Các nhà khoa học Trung Quốc xác định được một tổ hợp vi khuẩn có khả năng phân hủy polythene - một trong những loại nhựa phổ biến nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhiều vùng biển trên thế giới.

Tìm ra tổ hợp vi khuẩn ‘ăn’ nhựa hiệu quả

Cẩm Bình | 03/05/2021, 08:34

Các nhà khoa học Trung Quốc xác định được một tổ hợp vi khuẩn có khả năng phân hủy polythene - một trong những loại nhựa phổ biến nhất hành tinh, gây ô nhiễm nhiều vùng biển trên thế giới.

Đặc tính ăn nhựa của vi khuẩn đã được biết đến rộng rãi, tuy nhiên nghiên cứu được Viện Hải dương học (Học viện Khoa học Trung Quốc - IOCAS) thực hiện là nghiên cứu đầu tiên thiết lập mối liên hệ trực tiếp giữa vi khuẩn với polythene (PE).

Nhóm nhà khoa học IOCAS do tiến sĩ Tôn Siêu Mân đứng đầu đưa vi khuẩn vào các mẫu PE và polyethylene terephthalate (PET). PET là nguyên liệu làm chai lọ, PE được sử dụng làm túi.

Qua nhiều lần thử nghiệm, họ tìm ra tổ hợp 3 loại vi khuẩn phân hủy PE lẫn PET đáng kể, bắt đầu gây ra vết nứt lớn cùng lỗ sâu trên mẫu sau 7 ngày.

1-s2.0-s030438942100892x-gr2_lrg.jpg
Vết nứt cùng lỗ sâu trên mẫu PE và PET sau 7 ngày bị tổ hợp vi khuẩn phân hủy - Ảnh: Science Direct

Tổ hợp gây phân hủy gồm exiguobacterium, halomonas, ochrobactrum. Kết hợp chúng theo tỷ lệ 1: 1: 1, nhóm nhà khoa học khiến mẫu PET lẫn mẫu PE phân hủy thành mảnh nhỏ sau 14 ngày.

Giáo sư công nghệ sinh học Wolfgang Streit thuộc Đại học Hamburg (Đức) đánh giá phát hiện trên rất thú vị.

“Giới khoa học hiểu rõ cách thức làm phân hủy PET, nhưng lâu nay không có loại enzyme đơn lẻ nào phân hủy được PE. Khả năng của tổ hợp vi khuẩn ông Tôn tìm ra là phương án tốt nhất tôi từng thấy”, theo Giáo sư Streit.

plasitc02.jpg
Đến nay giới khoa học đã tìm được hơn 430 loại vi sinh vật có khả năng phân hủy các loại nhựa khác nhau - Ảnh: SCMP

Theo nhà sáng lập tổ chức môi trường Ocean Recovery Alliance (Hồng Kông) Douglas Woodring: “Tôi không bác bỏ khám phá mới, nhưng chúng ta không nên quá phấn khích và đặt tất cả hy vọng vào một giải pháp. Chúng ta có công nghệ cần thiết để giải quyết khủng hoảng ô nhiễm nhựa, nhưng chúng hiện không được dùng tới”.

Ông nói thêm: “PET là loại nhựa dễ thu thập và tái chế nhất, tuy vậy ta vẫn chưa thể thu thập và tái chế đủ nhiều với quy mô lớn tương xứng lượng chai nhựa đưa ra sử dụng”.

Chủ tịch sáng kiến tái chế nhựa Drink Without Waste Paul Zimmerman lưu ý đến một khía cạnh khác: “Thu thập nhựa từ đại dương quá tốn kém. Đưa vi khuẩn phân hủy nhựa ra đại dương tạo ra nguy cơ làm thay đổi môi trường tự nhiên, gây hậu quả không lường trước được”.

plastic00(1).jpg
Số rác thải nhưa được thu thập và tái chế chẳng thấm vào đâu so với lượng sản phẩm nhựa được đưa ra sử dụng - Ảnh: SCMP

Ước tính mỗi năm có khoảng 5 triệu tấn bao bì bằng nhựa đổ ra đại dương . Ô nhiễm nhựa gây ra cái chết của khoảng 1 triệu con chim và 10.000 động vật biển hằng năm, trong đó PE cùng PET là "thủ phạm" chính. Giới khoa học hiện vẫn đang tìm biện pháp giải quyết rác thải nhựa một cách thân thiện với môi trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tìm ra tổ hợp vi khuẩn ‘ăn’ nhựa hiệu quả