TS Trần Hoàng Ngân nhận định: "Nhìn chung tỉ giá tương đối ổn định và nó đảm bảo cho người giữ VND luôn có lời nhờ đảm bảo độ chênh lãi suất giữa USD và VND".

Tỉ giá đang có lợi cho người giữ VND

20/10/2018, 11:16

TS Trần Hoàng Ngân nhận định: "Nhìn chung tỉ giá tương đối ổn định và nó đảm bảo cho người giữ VND luôn có lời nhờ đảm bảo độ chênh lãi suất giữa USD và VND".

VND đang chịu nhiều áp lực về tỉ giá - Ảnh minh họa từ CafeF

Nhân dân tệ đang liên tục tuột dốc và đã chạm đáy của 2 năm, chỉ tính từ giữa tháng 6 đến nay đồng tiền này mất giá hơn 6%. Trong khi đó USD tiếp tục xu hướng tăng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục nâng lãi suất.

Cụ thể vào ngày 19.10, giá USD bán ra tại một số ngân hàng thương mại dao động ở mức 23.390-23.295 đồng/USD. Trên thị trường tự do, giá USD mua vào phổ biến ở mức 23.460 đồng và bán ra 23.480 đồng, tăng 15-20 đồng so với trước đó một ngày.

Tình hình thị trường lúc này khiến nhiều người lo ngại tỉ giá sẽ còn biến động mạnh, gây áp lực lên lạm phát khiến VND ngày càng mất giá, gửi tiết kiệm không có lãi.

Tuy nhiên, TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhận định: “Từ nay đến cuối năm, tỉ giá tại thị trường Việt Nam không có lý do gì để biến động mạnh”.

TS Trần Hoàng Ngân đánh giá: Tỉ giá là giá cả của ngoại tệ, mà giá cả phụ thuộc vào cung cầu. Hiện cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế… của Việt Nam về tổng thể đều thặng dư. Nói cách khác, nguồn cung ngoại tệ Việt Nam đang khá phong phú. Dự trữ ngoại hối liên tục tăng trong những năm vừa qua và hiện lên đến trên 60 tỉ USD. Với nguồn cung phong phú, dự trữ ngoại tệ đủ mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hoàn toàn có thể chủ động trong điều hành chính sách tỉ giá theo mục tiêu chính sách kinh tế vĩ mô đã đề ra.

Ông cũng khẳng định VND đang chịu nhiều áp lực về tỉ giá, thứ nhất là việc Fed liên tục tăng lãi suất và thứ hai là từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng dẫn đến việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ. Giá USD đã tăng khoảng 2,6% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong thời gian tới, tỉ giá vẫn có thể được điều chỉnh tăng nhưng ông dự báo "chỉ dao động trong mức 3% trở lại".

Đáng lưu ý, TS Trần Hoàng Ngân nhận định: "Nhìn chung tỉ giá tương đối ổn định và nó đảm bảo cho người giữ VND luôn có lời nhờ đảm bảo độ chênh lãi suất giữa USD và VND. Nghĩa là chênh lệch lãi suất này đủ bù cho sự tăng của tỉ giá USD so với VND.

Đó là cũng là phương án mà NHNN đang điều hành. Từ đây đến cuối năm còn tùy theo diễn biến của thị trường tiền tệ quốc tế, tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và trong cuộc chiến này, Việt Nam có cơ hội nhiều hơn là thách thức nên hỗ trợ cán cân thương mại tốt hơn.

"Do đó, có thể khẳng định chúng ta giữ tỉ giá ổn định một cách tương đối, tỉ giá không có lý do gì để biến động mạnh. Việt Nam phải đảm bảo được ổn định tỉ giá, đừng để tâm lý tác động đến thị trường", ông Ngân nói.

Việc điều hành tỉ giá của NHNN trong một thời gian dài, liên tục 3-4 năm gần đây được ông cho là hợp lý và NHNN nên tiếp tục giữ cách điều hành đó và không để vỡ trận kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Phải kiên định mục tiêu đảm bảo tăng trưởng GDP trên 6,7%, đảm bảo cán cân thương mại và thặng dư, đảm bảo kiểm soát lạm phát khoảng 4%... Những áp lực về việc thiếu hụt USD không đáng ngại và NHNN đủ khả năng điều hành tỉ giá để đạt mục tiêu đề ra.

"Tóm lại, tỉ giá thì có lúc lên lúc xuống là chuyện bình thường nhưng anh phải kiểm soát được nó. Phải sẵn sàng can thiệp khi có biến động bất thường".

Vì sao Việt Nam neo chặt VND vào USD trong khi thả nổi so với ngoại tệ khác?

Theo TS Trần Hoàng Ngân, Việt Nam vẫn neo chặt VND vào USD vì đây là đồng tiền quan trọng trên thế giới, đóng vai trò giữ trọng số quan trọng trong thanh toán quốc tế. Cho nên phải căn cứ vào USD để làm cơ sở.

Nhưng khi xác định tỉ giá hiện nay không chỉ dựa vào mỗi USD mà còn dựa vào rổ tiền tệ để điều hành tỉ giá trung tâm. Rổ tiền tệ này là những đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại (mua bán hàng hóa) để phân tích. Trên cơ sở đó dịch chuyển đường tỉ giá trung tâm chứ không chỉ dựa hẳn vào USD.

Theo Phương Minh/PLO

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
36 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỉ giá đang có lợi cho người giữ VND