Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, đặt câu hỏi về các giá trị của TikTok bằng cách viện dẫn luận điệu chống Trung Quốc đã trở thành thương hiệu của các nhà làm luật muốn cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này ở Mỹ.

‘TikTok có thể hoạt động ở Mỹ, còn Meta không thể vận hành các dịch vụ tại Trung Quốc’

Sơn Vân | 26/04/2023, 11:00

Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms, đặt câu hỏi về các giá trị của TikTok bằng cách viện dẫn luận điệu chống Trung Quốc đã trở thành thương hiệu của các nhà làm luật muốn cấm ứng dụng chia sẻ video ngắn này ở Mỹ.

TikTok, một công ty Trung Quốc cực kỳ thành công, năng động và sáng tạo, có thể hoạt động ở Mỹ, nhưng các công ty như Meta không thể vận hành các dịch vụ truyền thông xã hội của chúng tôi ở Trung Quốc. Vì vậy có vấn đề về việc thiếu sân chơi bình đẳng. Cuối cùng, luôn có một vấn đề cơ bản về giá trị: Giá trị nào là nền tảng của các công nghệ mới?”, Nick Clegg cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 25.4 với Bloomberg TV.

Thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ ByteDance (Trung Quốc) nhưng TikTok tuyên bố không bị chính phủ Trung Quốc thao túng và đang ngăn chặn các hoạt động nhạy cảm để đặt tất cả dữ liệu cùng nhân viên tại Mỹ.

TikTok cũng không có sẵn ở Trung Quốc, thay vào đó là ứng dụng chị em Douyin. Tuy nhiên, TikTok vẫn chưa thể loại bỏ được các lo ngại về quyền sở hữu của mình và liệu điều đó có mở ra khả năng bị chính phủ Trung Quốc thu thập dữ liệu hay không.

Nhận xét của Nick Clegg lặp lại quan điểm diều hâu xoay quanh Trung Quốc và mối liên hệ của TikTok với quốc gia châu Á.

Thu hút được 150 triệu người dùng mỗi tháng tại Mỹ, TikTok đang phải đối mặt với đánh giá an ninh quốc gia và luật có thể hạn chế tính khả dụng của nó ở nước này.

Nick Clegg cho biết có “sự khác biệt khá sâu sắc về giá trị” trong cách Trung Quốc nhìn nhận công nghệ và quyền riêng tư cá nhân, gồm cả việc nước này sẵn sàng phong tỏa phần lớn internet của mình để ngăn người dùng truy cập các mạng xã hội và ứng dụng nước ngoài.

Điều này cũng đã mở rộng sang các cuộc thảo luận về các công nghệ AI mới, theo Nick Clegg. “Các nhà chức trách Trung Quốc đã gấp rút đưa vào các giá trị của họ và cách các hệ thống trí tuệ nhân tạo được phát triển”, ông cho hay.

Nick Clegg nói thêm: “Điều quan trọng là châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ không cần phải hành động theo cách hoàn toàn giống nhau. Thế nhưng nếu họ cùng hợp tác, chúng ta có thể đảm bảo rằng những công nghệ mới này dựa trên các giá trị dân chủ chứ không phải tất cả giá trị chuyên quyền. Tôi nghĩ chúng ta cần phải làm điều gì đó khác hẳn”.

capture1.jpg
Nick Clegg, người đứng đầu các vấn đề toàn cầu của Meta Platforms

Ấn Độ đã cấm TikTok hoàn toàn ở nước này. TikTok có nguy cơ bị cấm ở Mỹ nếu chủ sở hữu Trung Quốc không bán cổ phần.

Meta Plaforms sẽ hưởng lợi nếu Mỹ cấm TikTok. Công ty mẹ của Facebook đã sao chép tính năng cốt lõi của TikTok và tạo thành Reels, luồng video ngắn dựa trên sở thích người dùng.

Theo hãng thống kê Sensor Tower, người dùng TikTok dành nhiều thời gian hơn trên ứng dụng này so với bất kỳ đối thủ nào khác với trung bình 95 phút mỗi ngày. Con số đó gần gấp đôi thời gian 51 và 49 phút mà người dùng dành cho Instagram và Facebook của Meta Platforms.

