Ngày 1.4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội

TTXVN | 01/04/2022, 15:25

Ngày 1.4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp.

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi

Đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa 11 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Bộ Chính trị ghi nhận và đánh giá cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế. Kinh tế duy trì tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,83%/năm, bằng 1,15 lần mức tăng trưởng chung của cả nước. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô được cải thiện. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo được dấu ấn quan trọng. Vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao, cả ở trong nước và trên quốc tế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Chính trị đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém: Một số mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng được đặt ra trong Nghị quyết nhưng chưa hoàn thành. GRDP bình quân đầu người thấp hơn so với một số tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Vai trò hạt nhân và trung tâm kinh tế của vùng chưa thật sự rõ nét. Hoạt động liên kết, hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước chưa hiệu quả. An ninh trật tự vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn hạn chế.

Thống nhất ban hành Nghị quyết phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Nhằm phát huy vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị- hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năng động, hiệu quả, vì con người; là trung tâm, động lực thúc đẩy, dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai Thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực. Đến năm 2045, Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, hiện đại, sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực.

Bộ Chính trị yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đoàn kết, quyết tâm, phối hợp cùng với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết; tiếp tục quán triệt, thống nhất, nâng cao nhận thức, đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng và phát triển Hà Nội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển sự nghiệp văn hóa- xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, chủ động nắm bắt những cơ hội; củng cố các mối quan hệ truyền thống, tích cực mở rộng hợp tác với các thủ đô, thành phố trên thế giới. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Thủ đô thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trọng tâm là sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô trong tình hình mới.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, có trách nhiệm và có ý tưởng tốt, mong muốn thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô sắp tới mạnh hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, vai trò, vị thế của Thủ đô đặc biệt quan trọng. Hà Nội là Thủ đô, trái tim của cả nước, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, Thành phố Vì hòa bình. Hà Nội có lịch sử ngàn năm văn hiến, nền văn hóa lâu đời, truyền thống cách mạng vẻ vang; tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam. Hà Nội bây giờ có quy mô lớn, không chỉ có 36 phố phường mà bây giờ đã mở rộng ra rất nhiều. 

Về các ý kiến đồng ý sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trên cơ sở ban hành Nghị quyết phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị lần này, Luật Thủ đô phải bám sát tinh thần của Nghị quyết mới, kế thừa các nội dung còn phù hợp của luật hiện hành và bổ sung các quy định mới để điều chỉnh những cái mới nảy sinh trong thực tiễn, nhằm thực hiện thật tốt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị về phát triển Hà Nội