Tiền Giang là một trong những tỉnh có diện tích cây sầu riêng lớn nhất nước. Sầu riêng xuất khẩu mạnh, giá rất cao nên được gọi là “cây tỷ phú”. Tuy nhiên, gần đây đã có những báo động về chất lượng sầu riêng xuất khẩu. Vậy phải làm gì để giữ uy tín cho chất lượng trái đặc sản này trên thị trường quốc tế?
Chưa tìm ra nguyên nhân có chất cấm
Theo Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (TT-BVTV) tỉnh Tiền Giang, trong số 30 lô hàng sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức giới hạn quy định an toàn thực phẩm của Trung Quốc thì tỉnh Tiền Giang có 4 doanh nghiệp xuất trái cây này, chủ yếu tại địa bàn huyện Cai Lậy. Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Tiền Giang đã làm việc với 4 doanh nghiệp nói trên, truy xuất nguồn gốc trái sầu riêng đã thu mua, lấy mẫu nước, mẫu đất tại vùng nguyên liệu để phân tích.
Ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Chi cục TT-BVTV tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chi cục đã phối hợp với các địa phương và 4 doanh nghiệp để khắc phục tình trạng trái sầu riêng nhiễm cadimi. Cụ thể là truy xuất nhật ký thu mua, thu gom hàng phải có giấy phép; tiến hành kiểm tra nước, đất vườn trồng có nhiễm chất cadimi hay không... Qua phân tích, chúng tôi chưa phát hiện tình trạng nhiễm cadimi và đã gửi kết quả đến Cục Bảo vệ thực vật”.
Ông Dương Văn Đây, chủ 2,7ha vườn sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chia sẻ: “Đối với người trồng sầu riêng, muốn đạt chất lượng tốt thì tránh sử dụng những thuốc mà ngành nông nghiệp khuyến cáo không dùng. Nhà vườn nếu sử dụng bừa bãi thì dư lượng thuốc vẫn còn trong đó. Tuy nhiên, rất khó quản lý việc sử dụng vì thuốc bảo vệ thực vật rất quan trọng. Vì vậy cần phải kiểm tra việc xuất nhập khẩu tại các cơ sở vật tư nông nghiệp đầu mối”.
Thực tế cho thấy, thời gian qua hầu hết doanh nghiệp khi thu mua trái sầu riêng của nhà vườn về tập kết tại kho đều thực hiện khâu nhúng một số loại thuốc chưa rõ nguồn gốc để diệt sâu bọ, chống nấm mốc và làm cho trái sầu riêng chín đều. Nhiều người lo ngại việc làm này ảnh hưởng đến chất lượng trái sầu riêng khi đưa đi xuất khẩu.
Ông Trương Thành Vinh, chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua trái cây tại xã Bàn Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, nhiều cơ sở mua sầu riêng xuất khẩu có dùng hóa chất nhúng sầu riêng trước để khi đóng gói với mục đích để trái chín đồng đều.
Bảo vệ chất lượng, thương hiệu trái sầu riêng Việt
Theo các nhà khoa học tại Viện Cây ăn quả miền Nam, sầu riêng cũng như các loại trái cây khác phải đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mới có giá trị xuất khẩu. Muốn làm được điều này thì cần phải thay đổi phương thức canh tác, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, từ nguồn nước phun tưới, bón phân cân đối hài hòa theo từng vùng đất, thổ nhưỡng. Đặc biệt việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải hợp lý; ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học. Việc xử lý sau thu hoạch phải đúng quy trình kỹ thuật, không được sử dụng chất hóa học bảo quản, tuyệt đối không nhúng trái sầu riêng vào dung dịch chưa rõ nguồn gốc...
Tiền Giang có gần 22.000ha sầu riêng chuyên canh, trong đó có gần 15.000ha cây đang cho trái. Hiện nay, sầu riêng Mongthon trái vụ giá đến 230.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 giá trên 150.000 đồng/kg, vào vụ thuận giá cũng trên 100.000 đồng/kg. Với mức giá này, một hecta sầu riêng cho nhà vườn thu nhập gần 2 tỉ đồng/năm.
Toàn tỉnh đã có 115 vườn sầu riêng được cấp mã số vùng trồng, 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Thời gian qua, các ngành chức năng chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh sầu riêng. Do đó, việc có 4 doanh nghiệp tại tỉnh Tiền Giang nằm trong danh sách vi phạm kim loại nặng cadimi vượt mức quy định bị phía Trung Quốc trả về là hồi chuông cảnh báo để nhà vườn, doanh nghiệp và cơ quan chức năng địa phương phải chấn chỉnh.
“Về lâu dài, chi cục sẽ phối hợp với các địa phương tập huấn cho bà con thực hiện quy trình sản xuất; hướng dẫn việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy định. Đối với cơ sở đóng gói, cục khuyến cáo nên mua trái ở các vùng có mã số vùng trồng. Hiện nay, việc nhúng thuốc là chất ethophone mà một số nước đã sử dụng, chúng tôi lưu ý nhắc nhở phải hết sức cẩn trọng. Chi cục sẽ phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra mọi hoạt động”, ông Võ Văn Men cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Trưởng bộ môn Công nghệ sau thu hoạch (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết: “Xử lý sau thu hoạch cho trái sầu riêng là họ đã bỏ bớt công đoạn. Quá trình tẩy rửa, vệ sinh trước, họ chỉ thực hiện bằng phương pháp khô. Sau đó họ nhúng thuốc để khởi động quá trình chín trái. Để cho trái chín đều thì bắt buộc phải thêm nhiều loại thuốc diệt nấm mốc liều mạnh trộn chung. Giai đoạn cuối cùng là áp dụng tác nhân khởi động quá trình chín trái và chất diệt nấm là các phụ gia thực phẩm an toàn. Những hóa chất trôi nổi chưa được đăng ký với cơ quan chức năng thì không nên dùng. Tất cả các thuốc diệt nấm, xử lý sau thu hoạch nếu được áp dụng thì phải đăng ký và được cho phép”.