Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ngay trước đêm giao thừa của Tết Nguyên đán được nhiều người Trung Quốc coi như một món quà năm mới.
Katsuji Nakazawa, biên tập viên của tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) với 7 năm làm việc tại Trung Quốc, cho biết theo truyền thống trong dịp Tết âm lịch hằng năm, người Trung Quốc thường thực hiện "bainian" (bái niên) – hành động tới thăm nhà cấp trên hoặc tiền bối để chúc tết kèm theo những món quà.
Vào "đêm giao thừa" Tết Tân Sửu, ngày 11.2, cuộc điện đàm đầu tiên được chờ đợi từ lâu giữa ông Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã diễn ra. Đã 3 tuần kể từ khi nhà lãnh đạo Mỹ tuyên thệ nhậm chức, một thời gian dài chờ đợi bất thường. Nhiều người Trung Quốc đã khá vui mừng khi đọc tin tức về cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Đối với họ, ông Biden đang gửi lời chúc tết "bái niên" đầy lịch sự tới ông Tập Cận Bình.
Đây được cho là một dấu hiệu tốt lành cho năm mới khi người dân Trung Quốc đang gửi cho nhau những tin nhắn mừng năm mới và chờ đợi xem chương trình đếm ngược giao thừa trên đài Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cùng gia đình của họ.
Một ngày sau, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục công bố video ông cùng Đệ nhất phu nhân Jill Biden chúc mừng năm mới âm lịch. Mặc dù nội dung đoạn clip chủ yếu hướng tới cộng đồng người Mỹ gốc Á và cư dân ở khu vực Thái Bình Dương, một cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng trên mạng xã hội nói rằng “thông điệp trong video đã được đưa ra rộng rãi vì thể hiện lập trường của Biden đối với Trung Quốc”.
Điều này được thể hiện rõ qua khung cảnh video chúc mừng năm mới của Biden với bức tường, ghế sofa và gối tựa màu đỏ với họa tiết được thêu bằng chỉ vàng. Khung cảnh này “sặc sỡ” hơn các video chúc năm mới âm lịch của cựu Tổng thống Barack Obama, người đã phát biểu ở văn phòng hoặc phòng sách với quốc kỳ Mỹ phía sau.
Nhưng xem kỹ video của vợ chồng Biden sẽ thấy một số màu xanh lam lẫn vào khung cảnh. Tổng thống Biden đeo cà vạt xanh lam, trong khi vợ ông mặc áo khoác xanh. Có thể thấy một chiếc bình gốm trắng xanh được đặt ở phía sau bên trái. Màu xanh lam này chính là màu chủ đạo đại diện cho đảng Dân chủ của Biden.
Thoạt nhìn, khung cảnh có màu đỏ đậm, màu của đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng bố cục tổng thể gợi nhớ đến lá cờ "Bầu trời xanh, Mặt trời trắng và Trái đất đỏ bao bọc" đại diện cho "Ba nguyên tắc của nhân dân" của Tôn Trung Sơn, nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc và chủ tịch đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc, người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, dân chủ và sinh kế của người dân.
Quốc dân đảng mà ông Tôn Trung Sơn lãnh đạo cuối cùng đã bị “lưu đày” khỏi đại lục và trở thành đảng cầm quyền Đài Loan trong nhiều năm. Cũng có thể nói, lời chúc mừng năm mới của Biden cũng được gửi đến người dân Đài Loan.
Ông Biden có gửi “quà tết” cho ông Tập?
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án các hành vi kinh tế không công bằng của Trung Quốc, luật an ninh Hồng Kồng, vấn đề vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cùng các động thái ngày càng cương quyết gây nhiều tranh cãi trong khu vực, bao gồm cả đối với Đài Loan.
Tuy nhiên, theo nhà báo Katsuji Nakazawa, các bản tin chính thức của Trung Quốc đã không truyền tải đầy đủ thông điệp này của Biden mà thay vào đó, họ trích lời Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng vấn đề Đài Loan, Hồng Kông và Tân Cương là "công việc nội bộ của Trung Quốc và liên quan đến chủ quyền cũng như toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và Mỹ nên tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và hành động thận trọng".
