gian qua, Quân ủy T.Ư Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh.

Ông Phan Văn Giang dẫn chứng, sau năm 1975, Việt Nam hoàn toàn thống nhất thì quân đội có 11 quân khu, sau đó giải thể, sáp nhập, giờ chỉ còn 7 quân khu, quân khu Thủ đô cũng chuyển thành Bộ tư lệnh thủ đô để giảm biên chế, tinh gọn bộ máy.

Đến khi chiến tranh biến giới xảy ra, trong các quân khu, có quân đoàn và có cả đặc khu (đặc khu Quảng Ninh) còn sau chiến tranh biên giới thì giải thể các quân đoàn, đặc khu, giải thể một số sư đoàn.

"Ngày xưa một quân khu có thể 5 - 7 sư đoàn, bây giờ mỗi quân khu chỉ còn lại 1 sư đoàn đóng quân thôi. Cùng với đó là các quân đoàn không thường trực, đoàn kinh tế quốc phòng và đơn vị hỏa lực, lực lượng phục vụ bảo đảm để sẵn sàng nhân đôi nhân 3 mà như chiến tranh giải phóng, chống Mỹ cứu nước chúng ta đã làm", ông Phan Văn Giang nói.

Từ 2016 tới nay, thực hiện nhiệm kỳ khóa XII, quân đội giảm, điều chỉnh 800 tổ chức biên chế. Quân đội đã tinh gọn, không thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cho nên giải thể các trường nghề của quân đội ở 61 tỉnh thành, chỉ để lại 2 trường quân sự của TP.Hà Nội, TP.HCM.

"Quân số này tăng cường cho các nơi trọng yếu, biên giới, vũ khí trang bị mới như môi trường tác chiến mới như không gian mạng", ông Giang lưu ý.

Để thực hiện xây dựng quân đội hiện đại, công nghiệp quốc phòng cũng từng bước phát triển, hiện đại, đáp ứng một phần vũ khí cho lực lượng vũ trang, đồng thời góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội.

"Chúng tôi đang đi theo hướng này để mình tự lực tự cường trang bị cho quân đội và đáp ứng một phần cho kinh tế cho xã hội", ông Phan Văn Giang khẳng định.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thượng tướng Phan Văn Giang: Biển Đông diễn biến phức tạp, thách thức bảo vệ chủ quyền biển đảo