Việc CHDCND Triều Tiên lại phóng tên lửa sáng 4.7 như chọc ghẹo Lễ Độc Lập của Mỹ, khiến Tổng thống Mỹ mắng lãnh đạo Triều Tiên, cảnh báo Trung Quốc rằng ông Donald Trump sẽ đích thân gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Theo các quan chức chính phủ Mỹ, Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Quốc rằng chính ông sẽ ép Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Theo báo New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết: ông Donald Trump thất vọng với việc Bắc Kinh không sẵn sàng ép CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân, nên trong cuộc điện đàmngày 2.7, ông Trump đã nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết với Chủ tịch Tập Cận Bình: Mỹ đã sẵn sàng đơn phương hành độngđể gây sức ép lên Bình Nhưỡng.
Ông Trump mắng lãnh đạo Triều Tiên “rảnh”
Khuya 3.7 (giờ Mỹ) trên chuyên cơ Air Force One từ khu nghỉ dưỡng riêng ở bang New Jersey, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter ghi nhận Triều Tiên lại phóng một tên lửa đạn đạo xuống vùng biển Nhật Bản và ông gợi ý đã đến lúc Trung Quốc phải hành động: “Triều Tiên lại phóng tên lửa. Bộ cái gã này không còn việc gì tốt hơn để làm trong đời à? Khó mà tin Hàn-Nhật sẽ để yên chuyện này lâu hơn. Có lẽ Trung Quốc sẽ đặt một hành động nặng ký lên Triều Tiên và kết thúc hẳn chuyện vô lý này!”.
Theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC), tên lửa Triều Tiên bay được 930km trước khi rơi xuống vùng biển ngoài khơi phía đông nước này lúc 7 giờ 40 sáng 4.7, trước khi nước Mỹ mừng Lễ Độc lập 4.7.Năm 2006 và 2009, Triều Tiên cũng phóng tên lửa vào dịp này.
Bộ chỉ huy quân Mỹ ở Thái Bình Dương (đóng tại Hawaii) nói đó là một tên lửa tầm trung phóng từ trên bộ, bay được 37 phút rồi rơi xuống biển.
Nó được phóng từ một sân bay ở Panghyon, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 100km về phía bắc. Đây là nơi Triều Tiên thử quả tên lửa đạn đạo tầm trung bình và dài Pukgguksong hồi tháng 2.2017.
Ngay lập tức Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in triệu tập cuộc họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia, kiểm tra khả năng sẵn sàng đối phó của hệ thống phòng thủ trước bất kỳ hành động khiêu khích nào khác của Triều Tiên.
Từ khi nhậm chức ngày 10.5, ông Moon đã cẩn trọng thúc đẩy chủ trương làm thân với Bình Nhưỡng. Nhưng Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa, với cớ có quyền phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó điều họ gọi là Mỹ khiêu khích quân sự.
Người phát ngôn Yoshihide Suga của chính phủ Nhật Bản cho rằng tên lửa Triều Tiên được phóng bay khoảng 40 phút, có thể rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật, nhưng không gây thiệt hại cho tàu thuyền, máy bay trong khu vực. Chính phủ Nhật lên án mạnh mẽ những hành động vi phạm nghị quyết LHQ của Triều Tiên.
Năm ngoái, Triều Tiên phóng 4 tên lửa vào EEZ của Nhật.
Trong năm 2017, Triều Tiên đã phóng 13 tên lửa, nhiều hơn so với 3 năm trước. Ngày 8.6, Triều Tiên phóng nhiều tên lửa hành trình thay vì một tên lửa đạn đạo. Bình Nhưỡng khoe chúng có thể tấn công tàu chiến Mỹ-Hàn “một cách vô tư”.
Cuối tháng 5, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo vào biển Nhật Bản.
Tên lửaPukgguksongcủa Triều Tiên
Vụ phóng tên lửa mới nhất tiếp sau chuyến thăm Nhà Trắng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và trước hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức) vào cuối tuần này, hai vị lãnh đạo Mỹ-Hàn đã đồng ý “ép tối đa” để thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo, nhưng cũng đồng ý tiếp tục đối thoại với Bình Nhưỡng “vào đúng thời cơ”.
