Ngồi thẫn thờ nhìn vào tờ giấy chủ quyền của mảnh đất ở Bình Dương, ông Lâm , giám đốc một cty BĐS ở quận Tân Bình, TPHCM, chỉ còn biết thở dài và ký vào tờ giấy đồng ý sang nhượng để cấn trừ vào khoảng lãi cho số tiền mà ông vay nóng để đáo hạn.

Tín dụng “đen” rình rập thị trường

Một Thế Giới | 04/10/2013, 19:30

Ngồi thẫn thờ nhìn vào tờ giấy chủ quyền của mảnh đất ở Bình Dương, ông Lâm , giám đốc một cty BĐS ở quận Tân Bình, TPHCM, chỉ còn biết thở dài và ký vào tờ giấy đồng ý sang nhượng để cấn trừ vào khoảng lãi cho số tiền mà ông vay nóng để đáo hạn.

           

Chỉ với một tờ giấy vay nợ sơ sài, người ta có thể cho nhau vay hàng tỷ đồng thậm chí đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là khó có thể tìm thấy bất cứ một thỏa thuận nào về mức lãi suất cho vay, cùng lắm cũng chỉ tìm thấy nội dung này bằng bốn từ “mức lãi thỏa thuận”.

Thế nhưng, sự thực đằng sau những tờ giấy vay nợ này là những thỏa thuận ngầm theo nguyên tắc của tín dụng “đen”. Mức lãi vay được thỏa thuận thường cao hàng chục lần so mức vay của ngân hàng.

Từ vay tiền tỉ…

Khoảng hai năm trước, công ty BĐS của ông Lâm làm ăn khá phát đạt. Đến khi thị trường bất động sản “đóng băng”, vốn liếng lại nằm hết trong bất động sản nên anh đánh liều vay nóng để chuyển ngành nghề khác làm ăn. Chưa đầy một năm lao vào vòng xoáy vay nóng, toàn bộ tài sản, xe hơi… đã lần lượt “đội nón” ra đi.

Phải đáo nợ ngân hàng cho các khoản vay đầu tư BĐS trước đây, ông Lâm chấp nhận khoản vay của một công ty gắn mác công ty tài chính tư nhân với lãi suất 15%/tháng (trả lãi trước, thỏa thuận miệng, có thời hạn là 60 ngày).

Thủ tục vay mượn là phải làm giấy chuyển nhượng tài sản – bán nhà – có công chứng và một giấy nhận tiền viết ngoài chưa ghi số tiền là bao nhiêu. Đến tận bây giờ ông Lâm vẫn cảm thấy kinh hoàng khi hàng tháng phải trả tới hơn trăm triệu đồng tiền lãi với số tiền vay gần một tỷ đồng.

“Trong lúc quá khó khăn, tôi theo bạn bè đầu tư vào một lĩnh vực khác hy vọng sẽ kiếm được chút lời để bù đắp vào khoảng vốn đã lỡ chôn vào BĐS. Ngờ đâu thất bại hoàn toàn, còng lưng trả nợ mới, nợ cũ. Đến khi không còn khả năng trả lãi buộc phải bán xe, bán nhà đi để trả. Trong chốc lát hàng trăm mét vuông đất có giá trên thị trường hàng tỷ đồng đã mất trắng với giá rẻ mạt”, ông Lâm buồn rầu.

giao dien mot trang web cua dich vu tin dung

Giao diện một trang web của dịch vụ tín dụng “đen”. Anh: Internet

Cách đây một năm, thấy công ty in ấn và quảng cáo của mình quản lý đang làm ăn phát đạt và có nhiều hợp đồng lớn, anh Tr. lên kế hoạch mở rộng lĩnh vực kinh doanh.  Tuy nhiên, muốn gì thì cũng phải nói đến vốn.

