Theo một nghiên cứu lớn từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, tiêm vắc xin giúp giảm khoảng 15% nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

Tiêm vắc xin giúp giảm bao nhiêu nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19?

Sơn Vân | 03/06/2022, 08:53

Theo một nghiên cứu lớn từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, tiêm vắc xin giúp giảm khoảng 15% nguy cơ bị tình trạng COVID-19 kéo dài.

Theo một nghiên cứu lớn từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ, nguy cơ phát triển triệu chứng COVID-19 kéo dài sau khi nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn ở những người đã tiêm vắc xin so với những ai chưa được tiêm chủng, nhưng không nhiều.

Các nhà nghiên cứu đã so sánh kết quả giữa gần 34.000 người nhiễm SARS-CoV-2 đột phá sau khi nhận vắc xin từ Johnson & Johnson, Pfizer-BioNTech hoặc Moderna, và hơn 113.000 người chưa được tiêm phòng mắc COVID-19.

Nghiên cứu được tiến hành khi biến thể Delta chiếm ưu thế và được công bố trên Tạp chí Nature Medicine, cho thấy tiêm vắc xin làm giảm khả năng bị COVID-19 kéo dài khoảng 15%. Không có sự khác biệt về loại hoặc mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng COVID-19 kéo dài giữa bệnh nhân được tiêm vắc xin và không tiêm.

Các nhà nghiên cứu cũng so sánh bệnh nhân nhập viện vì nhiễm SARS-CoV-2 đột phá so với cúm theo mùa. Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Ziyad Al-Aly thuộc Hệ thống chăm sóc sức khỏe cựu chiến binh St. Louis, cho biết: “Nhiễm SARS-CoV-2 đột phá có liên quan đến nguy cơ tử vong cao hơn so với bệnh cúm”.

Các phát hiện chỉ ra rằng việc phụ thuộc vào vắc xin làm tuyến phòng thủ duy nhất của chúng ta không phải là một chiến lược tối ưu”, ông nói thêm với hãng tin Reuters.

Tiêm vắc xin trong thai kỳ làm giảm nguy cơ trẻ sơ sinh mắc COVID-19

Tiêm vắc xin COVID-19 trong khi mang thai dường như làm giảm nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 ở trẻ sơ sinh, theo một nghiên cứu được thực hiện ở Na Uy.

Các nhà nghiên cứu Na Uy đã theo dõi 9.739 trẻ em có mẹ được tiêm liều thứ hai hoặc thứ ba của vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna trong thai kỳ và 11.904 bé có mẹ không tiêm phòng COVID-19 trước hoặc trong khi mang thai. Nhìn chung, mắc COVID-19 rất hiếm ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng, những đứa trẻ với mẹ được tiêm vắc xin COVID-19 có nguy cơ xét nghiệm PCR dương tính trong 4 tháng đầu đời thấp hơn 71% ở đợt dịch Delta và thấp hơn 33% khi Omicron chiếm ưu thế, so với trẻ được sinh ra từ các bà mẹ không chủng ngừa COVID-19.

Các nhà nghiên cứu đã báo cáo điều này hôm 1.6 trên Tạp chí JAMA Internal Medicine.

tiem-vac-xin-lam-giam-nguy-co-bi-di-chung-hau-covid-19-ra-sao.jpg
Khi mang thai 37 tuần, Alyson Bravo (31 tuổi) được tiêm một liều vắc xin Pfizer-BioNTech tại sân vận động thể thao ở thành phố Villa Alemana, Chile - Ảnh: Reuters

Tiến sĩ Ellen Oen Carlsen thuộc Viện Y tế Công cộng Na Uy cho biết: “Các kháng thể vẫn có thể có tác dụng bảo vệ trong 4 tháng đầu tiên, nhưng có những khác biệt giữa các cá nhân”.

Bà lưu ý rằng trẻ sơ sinh nhận được một loại kháng thể khác từ sữa mẹ. Những phát hiện này một phần có thể do các kháng thể có được từ việc cho con bú, hoặc các bà mẹ được tiêm vắc xin ít có khả năng mắc COVID-19 hay lây nhiễm sang con họ.

Trẻ sơ sinh của những phụ nữ được tiêm mũi vắc xin tăng cường trong thời kỳ mang thai có nguy cơ mắc COVID-19 thậm chí thấp hơn so với những ai chỉ nhận hai liều ban đầu.

Ellen Oen Carlsen nói: “Điều này có thể ngụ ý rằng những phụ nữ đã tiêm phòng trước khi mang thai với hai liều vắc xin nên cân nhắc tiêm mũi tăng cường trong những phần cuối của thai kỳ”.

Tác động của các biến thể SARS-CoV-2 phụ thuộc vào vị trí địa lý

Các nhà nghiên cứu cho biết một cách tiếp cận mới để xem sự tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2 có thể giúp dự đoán liệu và khi nào một biến thể mới có khả năng cạnh tranh với các phiên bản đang thống trị.

Venky Soundararajan thuộc công ty phân tích dữ liệu Nference (có trụ sở tại bang Massachusetts, Mỹ) cho biết: “Để ước tính tác động tiềm tàng của một biến thể SARS-CoV-2, ‘tính đặc biệt’ của chuỗi gien đột biến của nó so với các chủng đã lưu hành trước đó phải được xem xét trong bối cảnh của từng khu vực địa lý”.

Những thay đổi di truyền mang lại sự khác biệt ở một vùng địa lý có thể không như vậy tại vùng khác, tùy thuộc vào những biến thể SARS-CoV-2 từng lưu hành ở đó, nhóm của Venky Soundararajan cho biết trong một báo cáo được đăng trên trang medRxiv trước khi đánh giá đồng cấp.

Nghiên cứu cơ sở dữ liệu của gần 8 triệu mẫu SARS-CoV-2 từ khắp nơi trên thế giới, các nhà khoa học đã theo dõi và so sánh trình tự di truyền tiến hóa của các biến thể mà các quần thể ở các vùng khác nhau từng phơi nhiễm - còn được gọi là phơi nhiễm theo cộng đồng.

Họ phát hiện ra rằng tính đặc biệt của một dòng SARS-CoV-2 ở quốc gia nhất định trong khoảng thời gian cụ thể có liên quan đáng kể đến sự thay đổi tỷ lệ mắc COVID-19 ở nước đó trong 8 tuần tới.

Các nhà nghiên cứu đang làm việc với Viện Y tế Quốc gia Mỹ về một hệ thống sẽ cảnh báo các quan chức y tế công cộng khi các biến thể SARS-CoV-2 mới xuất hiện mà cộng đồng có khả năng dễ bị tổn thương. Đó là những biến thể có nhiều điểm khác biệt nhất so với phiên bản gốc SARS-CoV-2 mà vắc xin COVID-19 hiện tại nhắm đến và từ những chủng mà cư dân địa phương đã có được một số khả năng miễn dịch thông qua lây nhiễm cộng đồng.

Bài liên quan
Béo phì có thể làm giảm hiệu quả vắc xin COVID-19, người nhiễm Omicron chưa tiêm phòng dễ tái nhiễm
Đó là 2 trong 3 nghiên cứu đáng chú ý về vắc xin COVID-19 được công bố gần đây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiêm vắc xin giúp giảm bao nhiêu nguy cơ bị di chứng hậu COVID-19?