Hôm 2.10, Ủy ban châu Âu yêu cầu TikTok, YouTube, Snapchat cung cấp thông tin về các tham số mà thuật toán của họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng và vai trò của chúng trong việc làm gia tăng một số rủi ro hệ thống, liên quan đến quá trình bầu cử, sức khỏe tinh thần và bảo vệ trẻ em vị thành niên.
Thế giới số

TikTok, YouTube, Snapchat nhận yêu cầu cung cấp thông tin về thuật toán đề xuất nội dung

Sơn Vân 02/10/2024 20:35

Hôm 2.10, Ủy ban châu Âu yêu cầu TikTok, YouTube, Snapchat cung cấp thông tin về các tham số mà thuật toán của họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng và vai trò của chúng trong việc làm gia tăng một số rủi ro hệ thống, liên quan đến quá trình bầu cử, sức khỏe tinh thần và bảo vệ trẻ em vị thành niên.

"Các yêu cầu được đưa ra theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) cũng liên quan đến những biện pháp trên nền tảng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiềm ẩn từ hệ thống đề xuất của họ với việc phát tán nội dung bất hợp pháp, chẳng hạn quảng bá ma túy và ngôn từ kích động thù địch", Ủy ban châu Âu tuyên bố.

Ủy ban châu Âu cho biết đã yêu cầu TikTok cung cấp thêm thông tin về các biện pháp mà công ty đã áp dụng để ngăn chặn những kẻ xấu thao túng ứng dụng,giảm thiểu rủi ro liên quan đến bầu cử và diễn ngôn dân sự.

Diễn ngôn dân sự là thuật ngữ chỉ các cuộc thảo luận, tranh luận hoặc trao đổi quan điểm về các vấn đề xã hội, chính trị và công cộng giữa các công dân trong cộng đồng. Diễn ngôn này nhấn mạnh sự tôn trọng, xây dựng và hợp tác giữa các bên tham gia, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tìm ra giải pháp cho những vấn đề chung. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển xã hội dân chủ và góp phần vào các quá trình ra quyết định công.

Liên minh châu Âu (EU) cho biết các hãng công nghệ phải cung cấp thông tin theo yêu cầu trước ngày 15.11, sau đó Ủy ban châu Âu sẽ quyết định các bước tiếp theo, có thể gồm cả tiền phạt.

Trước đó, EU bắt đầu các quy trình pháp lý nhằm xác định xem các hãng công nghệ lớn có tuân thủ quy định của DSA hay không, yêu cầu họ phải hành động nhiều hơn để giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại trên nền tảng. Các vấn đề này liên quan đến những gợi ý nội dung mà Facebook và Instagram của Meta Platforms, AliExpress và TikTok cung cấp cho người dùng.

tiktok-youtube-snapchat-nhan-yeu-cau-cung-cap-thong-tin-ve-thuat-toan-de-xuat-noi-dung.jpg
Ủy ban châu Âu yêu cầu TikTok, YouTube, Snapchat cung cấp thông tin về các tham số mà thuật toán của họ sử dụng để đề xuất nội dung cho người dùng - Ảnh: Internet

Cuối tháng 2, EU bắt đầu điều tra xem liệu TikTok có vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến nhằm bảo vệ trẻ em và đảm bảo tính minh bạch trong quảng cáo hay không, khiến nền tảng truyền thông xã hội của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc) có nguy cơ bị phạt nặng, theo hãng tin Reuters.

Thierry Breton, người đứng đầu ngành công nghiệp EU, cho biết ông đã đưa ra quyết định sau khi phân tích báo cáo đánh giá rủi ro của TikTok và câu trả lời của ứng dụng này với các yêu cầu cung cấp thông tin.

“Chúng tôi mở một cuộc điều tra về TikTok vì bị nghi ngờ vi phạm tính minh bạch và nghĩa vụ bảo vệ trẻ vị thành niên: Giới hạn thời gian sử dụng và thiết kế gây nghiện, hiệu ứng lỗ thỏ, xác minh độ tuổi, cài đặt quyền riêng tư mặc định”, Thierry Breton viết trên X.

DSA đặc biệt yêu cầu các nền tảng trực tuyến và công cụ tìm kiếm rất lớn phải hành động nhiều hơn để giải quyết nội dung trực tuyến bất hợp pháp và các rủi ro với an ninh công cộng. DSA áp dụng cho tất cả nền tảng trực tuyến kể từ ngày 17.2.

ByteDance có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu nếu TikTok bị kết tội vi phạm các quy tắc DSA.

TikTok cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các chuyên gia và ngành để giữ an toàn cho những người trẻ tuổi trên nền tảng của mình. Công ty Trung Quốc mong muốn được giải thích chi tiết công việc này với Ủy ban châu Âu.

Người phát ngôn của TikTok nói: “TikTok đã đi tiên phong về các tính năng và cài đặt để bảo vệ thanh thiếu niên và ngăn chặn trẻ em dưới 13 tuổi tham gia nền tảng, những vấn đề mà toàn ngành đang phải giải quyết”.

