Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê đã lên tiếng tố bà N.T.H.N. chiếm giữ hơn 800 triệu đồng tiền phúng điếu trong tang lễ GS Trần Văn Khê từ năm 2015 đến nay và khiến việc thực hiện di nguyện của ông bị chậm trễ.
Văn hóa

Tiền phúng điếu bị chiếm dụng khiến Quỹ học bổng Trần Văn Khê bị chậm trễ

Tiểu Vũ (thực hiện) 26/12/2023 19:11

Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê đã lên tiếng tố bà N.T.H.N. chiếm giữ hơn 800 triệu đồng tiền phúng điếu trong tang lễ GS Trần Văn Khê từ năm 2015 đến nay và khiến việc thực hiện di nguyện của ông bị chậm trễ.

GS Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Sau gần 10 năm trở về Việt Nam sinh sống và hoạt động âm nhạc, ông đã qua đời vào ngày 25.6.2015 tại TP.HCM. Tang lễ của cố giáo sư đã được tổ chức trang trọng tại tư gia.

Ngay sau khi GS Trần Văn Khê qua đời, một ban tang lễ gồm đại diện gia đình và thân hữu đã được hình thành, trong đó có con trai trưởng của GS Trần Văn Khê là TS Trần Quang Hải và một số thân hữu của giáo sư gồm: ông Nguyễn Đắc Xuân, ông bà Trần Bá Thủy - Tôn Nữ Hỷ Khương, ông Nguyễn Nhã, bà Nguyễn Thế Thanh và bà N.T.H.N. - người bị tố đã giữ tiền phúng điếu tang lễ của GS Trần Văn Khê từ năm 2015 đến nay.

mcover-123.jpg
Nhóm Thân hữu Trần Văn Khê trong buổi gặp gỡ báo chí sáng 26.12 - Ảnh: Tiểu Vũ

Ban tang lễ có nhiệm vụ tổ chức tang lễ theo các nghi thức Phật giáo và truyền thống dân tộc, tiếp đón khách đến viếng, đồng thời theo dõi, quản lý số tiền phúng điếu tại tang lễ. Thông qua sự tiến cử của ông Nguyễn Đắc Xuân, việc quản lý tiền phúng điếu được giao cho bà N.T.H.N. (gọi tắt là bà N., Việt kiều Canada) và đã được toàn bộ thành viên ban tang lễ thống nhất.

Trong những ngày diễn ra tang lễ GS Trần Văn Khê, mọi người trong gia đình và thân hữu đều biết GS có di nguyện lập một quỹ học bổng mang tên ông nhằm khuyến khích, hỗ trợ những người có thành tựu nghiên cứu, giảng dạy, biểu diễn, quảng bá và theo học âm nhạc dân tộc Việt Nam.

img_0760.mov_snapshot_00.00.443.jpg
Ông Nguyễn Đắc Xuân chia sẻ về việc tiến cử bà N. quản lý tiền phúng điếu trong tang lễ GS Trần Văn Khê - Ảnh: Tiểu Vũ

Quỹ được lập trên cơ sở ban đầu là tiền phúng điếu trong tang lễ của GS Trần Văn Khê. Ngay sau khi tang lễ kết thúc, một số thành viên trong ban tang lễ đã nhóm họp, hình thành nhóm “Thân hữu Trần Văn Khê”, gồm có các ông bà Nguyễn Đắc Xuân, Trần Bá Thủy, Nguyễn Nhã, Nguyễn Thế Thanh, Trần Quang Hải, Lê Quốc Ân và bà Lê Ngọc Hân được chọn làm thư ký (hiện là thư ký của Quỹ Trần Văn Khê). Trong nhóm Thân hữu này cũng có bà N.

