Khi tỉnh Tây Java hứng chịu trận động đất mạnh 5,6 độ richter ngày 21.11, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng cảm nhận được.

Tòa nhà 51 tầng chịu được động đất tại Indonesia

Cẩm Bình | 24/11/2022, 13:40

Khi tỉnh Tây Java hứng chịu trận động đất mạnh 5,6 độ richter ngày 21.11, thủ đô Jakarta của Indonesia cũng cảm nhận được.

Nhiều người chạy khỏi công sở lao ra đường. Vậy mà người trong tòa nhà Menara Astra 51 tầng ở trung tâm Jakarta lại vẫn tiếp tục làm việc.

Menara Astra - với các văn phòng, phòng trưng bày ô tô, cửa hàng và bảo tàng - là công trình đầu tiên tại Indonesia dùng hệ thống khung đai (belt-truss) vốn đã được các quốc gia dễ bị động đất như Nhật Bản hay Mỹ áp dụng từ lâu.

Giám đốc công ty Arup Group Leonardi Kawidjaja - người đứng đầu đội kỹ thuật kiến trúc trong dự án xây dựng Menara Astra - giải thích rằng hệ thống khung đai là liên kết các bức tường lõi với khung bao quanh để giảm rung động và dịch chuyển bên trong tòa nhà.

Tòa nhà cũng có tầng trú ẩn cho tình huống thảm họa nghiêm trọng. Hệ thống khung đai nằm dưới tầng trú ẩn nên càng được bảo vệ hơn nữa.

tg1is20000002vlu(1).jpg
Tòa nhà Menara Astra - Ảnh: Getty Images

Ông Kawidjaja tự tin tuyên bố hệ thống khung đai cho phép Menara Astra chịu được sự kiện địa chấn 500 năm mới xảy ra một lần.

Với quốc gia nằm trên “Vành đai lửa Thái Bình Dương” như Indonesia, Menara Astra có thể là cách chuẩn bị tốt hơn cho thảm họa trong tương lai.

Một công trình phức tạp hơn mang tên Thamrin 9 - cách Menara Astra 20 phút đi ô tô - cũng áp dụng hệ thống khung đai tương tự. Arup cũng đang lắp đặt hệ thống chống đỡ cho hai tòa nhà.

Các tòa nhà sập do cấu trúc yếu là nguyên nhân chính của các trường hợp tử vong trong động đất. Một công trình chịu được động đất sẽ cứu sống rất nhiều người.

Đầu tư cho hạ tầng chịu được động đất cũng có thể giúp tiết kiệm tiền. Cơ quan Quản lý thảm họa quốc gia Indonesia cho biết, nước này năm 2018 chịu thiệt hại hơn 2,7 tỉ USD do động đất tàn phá.

Hạ tầng tại Jakarta từ những năm 1970 đã được thiết kế có tính đến động đất. Nhưng quy chuẩn thiết kế chống chịu động đất từ đó đến nay thay đổi nhiều, công trình cũ giờ đây dễ bị tàn phá hơn công trình mới.

Năm 2012, Indonesia đặt ra tiêu chuẩn quốc gia cho thiết kế kháng chấn và cập nhật hướng dẫn cải thiện khả năng kháng chấn tại công trình lớn. Công trình cao hơn 40 mét ở Jakarta phải được thiết kế theo Quy chuẩn Thiết kế địa chấn quốc gia.

2-figure3-1.png
Hệ thống khung đai - Ảnh: Semantic Scholar

Menara Astra là dự án do PT Astra Land Indonesia - nhà bất động sản hàng đầu đất nước - phát triển.

Thành công của Menara Astra cũng phản ánh một thực tế: khu vực đô thị do sở hữu nhiều nguồn lực hơn nên dễ dàng thực hiện biện pháp bảo vệ, khu vực nông thôn nghèo hơn phải xoay xở với cơ sở hạ tầng kém chất lượng.

Thực tế trên được thấy rõ qua trận động đất tại Tây Java. Ít nhất 271 người thiệt mạng, giới chức Indonesia cho biết nhiều trường hợp thiệt mạng do nhà sập.

Người đứng đầu Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia Dwikorita Karnawati cam kết thực hiện biện pháp bảo vệ nghiêm túc hơn, kể cả xử phạt hành vi vi phạm. Trong nỗ lực tái thiết, chính phủ cam kết hạ tầng mới sẽ chịu được động đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
39 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tòa nhà 51 tầng chịu được động đất tại Indonesia