Ông Trump cũng tuyên bố đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên: “Chúng ta cùng đối mặt với mối đe dọa từ chế độ Triều Tiên ẩu tả và bạo tàn. Chương trình hạt nhân và tên lửa của họ cần có một sự phản ứng kiên quyết”.
Như vậy, ‘nỗi ám ảnh’ xử lý Triều Tiên vẫn còn bám Tổng thống Mỹ. Ông Trump sẽ lôi chuyện này ra nói tại hội nghị thượng đỉnh G-20.
Ở đó, ông sẽ gặp ông Tập cùng Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Shinzo Abe của Hàn Quốc và Nhật Bản, là các nước mà ông Trump cũng hy vọng có sự điều phối để giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Ông Trump sẽ có bữa ăn tối với các ông Abe, Moon, tìm sự giúp đỡ của Nhật-Hàn để xử lý khủng hoảng Triều Tiên, khi Trung Quốc không quyết tâm thúc ép Bình Nhưỡng.
Thủ tướng Nhật Abe nói ông sẽ tìm kiếm sự điều phối của lãnh đạo các nước dự hội nghị G-20 để phản ứng với Triều Tiên: “Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên rõ ràng cho thấy mối đe dọa ngày càng tăng”.
Mỹ tiến hành các bước cứng rắn để ép ông Tập phải nghĩ lại
Các quan chức Mỹ đề nghị giấu tên, nói họ hy vọng các bước cứng rắn của Mỹ sẽ buộc ông Tập phải xét lại chuyện Bắc Kinh miễn cưỡng gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Tuần trước, các quan chức Trung Quốc đã bị bất ngờkhi Nhà Trắng tung ra liên tiếp 3 đòn cứng rắn: Thứ nhất là trừng phạt 1 ngân hàng Trung Quốc chuyển tiền trái phép cho Triều Tiên, một ngân hàng và 2 công dân Trung Quốc.
Trong cuộc điện thoại với ông Trump hôm 2.7, Thủ tướng Nhật Abe khen quyết định trừng phạt các công ty và người Trung Quốc làm ăn phi pháp với Triều Tiên, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Thứ nhì là duyệt bán vũ khí trị giá 1,4 tỉ USD cho Đài Loan, và cáo buộc Trung Quốc là một trong những quốc gia có nạn buôn người nghiêm trọng nhất thế giới.
Thứ ba là Nhà Trắng dọa trừng phạt thương mại, sẽ chống lại thép Trung Quốc nhập vào Mỹ. Nhưng Bộ Thương mại Mỹ vẫn còn đang xem xét các biện pháp và sẽ công bố trước hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hamburg (Đức).
Theo báo New York Times, có lẽ Trung Quốc tức nhất vụ tàu khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Stethem của hải quân Mỹ đi vào vùng nước 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm trái phép và xây dựng cơ sở quân sự.
Đấy là chuyến tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) thứ hai của hải quân Mỹ trên Biển Đông, kể từ khi ông Trump nhậm chức ngày 20.1.
Lần thứ nhất vào ngày 24.5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Dewey đi vào vùng nước 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bắc Kinh bực tức nói đó là “động thái khiêu khích quân sự-chính trị nghiêm trọng”. Người phát ngôn Lục Khảng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Trung Quốc mạnh mẽ kêu gọi Mỹ lập tức chấm dứt các hoạt động khiêu khích vi phạm chủ quyền Trung Quốc và đe dọa an ninh Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia”.
Khu trục hạm Stethem từng cập cảng Thượng Hải (Trung Quốc)
Những biện pháp cứng rắn của Mỹ đã khiến Trung Quốc bực tức, và chắc chắn “kỳ trăng mật” giữa hai ông Trump-Tập đã kết thúc.
