Ông Biden nhắc lại rằng Mỹ có một cam kết “vững chắc” đối với Đài Loan. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cho biết: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về các hành động ... o ép của Trung Quốc".
Ngày 27.10, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói với các quốc gia Đông Nam Á rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ trong việc bảo vệ tự do hàng hải và dân chủ, đồng thời gọi các hành động của Trung Quốc đối với Đài Loan là o ép và là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Nam Á dưới hình thức trực tuyến có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Biden cho biết Washington sẽ bắt đầu đàm phán với các đối tác ở Ấn Độ-Thái Bình Dương về việc phát triển khuôn khổ kinh tế khu vực, điều mà các nhà phê bình cho rằng chiến lược khu vực của ông còn thiếu.
Đông Nam Á đã trở thành chiến trường chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, quốc gia kiểm soát phần lớn Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh gần đây đã gây áp lực quân sự và chính trị lên Đài Loan rất quyết liệt. Căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc đã leo thang trong những tuần gần đây khi Bắc Kinh liên tục điều máy bay vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan.
Ông Biden nhắc lại rằng Mỹ có một cam kết “vững chắc” đối với Đài Loan. Đồng thời, Tổng thống Mỹ cho biết: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về các hành động ... o ép của Trung Quốc" và cho rằng điều đó "đe dọa hòa bình và ổn định của khu vực."
Về phía Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói với hội nghị thượng đỉnh rằng việc duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích của tất cả mọi người. Ông nói: “Biển Đông là ngôi nhà chung của chúng ta”.
Tuần trước trong một lần trả lời phỏng vấn do CNN tổ chức, ông Biden không dưới 1 lần cho biết Mỹ có nghĩa vụ theo luật năm 1979 trong việc cung cấp cho Đài Loan các phương tiện để tự vệ, đồng thời sẽ đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công. Những bình luận đó đã gây xôn xao dư luận bởi vì chúng dường như khác với chính sách “mơ hồ chiến lược” lâu nay của Mỹ về việc Washington sẽ phản ứng như thế nào với một kịch bản như vậy.
Trung Quốc lập tức bày tỏ sự không hài lòng trước những bình luận của Biden vào tuần trước, thúc giục Washington “không gửi những tín hiệu sai trái tới các lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, để tránh gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ Trung-Mỹ cũng như hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Nhưng ngay sau đó, Nhà Trắng diễn giải rằng Biden không báo hiệu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Đài Loan, và một số nhà phân tích đã bác bỏ những bình luận của ông như một lời hớ hênh.
Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng cho biết ông sẽ lên tiếng bảo vệ “quyền con người ở Tân Cương và Tây Tạng cũng như quyền của người dân Hồng Kông”. Trung Quốc trước đó đã phủ nhận các cáo buộc về hành vi vi phạm nhân quyền ở các vùng nêu trên.
Còn theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Tokyo chia sẻ mối quan tâm nghiêm túc với ASEAN về những thách thức đối với trật tự hàng hải tự do và rộng mở ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ông Kishida không đề cập đích danh Trung Quốc, nhưng Tokyo đã lên tiếng nhiều hơn trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, vào thời điểm Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự trên biển, làm chao đảo các nước láng giềng bằng việc xây dựng các công trình nhân tạo. đảo (gồm cả các công trình phi pháp) và điều tàu ra vào vùng biển của họ.