Ủy ban châu Âu cho biết cuộc điều tra sẽ tập trung vào thiết kế hệ thống của TikTok, gồm cả các hệ thống thuật toán có thể kích thích chứng nghiện hành vi và tạo ra “hiệu ứng lỗ thỏ”.

“Hiệu ứng lỗ thỏ ám” chỉ đến cách sử dụng nội dung được thiết kế để đưa người dùng đi sâu hơn vào nền tảng, giống như việc Alice rơi xuống hố thỏ trong tác phẩm Alice in Wonderland. Nó có thể bao gồm các chiến thuật sau:

Thuật toán theo dõi hành vi: Thu thập thông tin về sở thích và tương tác của người dùng để cá nhân hóa nội dung và đề xuất, khiến họ muốn xem nội dung tiếp theo càng lúc càng lâu.

Thiết kế gây nghiện: Sử dụng các tính năng như tự động phát lại, nội dung bất tận và thông báo đẩy để khiến người dùng liên tục quay lại và sử dụng ứng dụng.

Nội dung kích thích: Sử dụng nội dung gây tò mò, tranh cãi, hoặc kích thích cảm xúc để thu hút sự chú ý và giữ chân người dùng.

Thiếu điểm kiểm soát: Cung cấp ít tùy chọn điều khiển thời gian sử dụng hoặc nội dung được hiển thị, khiến người dùng khó thoát khỏi vòng lặp nội dung được đề xuất.

Việc sử dụng hiệu ứng lỗ thỏ có cả mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là có thể giúp người dùng khám phá nội dung mới và thú vị, nhưng mặt tiêu cực là có thể gây nghiện và ảnh hưởng đến thời gian dành cho các hoạt động khác trong cuộc sống.

Ủy ban châu Âu cũng sẽ thăm dò xem liệu TikTok có đưa ra các biện pháp thích hợp và tương xứng để đảm bảo mức độ riêng tư, an toàn và bảo mật cao cho trẻ vị thành niên hay không. Ngoài vấn đề bảo vệ trẻ vị thành niên, ủy ban này đang xem xét liệu TikTok có cung cấp cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về quảng cáo trên nền tảng của mình không, để các nhà nghiên cứu có thể xem xét kỹ lưỡng các rủi ro trực tuyến tiềm ẩn.

Động thái trên đánh dấu cuộc điều tra về DSA thứ hai sau khi nền tảng truyền thông xã hội X (thuộc sở hữu Elon Musk) lọt vào tầm ngắm của EU vào tháng 12.2023.

Các gã khổng lồ công nghệ Mỹ gặp hạn ở EU

Thời gian qua, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ liên tục gặp tin xấu từ EU.

Hôm 10.9, Google đã thua cuộc chiến cuối cùng chống lại khoản phạt 2,42 tỉ USD được áp đặt vì sử dụng dịch vụ so sánh giá mua sắm của mình để có được lợi thế không công bằng trước các đối thủ nhỏ hơn ở châu Âu. Người đứng đầu Ủy ban châu Âu cho biết kết quả này là chất xúc tác cho sự thay đổi để cơ quan này chủ động hơn trong việc quản lý các hãng công nghệ lớn và đảm bảo một thị trường kỹ thuật số công bằng hơn.

Một tuần sau, Google đã thắng kiện chống lại khoản phạt chống độc quyền 1,49 tỉ euro (tương đương 1,66 tỉ USD) được áp đặt cách đây 5 năm vì cản trở các đối thủ cạnh tranh trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến, một tuần sau khi thua vụ kiện lớn hơn.

tiktok-youtube-snapchat-nhan-yeu-cau-cung-cap-thong-tin-ve-thuat-toan-de-xuat-noi-dung1.jpg
Apple và Google chịu khoản phạt lớn ở EU - Ảnh: Internet

Hôm 10.9, Apple đã thua kiện chống lại lệnh của cơ quan quản lý cạnh tranh EU yêu cầu công ty phải trả 13 tỉ euro (14,4 tỉ USD) tiền thuế truy thu cho Ireland.

Ủy ban châu Âu đã ban hành lệnh này vào năm 2016, nói rằng Apple đã được hưởng lợi từ hai phán quyết thuế của Ireland trong hơn hai thập kỷ, giúp giảm gánh nặng thuế cho công ty xuống mức thấp tới 0,005% vào năm 2014.

Apple nói rằng lệnh truy thu thuế kỷ lục của EU không hợp lý, không phản ánh đúng bản chất tình hình. Ireland, nơi có mức thuế suất thấp giúp thu hút các hãng công nghệ lớn đến thành lập trụ sở chính tại châu Âu, cũng đã phản đối phán quyết của EU.

Tòa án Công lý EU đã đứng về phía người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của EU là Margrethe Vestager.

"Tòa án Công lý đã đưa ra phán quyết cuối cùng về vấn đề này và xác nhận quyết định năm 2016 của Ủy ban châu Âu: Ireland đã cấp cho Apple khoản viện trợ bất hợp pháp mà Ireland phải thu hồi", các thẩm phán cho biết.