Nakazawa nhận định rằng "điều quan trọng hơn đối với Trung Quốc là đảm bảo Chủ tịch Tập nhận được lời chúc năm mới từ Biden" trong bối cảnh hầu hết giới phân tích dự đoán quan hệ Mỹ - Trung vẫn nguội lạnh dù Nhà Trắng có “ông chủ mới”. Phía truyền thông nhà nước Trung Quốc đã dành nhiều năng lượng để làm cho bầu không khí của cuộc điện đàm đầu tiên trở nên “càng nồng nhiệt càng tốt” và ưu tiên của họ là tránh "đốt cầu" (cầu nối trong quan hệ hai nước).
Cụ thể, các hãng tin Trung Quốc chỉ trích dẫn lời Biden nói với ông Tập rằng hai nước "có thể hợp tác về biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác". Tuyên bố này của Tổng thống Mỹ đủ được xem là "quà tết" đối với Trung Quốc.
Với sự đảm bảo đó, Trung Quốc hiện có thể có thêm thời gian “khám phá” các cách thức hợp tác với Mỹ. Năm 2021 đánh dấu là năm quan trọng đối với Bắc Kinh khi sẽ chứng kiến cột mốc 100 năm thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo Nakazawa, Trung Quốc sẽ "không đủ khả năng để đối đầu với Mỹ" trong giai đoạn này và nếu có bất đồng, Bắc Kinh sẽ sẵn sàng bỏ qua.
Một khía cạnh đáng chú ý của cuộc điện đàm Biden - Tập là nó kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Khi đề cập tới các cuộc trao đổi với tân tổng thống Mỹ, ông Tập có lẽ rất muốn quên cuộc điện đàm cách đây hơn 4 năm, dẫn đến một thảm họa ngoại giao. Vào tháng 11.2016, không lâu sau chiến thắng của ông Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập đã nhanh chóng chúc mừng tổng thống đắc cử.
Vào thời điểm đó, Trump được Bắc Kinh coi là một doanh nhân mà họ có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch, miễn là giá cả phù hợp. Nhưng đó là chỉ là “mơ tưởng”.
Vào ngày 2.12.2016, Tổng thống Trump đã có một cuộc điện đàm lịch sử kéo dài 12 phút với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, một động thái khiến Bắc Kinh tức giận vì vi phạm chính sách "một Trung Quốc" mà Mỹ đã hứa sẽ lưu tâm khi các quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Ông Trump thậm chí đã gọi bà Thái là "tổng thống" trong cuộc điện đàm.
Ông cũng đề cập cụm từ trên trong một bài đăng trên mạng xã hội Twitter. "Tổng thống Đài Loan đã gọi cho tôi hôm nay để chúc mừng tôi đã thắng cử. Cảm ơn bà!", ông Trump viết.
Phải đến ngày 9.2.2017, ông Tập mới có thể trò chuyện với ông Trump một lần nữa. Trong cuộc điện đàm lần này, Tổng thống Trump cuối cùng đã thừa nhận chính sách "một Trung Quốc”.
Nhưng cũng có thể nói quan hệ Mỹ - Trung dưới thời ông Trump có khởi đầu khá tốt, vào ngày 1.2 nhân dịp Tết âm lịch năm 2017, ái nữ của ông Trump là Ivanka Trump cùng con gái Arabella Kushner tham dự tiệc chiêu đãi tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, báo hiệu về việc Washington sẵn sàng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, sự “ấm áp” đó hóa ra chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Mọi diễn biến ra sau đó không giống như mường tượng ban đầu của Bắc Kinh và quan hệ Mỹ - Trung cuối cùng “tụt dốc” không phanh với chính sách ngày càng cứng rắn từ chính quyền Trump liên quan tới chiến tranh thương mại, Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương...
Rút ra bài học từ sai lầm mà Trung Quốc đã phạm phải cách đây 5 năm, ông Tập đã nhận ra tầm quan trọng của cuộc điện đàm đầu tiên với tân tổng thống Mỹ. Mặc dù kỳ vọng các cuộc trao đổi sớm với Mỹ được diễn ra sớm, nhưng Trung Quốc biết rằng họ có nguy cơ mất thế chủ động nếu cố lao vào tạo dựng quan hệ với Biden.
