Theo ấn phẩm Nature Biotechnology, các nhà khoa học ở Đại học hoàng gia London, Anh, đã có thể chỉnh sửa bộ gien của muỗi gây bệnh sốt rét, khiến chúng bị tiêu diệt.
Đồng thời, những thay đổi kích thích việc tiêu diệt muỗi có thể nhanh chóng lan truyền giữa các quần thể muỗi hoang dã. Họ đã sử dụng phương pháp Gene drive dựa trên công nghệ chỉnh sửa gien CRISPR để biến đổi gien dsx chịu trách nhiệm về hành vi giao phối của muỗi đực và muỗi cái, quyết định sự khác biệt trong cấu tạo giải phẫu của muỗi.
Những con đực mang gien biến đổi không cho thấy bất kỳ thay đổi nào. Cũng không tìm thấy bất kỳ thay đổi nào ở muỗi cái chỉ mang một bản sao của gien biến đổi. Tuy nhiên, sự hiện diện của hai bản sao gien ở muỗi cái dẫn đến thực tế là muỗi bắt đầu sở hữu cả hai giới tính đực và cái. Kết quả là chúng không đốt và không đẻ trứng. Tóm lại, chỉnh sửa gien đã giúp chặn đứng chức năng sinh sản ở muỗi cái. Dần dần, số lượng muỗi nuôi để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm mô phỏng điều kiện khí hậu nhiệt đới đã chết hết do không có thế hệ con.
Như vậy, các chuyên gia đã thành công trong việc tiêu diệt các quần thể muỗi sốt rét A. gambiaetrong phòng thí nghiệm chỉ qua từ 7 đến 11 thế hệ. Trong tương lai, các nhà khoa học có kế hoạch tiến hành thử nghiệm trong điều kiện gần với môi trường tự nhiên. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng muốn thử nghiệm phương pháp chỉnh sửa gien trên quần thể muỗi lớn hơn.
Vũ Trung Hương