Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vào năm 2017 đã từng bị cáo buộc 3 lần che giấu dịch tả bùng phát ở nước ông khi ông giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia.

Tổng giám đốc WHO bị tố giấu dịch khi còn giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia

13/04/2020, 15:45

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vào năm 2017 đã từng bị cáo buộc 3 lần che giấu dịch tả bùng phát ở nước ông khi ông giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đang hứng khá nhiều chỉ trích liên quan tới cách xử lý COVID-19 - Ảnh: Reuters

Ông Tedros, 55 tuổi, người có bằng tiến sĩ Đại học Nottingham và bằng thạc sĩ của Đại học London được bầu làm Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 1.7.2017 trong nhiệm kỳ 5 năm.

Tuy nhiên, trước khi ông nắm giữ cương vị mới, nhiều chất vấn đã được đặt ra về sự phù hợp của ông đối với chức vụ quan trọng này. Trong một cuộc phỏng vấn của New York Times hồi tháng 5.2017, Giáo sư Larry Gostin, người hiện giữ chức Giám đốc Trung tâm Hợp tác luật sức khỏe cộng đồng và nhân quyền của WHO, đã cáo buộc tiến sĩ Tedros từng không thừa nhận 3 đợt bùng phát dịch tả ở Ethiopia vào các năm 2006, 2009 và 2011, khi ông ta còn là Bộ trưởng Y tế nước này.

“Tiến sĩ Tedros là một quan chức y tế công cộng có lòng trắc ẩn và có năng lực cao. Nhưng ông phải có nhiệm vụ nói lên sự thật và thành thật ghi nhận và báo cáo sự bùng phát dịch tả đã được xác minh trong một thời gian dài”, ông Gostin nói và bày tỏ lo ngại rằng WHO "có thể mất uy tín" khi được điều hành bởi đại diện một quốc gia từng che đậy dịch bệnh.

Theo nhiều nhà quan sát, nhờ có “hỗ trợ hành lang” từ Trung Quốc, ông Tedros đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành Tổng giám đốc WHO năm 2017 sau khi đánh bại ông David Nabarro. Nhưng nhiều tháng sau khi nhậm chức, ông Tedros đã tiếp tục hứng chịu nhiều chỉ trích về sự “đồng lõa” trong việc không ghi nhận dịch tả bùng phát ở Sudan, nước láng giềng Ethiopia.

Vào tháng 9.2017, một nhóm bác sĩ Mỹ chuyên về các bệnh truyền nhiễm đã viết thư ngỏ gửi tới tiến sĩ Tedros, cho rằng ông và WHO từ chối xác nhận một ổ dịch tả ở Sudan, đồng thời cáo buộc động thái này là nhằm bảo vệ danh tiếng của WHO trên trường quốc tế.

"Sự im lặng của ông về những gì mô tả rõ ràng là một dịch tả lớn ở Sudan ngày càng trở nên đáng trách. Việc ông không cho chuyển mẫu phân của bệnh nhân ở Sudan đến Geneva (Thụy Sĩ) nhằm xác minh chính thức dịch bệnh khiến ông hoàn toàn đồng lõa với những hành vi gây nên đau khổ và những cái chết khủng khiếp tiếp tục lan rộng, ngoài tầm kiểm soát, trong khi các báo cáo mới hằng ngày xác nhận đây thực sự là dịch tả. Lịch sử về dịch bệnh này chắc chắn sẽ ghi tên ông về hành động không thể tha thứ ấy", Telegraph trích dẫn bức thư của các bác sĩ Mỹ.

Cả hai đợt dịch ở Ethiopia và Sudan đều được WHO gọi là "bệnh tiêu chảy cấp tính" chứ không phải dịch tả. Vào thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng bằng cách che đậy dịch tả khi còn là Bộ trưởng Y tế Ethiopia, ông Tedros đã giúp bảo vệ ngành du lịch đang phát triển ở Ethiopia, nơi ông tiếp tục trở thành Bộ trưởng Ngoại giao cho đến năm 2016.

Về phần mình, tiến sĩ Tedros hồi năm 2017 đã từng bác bỏ các cáo buộc trên với New York Times và nói mình là nạn nhân của chiến dịch bôi nhọ với “thủ đoạn bẩn thỉu” vào phút chót nhằm ngăn cản ông trong cuộc tranh cử lãnh đạo WHO. Ngoài ra, ông cũng giải thích rằng dịch bệnh xảy ra ở những vùng hẻo lánh ở Ethiopia nên công tác xét nghiệm gặp rất nhiều khó khăn.

Những thông tin trên dự kiến sẽ có thể tiếp tục làm nóng những cuộc tranh luận, chất vấn nhắm vào người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang làm thế giới chao đảo với hơn 1,8 triệu người nhiễm và hơn 110.000 ca tử vong.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã liên tục đưa ra những lời chỉ trích đối với WHO về cách xử lý đại dịch khi cho rằng tổ chức này đã thiên vị Trung Quốc, nhấn mạnh các dự đoán và khuyến nghị của cơ quan này về COVID-19 thường xuyên sai lệch dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cảnh báo về việc Mỹ sẽ ngưng tài trợ và điều tra phản ứng của WHO đối với đại dịch.

Ngoài ra, nhiều chính trị gia trên thế giới cũng đã thường xuyên đặt ra nhiều hoài nghi liệu những lời tán dương của ông Tedros về việc Trung Quốc "câu giờ" cho thế giới có thêm thời gian ứng phó với dịch bệnh có tạo ra cảm giác an toàn giả dẫn tới sự lây lan của coronavirus hay không. Họ cũng lo ngại việc WHO bám theo các con số và đánh giá của Trung Quốc đưa ra trong giai đoạn đầu của dịch bệnh đang làm ảnh hưởng tới mức độ đáng tin cậy của cơ quan này trên phạm vi quốc tế.

Hoàng Vũ (theo Telegraph)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng giám đốc WHO bị tố giấu dịch khi còn giữ chức Bộ trưởng Y tế Ethiopia