Apple bày tỏ sự thất vọng với phán quyết này.

"Ủy ban châu Âu đang cố gắng thay đổi quy tắc một cách hồi tố và phớt lờ rằng, theo quy định của luật thuế quốc tế, thu nhập của chúng tôi đã chịu thuế tại Mỹ", công ty cho biết. Đây là phán quyết cuối cùng và không thể kháng cáo.

Hồi tháng 3, Apple bị Ủy ban châu Âu phạt với đến 1,8 tỉ euro (khoảng 2 tỉ USD).

Quyết định của Ủy ban châu Âu dựa trên vụ kiện từ dịch vụ phát nhạc trực tuyến Spotify năm 2019 về hạn chế do Apple đặt ra và mức phí lên đến 30% trên App Store.

Margrethe Vestager, Giám đốc Cơ quan chống độc quyền của EU, tuyên bố: "Apple đã áp dụng các hạn chế với các nhà phát triển ứng dụng, ngăn họ thông báo cho người dùng hệ điều hành iOS về các dịch vụ đăng ký nhạc thay thế và rẻ hơn có sẵn bên ngoài hệ sinh thái của Apple. Điều này là bất hợp pháp theo các quy định chống độc quyền của EU".

Theo cơ quan này, hành vi của Apple, kéo dài gần 10 năm, có thể khiến nhiều người dùng iOS phải trả mức giá cao hơn đáng kể cho các đăng ký phát nhạc trực tuyến vì phí hoa hồng cao mà họ áp đặt cho các nhà phát triển, và khoản phí này được chuyển sang người tiêu dùng.

Ủy ban châu Âu cũng yêu cầu Apple gỡ bỏ các hạn chế trên App Store, tuân thủ các quy tắc công nghệ mới của EU được gọi là Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) kể từ ngày 7.3.

Mức phạt này lớn hơn rất nhiều so với dự đoán. Theo Reuters, nó bao gồm mức phạt cơ bản 40 triệu euro (hơn 43 triệu USD), mà bà Margrethe Vestager ví là chỉ bằng "vé phạt đậu xe" với Apple.

Mức phạt 1,8 tỉ euro được áp dụng như biện pháp ngăn chặn, song cũng chỉ tương đương 0,5% doanh thu toàn cầu của Apple. Trong 3 tháng cuối năm 2023, Apple kiếm được 33,92 tỉ USD.

Apple chỉ trích phán quyết của EU và nói rằng sẽ thách thức quyết định này trước tòa.

Đối tượng ủng hộ chính cho quyết định này và hưởng lợi lớn nhất là Spotify, công ty có trụ sở tại Stockholm, thủ đô Thụy Điển. Spotify có ứng dụng phát nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới và đã gặp Ủy ban câu Âu hơn 65 lần trong cuộc điều tra này.

Apple nói rằng Spotify không phải trả tiền hoa hồng cho hãng vì bán các gói đăng ký trên trang web của mình chứ không phải trên App Store.

Cuối tháng 9, Meta Platforms bị phạt phạt 101,5 triệu USD vì lưu 600 triệu mật khẩu Facebook và Instagram không an toàn.

Facebook thừa nhận đã lưu trữ hàng trăm triệu mật khẩu mà không mã hóa vào thời điểm tháng 4.2019. Mạng xã hội hiện thuộc Meta Platforms cho biết những mật khẩu này không bị lộ ra ngoài, nhưng cũng thừa nhận có đến 2.000 kỹ sư đã thực hiện khoảng 9 triệu truy vấn trên cơ sở dữ liệu người dùng này.

Đây là nguyên nhân Meta Platforms bị phạt 101,5 triệu USD sau cuộc điều tra kéo dài 5 năm bởi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland (DPC), được áp dụng theo Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) ở châu Âu. DPC cho biết từ lâu giới bảo mật đã đồng thuận rằng mật khẩu người dùng không nên được lưu dưới dạng văn bản vì những rủi ro có thể phát sinh từ việc kẻ xấu có thể truy cập. Trường hợp này của Meta Platforms là đặc biệt nhạy cảm vì có thể cho phép truy cập vào tài khoản mạng xã hội của người dùng.

Hồi tháng 5, Meta Platforms bị EU phạt 1,3 tỉ USD vì vi phạm quy định GDPR liên quan đến việc chuyển dữ liệu người dùng châu Âu và Mỹ. Công ty mẹ Facebook đang kháng cáo phán quyết này.

Bài liên quan
TikTok - Amazon hợp tác trong mảng mua sắm trực tuyến, làm nóng cuộc chiến với Shein và Temu
TikTok vừa ký kết một thỏa thuận với Amazon cho phép người dùng có thể trực tiếp mua hàng từ gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ thông qua ứng dụng video ngắn phổ biến thuộc sở hữu của tập đoàn ByteDance (Trung Quốc).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
một giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TikTok, YouTube, Snapchat nhận yêu cầu cung cấp thông tin về thuật toán đề xuất nội dung