Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng vụ ATGT - Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút là để phục vụ số đa người tham gia giao thông chứ không phải nhằm mục đích đối phó hay gỡ rối cho các doanh nghiệp làm BOT.
>>Văn bản của Tổng cục Đường bộ cấm dừng xe quá 5 phút trước trạm BOT có trái luật?
Ngày 15.1.2018, Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo các chủ đầu tư BOT, các cục quản lý đường bộ tiến hành lắp đặt biển "Cấm dừng xe quá 5 phút" cách cabin trạm thu phí
Trao đổi với Một Thế Giới xung quanh việc này, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng vụ ATGT - Tổng cục Đường bộ VN cho hay, Tổng cục yêu cầu các đơn vị thực hiện từ khi văn bản được ban hành.
Theo đó, biển cấm sẽ được cắm với khoảng 50 đến 100 m. Biển được lắp trên dải phân cách giữa; lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm khoảng 100 - 200 m.
Trả lời câu hỏi của PV về việc biển “cấm dừng xe quá 5 phút” không có trong quy chuẩn kỹ thuật, ông Lăng khẳng định có được quy định trong điều 46, Quy chuẩn 41 nêu: trong một số trường hợp biển báo không có hình thì sử dụng biển bằng chữ. Ví dụ như: Cấm họp chợ, Cấm đứng chơi trên cầu…
Miễn là các biển báo này có nền đỏ, chữ trắng thì nó vẫn có hiệu lực như các biển cấm khác.
Trả lời câu hỏi, phải chăng đây là động thái “gỡ rối”, đưa ra giải pháp giúp các doanh nghiệp giải bài toán khi người tham gia giao thông sử dụng tiền lẻ trả phí dịch vụ khi qua các trạm thu phí BOT? Ông Lăng nói: Công tác tổ chức giao thông là việc làm thường xuyên của các cơ quan quản lý đường bộ. Mục tiêu là làm thế nào để phục vụ nhân dân đi lại được thuận lợi nhất.
Không chỉ tại các trạm thu phí, mà với tất cả các điểm nào ùn tắc, đường hẹp, khi lưu lượng tham gia giao thông tăng lên thì người ta vẫn có thể cấm dừng, cấm đỗ, cắm biển chỗ rửa xe, quán ăn khi gây ra những ảnh hưởng tới giao thông thì việc cắm biển cấm dừng đỗ 5 hay 10 phút vẫn là việc làm thường xuyên của các cơ quan quản lý đường bộ. Đó là trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng.
Nói về việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút tại các trạm thu giá dịch vụ BOT, ông Lăng cho rằng: việc cắm biển báo này nhằm chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết và sẽ áp dụng lâu dài tại các trạm thu phí.
Theo ông Lăng, trong thời gian qua, có một số trường hợp người tham gia giao thông dừng đỗ gây ảnh hưởng tới số đa những người tham gia giao thông khác trên tuyến. Nhiều người muốn đi cho nhanh khi qua các trạm thu giá, đặc biệt là các xe khách, xe cứu thương, xe chở nông sản, thực phẩm…
Bây giờ mình cắm biển cấm dừng quá 5 phút đó vừa để người tham gia giao thông dễ nhìn thấy, các cơ quan thực thi pháp luật như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông hay những người tổ chức quản lý giao thông có thể hướng dẫn.
Nếu thấy trường hợp lái xe nào cố tình đỗ tại đó, trả tiền lẻ quá 5 phút thì hướng dẫn đưa ra ngoài khu vực cabin để trả tiền để không làm ảnh hưởng đến người khác tham gia lưu thông.
Còn đối với những người tham gia giao thông khác, khi qua các trạm thu giá mà dùng tiền mệnh giá nhỏ, nhưng không phảicố tình dùng tiền mệnh giá nhỏ để trả nhằm gây áp lực giao thông thì vẫn thông thoát bình thường.
Ông Lăng khẳng định, việc cắm biển cấm dừng xe quá 5 phút là để phục vụ số đa người tham gia giao thông chứ không phải nhằm mục đích đối phó hay gỡ rối cho các doanh nghiệp làm BOT.
Thời gian qua, ở nhiều trạm BOT trên toàn quốc đã diễn ra việc lái xe trả tiền lẻ, tiền xu khi qua trạm thu phí BOT để phản đối việc trạm đặt sai vị trí hoặc mức phí quá cao, khoảng cách giữa hai trạm dưới 70 km... dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.
Hiện cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trong đó Bộ Giao thông quản lý 73 trạm (56 trạm đang thu, 17 trạm chưa thu), còn lại 15 trạm (11 trạm đang thu và 4 trạm chưa thu) do UBND các tỉnh quản lý.
Nam Phong