Một ngày sau cuộc điện đàm Biden - Tập, những meme (trào lưu trên internet) chế ảnh Biden "đỏ mắt" với sự vĩ đại của Trung Quốc ngập tràn mạng xã hội nước này. Thuật ngữ "đỏ mắt" được sử dụng ở Trung Quốc để thể hiện cảm giác ghen tị tự ti, chẳng hạn như ghen tị người khác kiếm được nhiều tiền hơn.
Trào lưu này bắt nguồn từ phát biểu của Tổng thống Biden ở Phòng Bầu dục, nơi ông bình luận về cuộc điện đàm dài với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Nếu chúng ta không hành động, họ sẽ lấy mất bữa trưa của chúng ta", Biden đề cập về sự phát triển nhanh của cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc và lưu ý rằng Mỹ cần phải cố gắng hơn nữa trong lĩnh vực này.
Rõ ràng, lập trường của Biden về Trung Quốc đã thay đổi khi chỉ cách đây không lâu, vào tháng 5.2019, ông Biden lại có suy nghĩ ngược lại. "Trung Quốc sẽ lấy mất bữa trưa của chúng ta sao? Thôi nào các bạn. Các bạn biết đấy, họ không phải những người xấu. Họ không phải là đối thủ cạnh tranh của chúng ta", Biden nói.
Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đánh giá tân Tổng thống Mỹ và nội các mới sẽ giúp hạ nhiệt căng thẳng hai nước, ít nhất là tốt hơn thời cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong các bài xã luận được đăng tải tháng 11 năm ngoái, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã thể hiện quan điểm lạc quan về việc ông Biden trở thành tổng thống Mỹ, cho rằng quan hệ Trung - Mỹ có thể cải thiện khi hồi phục lại trạng thái dễ đoán biết hơn và điều này có thể bắt đầu từ vấn đề thương mại.
Dù thừa nhận rằng Mỹ khó có khả năng sẽ giảm bớt áp lực lên Trung Quốc trong các vấn đề như Tân Cương và Hồng Kông, Thời báo Hoàn cầu (Global Times) thuộc Cơ quan ngôn luận Nhân dân nhật báo của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định Bắc Kinh nên kết nối với đội ngũ của ông Biden càng kỹ lưỡng nhất có thể.
Bài xã luận của Thời báo Hoàn cầu cũng cáo buộc chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã chủ động gây căng thẳng cho quan hệ hai nước, đặc biệt sau khi thực hiện các chiến dịch gây sức ép lớn lên Trung Quốc, tạo ra những “bong bóng” trong quan hệ song phương.
Trong những ngày đầu tiên nắm quyền, ông Biden đã ban hành hàng loạt lệnh hành pháp nhằm vô hiệu hóa, đảo ngược các chính sách của Tổng thống Donald Trump về nhiều lĩnh vực trong đó có WHO, biến đổi khí hậu và nhập cư.
Nhưng hy vọng về một tương lai “tái hợp” trong quan hệ Mỹ - Trung đã bị dập tắt sau khi nội các mới của ông Biden đã ủng hộ cáo buộc của chính quyền tiền nhiệm rằng Bắc Kinh đang phạm tội "diệt chủng và tội ác chống lại loài người' trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, cũng như đưa ra tuyên bố cứng rắn về Đài Loan, lên án cách hành xử với Hồng Kông, xử lý đại dịch COVID-19 và bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong khi đó phía Bắc Kinh nhiều lần nhấn mạnh hai nước nên tìm kiếm cơ hội để cùng hợp tác.
Bên cạnh đó, với việc mời Hsiao Bi-khim, người đứng đầu Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Mỹ, được coi là đại diện trên thực tế của Đài Loan ở Washington, tới dự sự kiện nhậm chức hôm 20.1 của Tổng thống Biden, chính quyền mới của Mỹ dường như đang muốn gửi gắm thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh.
Nhận thức sâu sắc lập trường cứng rắn của Trump với Trung Quốc có thể đã đạt được nhiều đòn bẩy trước Bắc Kinh, các thành viên trong chính quyền mới của Mỹ đang điều chỉnh các chính sách trọng tâm nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.