Nhóm Thân hữu nhận trách nhiệm sẽ thực hiện di nguyện của GS Trần Văn Khê là thành lập Quỹ học bổng mang tên Trần Văn Khê theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

img_0798.jpg
Email của GS Trần Quang Hải (con trai cố GS Trần Văn Khê) gửi cho nhóm Thân hữu Trần Văn Khê - Ảnh: Tiểu Vũ

Nhóm cũng đã tổng kết được số tiền phúng điếu do bà N. tạm quản lý để làm cơ sở ban đầu cho việc lập quỹ, tính cả tiền Việt và ngoại tệ quy đổi đến ngày 29.6.2015 là hơn 800 triệu đồng. Nhóm khẳng định số tiền phúng điếu này không thuộc về bất cứ cá nhân nào mà dành toàn bộ cho việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê.

img_0773.mov_snapshot_00.01.036.jpg
Bà Nguyễn Thế Thanh trình bày sự việc với báo chí - Ảnh: Tiểu Vũ

Để Quỹ Trần Văn Khê đi vào hoạt động, nhóm đã yêu cầu bà N. nhanh chóng làm các giấy tờ cá nhân như các thành viên khác để tiến hành lập hồ sơ xin phép thành lập quỹ theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, suốt từ năm 2015 đến nay, mặc dù đã nhiều lần được thành viên của nhóm thân hữu là ông Nguyễn Đắc Xuân và bà Nguyễn Thế Thanh nhắc nhở bằng điện thoại và email nhưng bà N. đã né tránh trách nhiệm nộp hồ sơ, cũng như việc bàn giao số tiền phúng điếu cho nhóm Thân hữu Trần Văn Khê.

Bà Nguyễn Thế Thanh cho biết hiện nhóm vẫn lưu giữ đầy đủ các email và băng ghi âm thể hiện việc nhắc nhở bà N. từ trước đến nay.

Tại cuộc gặp gỡ báo chí vào sáng 26.12, nhóm Thân hữu Trần Văn Khê đã đưa ra các văn bản giấy tờ liên quan. Đáng chú ý, có một văn bản cho thấy bà N. cam kết sẽ trả số tiền hơn 800 triệu đồng cho nhóm Thân hữu Trần Văn Khê, chậm nhất vào ngày 1.7.2019. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Quỹ vẫn chưa nhận được tiền chuyển như cam kết của bà N.

Bà Nguyễn Thế Thanh nói thêm: "Điều nghiêm trọng là từ ngày đó đến nay (tháng 12.2023), bà N. không những đã không bàn giao tiền như cam kết mà còn trốn tránh việc liên lạc với nhóm thân hữu, kể cả việc bịa đặt ra một người như bà ta nói với ông Nguyễn Đắc Xuân là “đang giữ số tiền phúng điếu". Sự bịa đặt này đã được ông Nguyễn Đắc Xuân điều tra, vạch rõ ít lâu sau đó. Việc né tránh kéo dài của bà N. đã khiến cho quá trình xin phép thành lập Quỹ Trần Văn Khê chậm trễ trong 6 năm, kể từ 2015. Vì thiếu số tiền phúng điếu mà bà N. chiếm giữ nên nhóm Thân hữu đã phải tìm đơn vị đồng hành có tiềm lực tài chính và tấm lòng đối với văn hóa để cùng thành lập Quỹ Học bổng Trần Văn Khê”.

Đại diện nhóm Thân hữu Trần Văn Khê cho biết thêm, nếu như việc kêu gọi bà N. tự nguyện bàn giao lại số tiền cho Quỹ Trần Văn Khê không thành công thì nhóm sẽ tiến hành khởi kiện ra tòa theo quy định của pháp luật.

Để có thêm thông tin, phóng viên Một Thế Giới nhiều lần gọi cho bà N. theo số điện thoại mà nhóm Thân hữu Trần Văn Khê cung cấp, tuy nhiên, số thuê bao không liên lạc được.

Một Thế Giới sẽ tiếp tục cập nhật để bạn đọc theo dõi.

Bài liên quan
Thành lập Quỹ Học bổng theo di nguyện của cố GS.TS Trần Văn Khê
Quỹ Học bổng Trần Văn Khê ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.TS Trần Văn Khê (24.7.1921 – 24.7.2021).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền phúng điếu bị chiếm dụng khiến Quỹ học bổng Trần Văn Khê bị chậm trễ