Những ưu đãi về thuế quan của CPTPP hay EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho ngành thủy sản Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường. Nhưng đó đều là những thị trường có chất lượng cao, nếu thủy sản Việt không qua được "cánh cửa" tiêu chuẩn thì cơ hội sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.

Thủy sản Việt trong EVFTA, CPTPP: Cơ hội bứt phá nếu qua được cửa tiêu chuẩn

01/07/2019, 15:47

Những ưu đãi về thuế quan của CPTPP hay EVFTA sẽ mở ra cơ hội cho ngành thủy sản Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường. Nhưng đó đều là những thị trường có chất lượng cao, nếu thủy sản Việt không qua được "cánh cửa" tiêu chuẩn thì cơ hội sẽ sớm tuột khỏi tầm tay.

Thủy sản được xem là một trong những ngành có cơ hội lớn từ các FTA thế hệ mới - Ảnh: Internet

Chất lượng, xuất xứ - điều kiện tiên quyết!

Thủy sản là mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, châu Âu... Đây cũng là mặt hàng được hưởng lợi thế ưu đãi từ EVFTA. Giới chuyên gia cho rằng đây là cơ hội lớn để ngành thủy sản bứt phá.

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là những cơ hội từ thuế quan.

Với CPTPP, đại diện VASEP nhìn nhận thủy sản Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu sang 10 thị trường, vốn đang chiếm 25% tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, vì hầu hết được cắt giảm thuế về 0%. Tại một số thị trường lớn như Nhật Bản, cơ hội thuế xuất khẩu thấy rõ khi hầu hết sản phẩm chế biến đang chịu thuế cơ bản 4,8 - 10,5% được giảm về 0% ngay, trừ sản phẩm từ cá trích, cá thu có lộ trình 6 năm và sản phẩm có gạo có lộ trình 11 năm.

Sản phẩm có mã HS 03 bao gồm: cá ngừ vây xanh, cá ngừ mắt to, cá ngừ albacore, cá hồi, cá trích, cá thu, cá cơm, cá kiếm, cá tuyết, cá minh thái lộ trình giảm thuế 6-11 năm... Trừ mặt hàng cá ngừ và một số cá biển sẽ phải có lộ trình giảm thuế 6-11 năm thì xuất khẩu tôm, cá tra và các sản phẩm khác hầu như được giảm thuế về 0% tại các thị trường CPTPP. Các nước này đang chiếm 31% xuất khẩu tôm của Việt Nam, 15% xuất khẩu cá tra và 31% xuất khẩu hải sản.

Ngoài ra, cũng phải kể đến cơ hội đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu từ việc gia tăng nhập khẩu từ các nước để sản xuất chế biến xuất khẩu và gia công nhờ thuế giảm hoặc về 0%. Các nước CPTPP chiếm gần 16% nhập thủy sản của Việt Nam.

Với EVFTA, ngay khi có hiệu lực sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở 0 - 22%, trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22%, sẽ được giảm về 0% (khoảng 840 dòng thuế). Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26% sẽ được về về 0% sau từ 3-7 năm. Riêng cá ngừ đóng hộp và cá viên, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan lần lượt là 11.500 tấn và 500 tấn.

Cụ thể, sau khi EVFTA có hiệu lực, một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% như: hàu, điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, sò, bào ngư chế biến… Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6 - 8% sẽ được giảm ngay về 0%, các sản phẩm khác như surimi được giảm từ 14,2% về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%...

Đối với sản phẩm tôm, tôm sú đông lạnh (HS 03061792) được giảm thuế từ mức cơ bản 20% xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng tôm khác theo lộ trình 3-5 năm, riêng tôm chế biến lộ trình giảm thuế 7 năm. Đối với sản phẩm cá tra, lộ trình giảm thuế 3 năm, riêng cá hun khói lộ trình 7 năm. Sản phẩm cá ngừ đông lạnh được giảm thuế về 0% ngay, trừ thăn cá ngừ đông lạnh cần lộ trình 7 năm và sản phẩm cá ngừ hộp có hạn ngạch hưởng thuế 0% là 11.500 tấn.

EU hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm trên 17 - 18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%.

Ngoài những lợi ích cơ bản là thuế, đại diện VASEP cũng cho rằng tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và ECFTA, thủy sản Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ chưa có FTA với các đối tác (Ấn Độ, Thái Lan); thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm; tạo ra động lực mở cửa thị trường, thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp hai bên; có điều kiện tham gia chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia; được đảm bảo môi trường kinh doanh và thể chế ổn định, minh bạch hơn (nhờ cải thiện quy định, chính sách phù hợp theo các điều khoản FTA).

Doanh nghiệp phải linh hoạt

Bên cạnh cơ hội, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với những bất lợi, rủi ro trong cả 2 CPTPP và EVFTA như: các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn, trong khi sản phẩm của ta so với các nước đối tác FTA kém cạnh tranh hơn về giá thành…

Vậy, để tránh những rủi ro, hạn chế những bất lợi do những thách thức mang lại, đại diện VASEP kiến nghị trước hết các doanh nghiệp thủy sản cần nắm và áp dụng linh hoạt, trung thực quy tắc xuất xứ của các FTA (chú ý hàng hóa phải đáp ứng quy tắc xuất xứ được quy định riêng cho mỗi FTA); tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác FTA.

Tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan (hiện nay tỷ lệ tận dụng chưa cao). Doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng thực hiện và đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về lao động và môi trường, các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững - đó là những yêu cầu có trong FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP. Các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng, kiểm soát tốt an toàn vệ sinh thực phẩm; cần chủ động tìm hướng hợp tác với các đối tác nước ngoài, đổi mới công nghệ, tham gia vào dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh cho rằng sau khi hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế từ các FTA thế hệ mới, cơ hội sẽ rộng mở cho doanh nghiệp tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế 0% đối với tất cả các dòng sản phẩm thủy sản.

Vì vậy, để tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp thủy sản cần nắm vững cam kết của Việt Nam, không chỉ lĩnh vực trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp mình. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, chú trọng liên kết chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng.

Trên thực tế, các yêu cầu này không phải quy định của một thị trường nào mà đã trở thành xu hướng chung của toàn cầu, nhất là đối với thủy sản Việt Nam khi 70% nguyên liệu đầu vào là từ nuôi trồng. Do đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị để cung cấp số liệu, hồ sơ, quy trình truy xuất nguồn gốc một cách bài bản để tạo niềm tin cho nhà nhập khẩu thủy sản Việt Nam.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủy sản Việt trong EVFTA, CPTPP: Cơ hội bứt phá nếu qua được cửa tiêu chuẩn