Trong khi ngân hàng thì không thể vay được vì đã hết tài sản để cầm cố, anh đã được người quen giới thiệu đến một công ty tài chính tư nhân chấp nhận cho vay theo giấy phép đăng ký kinh doanh để vay tiền.

Dù biết rằng số tiền lãi sẽ rất cao nhưng  hy vọng các hợp đồng kia sẽ mang lại lợi nhuận nhiều lần hơn có thể bù đắp được nên anh cũng đành chấp nhận để không bỏ lỡ cơ hội. Thế nhưng, việc kinh doanh không xuôi chèo.

Hợp đồng thực hiện xong nhưng không lấy được tiền, đã hơn nửa năm trôi qua mà anh vẫn chưa trả được một đồng tiền gốc nào, trong khi vẫn phải quay cuồng trả khoản lãi. Cứ thế, lãi mẹ đẻ lãi con, từ khoản vay ban đầu, sau nửa năm, tổng số nợ tín dụng đen đã tăng gấp đôi.

Trong khi chủ nợ liên tục dồn ép, anh lại chạy đi vay của người khác với tiền lãi cao hơn để đập vào khoản vay cũ. Sau hơn một năm, anh đã là con nợ của gần chục chủ nợ với số tiền xấp xỉ 10 tỷ đồng.

Quyền lực và luật “chơi” của loại hình tín dụng đen không nằm ở những hợp đồng tín dụng. Lãi suất vay do hai bên thỏa thuận dao động từ 3,5% – 20%/tháng tùy theo từng khỏan vay nhưng trong giấy tờ chỉ là vay thường, không ghi mức lãi suất.

Để vay được tiền thì người vay phải làm hợp đồng bán tài sản hoặc bất động sản thay vì làm hợp đồng vay tiền và người vay chỉ được vay trị giá 50% đến 60% trị giá tài sản. Nếu quá hạn mà người vay không thanh toán được thì chủ cho vay sẽ thanh lý tài sản, người vay phải làm giấy sang tên chuyển nhượng quyền sử dụng bất động sản cho “chủ nợ”.

…đến vay tiêu dùng

Chỉ cần một cái gõ chuột trên Google, những người có nhu cầu vay tiêu dùng sẽ có đến hàng nghìn sự lựa chọn. Trên nhiều đường phố, nhan nhản tại các cột đèn, gốc cây… ngày càng nhiều những tờ rơi, quảng cáo dịch vụ cho vay không cần thế chấp tài sản với mức lãi suất rất “khiêm tốn”, thời gian giải ngân nhanh chóng. Các mẫu quảng cáo này luôn kèm theo số điện thoại di động của các cá nhân đều là của các công ty tài chính tư nhân, hiệu cầm đồ…

Mọi người có thể dễ dàng nhận thấy những dòng quảng cáo không cần phải lòng vòng như  “ Sản phẩm vay tiền của chúng tôi dành cho các khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng , vay tiền nóng , vay tiền nhanh ,vay tiền trả góp ,cho sinh viên vay với số tiền nhỏ sử dụng tiền để giải quyết nhu cầu cá nhân ,cần tiền gấp để giải quyết công việc nên chúng tôi chỉ cho vay từ 3.000.000đ – 30.000.000đ. Do đây là hình thức vay tiền tín chấp nên lãi suất vay phụ thuộc vào hồ sơ của quý khách ,từ 1.8 – 4.2 %/tháng…..”

Vay tiền tại các địa chỉ này rất dễ, hầu như không cần điều kiện, thế chấp. Để cạnh tranh, hàng loạt các trung tâm, cơ sở tín dụng đen nghĩ ra các chiêu trò như: Hỗ trợ sinh viên, người nghèo với mức giá từ 1 – 5 triệu đồng; cho vay thế chấp tài sản, cho vay không thế chấp, giảm phí lãi suất với mức giá ưu đãi, khách vẫn được sử dụng tài sản, xe cộ…

Thậm chí, để khuyếch trương các cơ sở này còn cho những biển hiệu, băng rôn và các tờ rơi được đưa đến tận những hộ dân trên địa bàn thành phố.