Một quan chức Mỹ nói ông Trump nay không còn nhiều ảo mộng rằng Trung Quốc sẽ thay đổi cách đối xử với láng giềng Triều Tiên, vì Bắc Kinh lo sợ một cuộc nổi dậy hỗn loạn ở Triều Tiên hơn là lo ngại chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Cả hai ông Trump-Tập đều có bài học đắng về nhau
Khi không có sức ép nặng ký của Trung Quốc, xem ra những chiến thuật gây sức ép khó buộc lãnh đạo Triều Tiên KimJong-un thay đổi.
Nhưng chuyện đàm phán-như ông Tập thúc đẩy, theo các quan chức-lại không là một hướng mà ông Trump sẵn sàng xem xét, nhất là sau cái chết hồi tháng 6 của sinh viên Mỹ Otto F. Warmbier, người từng bị Bình Nhưỡng giam cầm suốt 17 tháng rồi mới trả về Mỹ khi anh đã hôn mê sâu.
Một giải pháp đơn phương của ông Trump sẽ càng khiến Trung Quốc thêm thù địch với Mỹ, từ khi Mỹ đã quyết trừng phạt nhiều ngân hàng và công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Tình trạng bất ổn trong quan hệ Mỹ-Trung được thể hiện qua cách hai bên mô tả cuộc điện thoại giữa hai ông Trump-Tập hôm 2.7. Nhà Trắng chỉ nói ông Trump nêu “mối đe dọa ngày càng lớn” từ chương trình vũ khí của Triều Tiên với ông Tập. Trung Quốc nói quan hệ Trung-Mỹ “bị ảnh hưởng từ những yếu tố tiêu cực”.
Tuy nhiên, cả hai lãnh đạo Mỹ-Trung xem ra chưa sẵn sàng từ bỏ mối quan hệ ấm nồng, mà hai ông Trump-Tập đã lập hồi tháng 4, khi họ gặp thượng đỉnh ở khu nghỉ dưỡng của ông Trump tại Florida.
Báo New York Times viết: “Ông Trump tránh công kích cá nhân ông Tập, trong khi Bắc Kinh nói căng thẳng là chuyện dễ xảy ra trong một quan hệ phức tạp. Nhưng hai vị lãnh đạo đều học được một bài học đắng về nhau”.
Theo các quan chức và các nhà phân tích bên ngoài, ông Tập tính toán sai về việc Trung Quốc cần làm gì để ông Trump thỏa lòng, cho rằng có thể “mua” được ông Trump bằng vài biện phápdễ thấy như Trung Quốc cấm nhập than của Triều Tiên.
Phần ông Trump thì đánh giá quá cao mối quan hệ cá nhân, nên ông đang “cược” rằng vài cú bắt tay vui vẻ với ông Tập thì sẽ dẹp được việc Trung Quốc không dứt khoát gây sức ép với Triều Tiên.
Bà Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án quyền lực Trung Hoa ở Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ) nói: “Người Trung Quốc đã nghĩ ra những điều hoàn toàn tối thiểu mà họ cần làm. Chính quyền nước này đã liên tục phát tín hiệu họ phải đóng cửa các ngân hàng và công ty vỏ bọc ở đông bắc Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên”.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều xác nhận ông Trump gọi điện thoại trước. Nhưng các quan chức Mỹ nói phía Trung Quốc phát tín hiệu họ muốn làm rõ chuyện sau một tuần sôi bỏng.
Phó giáo sư Trần Tiểu Hà của khoa quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh (Trung Quốc) nói việc ông Tập đồng ý nói chuyện điện thoại “nghe hơi kỳ”, nhưng cho thấy Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định với ông Trumpvà có lẽ để chặn ông Trump không thực hiện thêm những biện pháp cực đoan như hành động quân sự.
Vị phó giáo sư nói: “Những hành động của chính quyền Mỹ khiến Trung Quốc bối rối, chắc chắn là thế. Cuộc điện thoại cho thấy Trung Quốc vẫn sẵn sàng nói chuyện với ông Trump, và làm việc với chính phủ để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên”.
Vĩnh Thụy (theo New York Times)