Meta Platforms từng chống lại TikTok trong quá khứ. Năm ngoái, tờ Washington Post đưa tin Meta Platforms đã trả tiền cho công ty tư vấn Targeted Victory của đảng Cộng hòa để phỉ báng TikTok trong các bài viết và thư gửi tới các tờ báo trên khắp nước Mỹ, gọi TikTok là mối đe dọa với sức khỏe của giới trẻ. Trong các cuộc trao đổi đó không có bất kỳ đề cập nào đến Reels của Meta Platforms, luồng video tương tự như những gì TikTok cung cấp.

Nhiều nhà làm luật và người dùng phản đối các giá trị của Meta Platforms, cho rằng công ty ưu tiên lợi nhuận hơn là sức khỏe tinh thần và quyền riêng tư dữ liệu của những sử dụng công nghệ của họ, đồng thời không ngăn chặn được các chiến dịch tác động trên nền tảng của mình. Trong nửa thập kỷ qua, lãnh đạo Meta Platforms đã phải đối mặt với một loạt phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, gần nhất là vào mùa thu năm ngoái.

Hôm 20.4, Evan Spiegel, Giám đốc điều hành Snap, cho biết công ty mong muốn Mỹ cấm TikTok nhưng chỉ trong thời gian ngắn.

Khi được một phóng viên hỏi tại Hội nghị thượng đỉnh đối tác Snap rằng liệu có nghĩ rằng Quốc hội Mỹ nên cấm TikTok hay không, Evan Spiegel trả lời: "Chúng tôi rất thích điều đó, trong thời gian ngắn. Trong ngắn hạn, đó là thứ sẽ giúp ích cho chúng tôi".

Tuy nhiên, Evan Spiegel cũng thừa nhận rằng lệnh cấm TikTok có thể tạo tiền lệ nguy hiểm cho các nền tảng khác.

"Tôi nghĩ rằng có một số câu hỏi lớn về ý nghĩa lâu dài của việc tách riêng một hãng công nghệ. Thay vào đó nên phát triển một hệ thống quản lý toàn diện hơn", ông nói.

Theo Evan Spiegel, thay vì chỉ đơn thuần cấm một hãng công nghệ thì Mỹ nên phát triển hệ thống quy định rộng hơn để giải quyết các vấn đề về dữ liệu, quyền riêng tư, thông tin sai lệch và an toàn cho trẻ em trên nhiều nền tảng khác nhau.

TikTok đã bị Mỹ xem xét kỹ lưỡng từ năm 2020 và đang trong tầm ngắm của Quốc hội. TikTok có thể bị cấm nếu chủ sở hữu Trung Quốc của ứng dụng không bán cổ phần của họ, theo trang The Wall Street Journal.

Các nhà làm luật Mỹ lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, việc lan truyền thông tin sai lệch và sự an toàn của trẻ vị thành niên. Những lo ngại về dữ liệu và quyền riêng tư đã được khơi dậy bởi mối quan hệ của TikTok với chính phủ Trung Quốc thông qua công ty mẹ ByteDance có trụ sở ở Bắc Kinh.

Tuần trước, Montana đã trở thành bang đầu tiên ở Mỹ thông qua dự luật cấm TikTok.

Evan Spiegel cho biết tại sự kiện: “Điều quan trọng với chúng ta là phải suy nghĩ thấu đáo và thực sự phát triển một khung pháp lý để giải quyết các vấn đề về an ninh, đặc biệt là về công nghệ. Tôi nghĩ dựa trên thông tin được công khai, có những lo ngại về an ninh quốc gia vượt xa suy nghĩ của tôi".

TikTok cực kỳ phổ biến, gây áp lực lên các nền tảng truyền thông xã hội khác để bắt chước thành công của nó.

Ban đầu được gọi là Snapchat, Snap đã cố gắng bắt kịp thành công của TikTok bằng cách tung ra chương trình người sáng tạo và nguồn cấp dữ liệu video dạng ngắn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘TikTok có thể hoạt động ở Mỹ, còn Meta không thể vận hành các dịch vụ tại Trung Quốc’