Anh Ninh là công nhân cho một công ty xuất nhập khẩu cho biết, biết được thông tin qua tờ rơi quảng cáo cho vay không thế chấp, anh đến Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ D…Sun để vay 30 triệu đồng. Anh chỉ cần mang chiếc xe máy kèm giấy đăng ký xe đến đặt là vay được luôn, với mức phí 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày và cứ 10 ngày phải đến trả lãi một lần. Sau tính ra anh mới giật mình vì mức lãi tương đương với 108%/năm, mỗi tháng phải trả 2,7 triệu đồng tiền lãi

“Lúc vay thấy dễ quá, nhưng lúc trả lãi cao mới thấy khó làm sao. Không trả kịp thì tiền lãi lại được cộng vào khoản vay gốc, nợ lãi sẽ càng cao”, anh Ninh than thở.

Cùng với các kiểu cho vay “tín dụng đen”, các rao vặt, quảng cáo của nhân viên tín dụng các tổ chức tài chính cũng xuất hiện nhan nhản, với đối tượng nhắm tới là người làm trong cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định. Mặt bằng lãi suất  cho vay tiêu dùng của các công ty này lên đến 80%/năm, thậm chí có những khoản vay lãi suất 120%/năm, gấp 10 lần mức của các NHTM và cũng không khác gì lãi suất của vay nóng.

Nhân viên một công ty tài chính cho biết để khách hàng không quá hốt hoảng khi nghe thấy mức lãi suất cho vay bình quân lên đến 4%-5%/tháng, các nhân viên công ty thường chỉ tư vấn cho khách rằng nếu vay trong khoảng thời gian ngắn chỉ cần phải trả một tháng một khoản tiền nhỏ so với mức thu nhập hàng tháng.

Mức lãi suất thực của khoản vay luôn được ghi trong hợp đồng, nhưng do khách hàng không đọc kỹ và do đã được nhân viên tư vấn nói rằng chỉ phải trả một khoản nhỏ mỗi tháng nên nhiều khách hàng đã mạnh dạn ký tên vay. Sau đó, khi về nhà xem lại, khách hàng cộng tất cả các khoản tiền phải trả, chia trở lại cho số tiền vay thì mới thấy lãi suất phải trả lên đến 4%-5%/tháng,tức tương đương 48%-60%/năm. Nếu khoản vay dài hơn một năm thì mức lãi suất sẽ còn cao hơn nữa có khi bằng luôn cả số tiền vay nếu vay trong hai năm. Tuy nhiên, do đã ký hợp đồng rồi nên khách chỉ còn cách phải thực hiện hợp đồng.

“Tín dụng đen” đang xâm lấn vào ngân hàng

Thực tế “tín dụng đen” không chỉ tồn tại ngoài xã hội mà luôn tìm cách len lỏi vào ngân hàng dưới nhiều dạng biến tướng. “Tín dụng đen” là lĩnh vực hấp dẫn đối với những đối tượng tội phạm kinh tế, vì lãi lớn, tránh được thuế và sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì thế, những người có hành vi kinh doanh “tín dụng đen” một số nơi luôn có xu hướng móc nối với cán bộ ngân hàng để thực hiện hành vi trục lợi.

Họ có thể làm trung gian tìm cách bỏ vốn vào phục vụ việc đáo nợ cho những người vay ngân hàng đến hạn, hưởng lãi suất cao từ phía người vay; hoặc những người kinh doanh “tín dụng đen” vì có tài sản mà họ có thể lập dự án (đôi khi là dự án không có thực) để vay ngân hàng, sau đó dùng tiền vay được cho vay bên ngoài với lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng hiện hành…

Bảo Bảo (còn tiếp)

           
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tín dụng “đen” rình rập thị trường