Tại Hội nghị giao ban y tế dự phòng tháng 11.2019 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức hôm 6.11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết trong tháng 10.2019 vừa qua, đồng loạt cả 3 dịch bệnh nổi cộm là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi bất ngờ cùng giảm.

TP.HCM: Cả 3 dịch bệnh ‘nổi cộm’ cùng giảm

06/11/2019, 22:14

Tại Hội nghị giao ban y tế dự phòng tháng 11.2019 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức hôm 6.11, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết trong tháng 10.2019 vừa qua, đồng loạt cả 3 dịch bệnh nổi cộm là sốt xuất huyết, tay chân miệng và sởi bất ngờ cùng giảm.

Lãnh đạo ngành y tế TP.HCM kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại hộ gia đình - Ảnh: PV

Đáng chú ý nhất, bệnh tay chân miệng, vốn tăng mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 9 (tháng sau gấp đôi tháng trước) đã bất ngờ giảm mạnh trong tháng 10 vừa qua. Số ca mắc tay chân miệng trong tháng 10 vừa qua chỉ còn hơn 5.300 ca, giảm 18% so với tháng 9 là 6.573 ca.

Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết trong tháng 10 này đã đi xuống sau nhiều tháng gần đây liên tục tăng nhẹ. Số ca mắc sốt xuất huyết trong tháng 10 chỉ còn hơn 6.700 ca, giảm 17% so với tháng trước đó.

Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái thì số ca mắc sốt xuất huyết vẫn cao hơn nhiều. Cụ thể trong 10 tháng của năm 2019, tổng số ca sốt xuất huyết là 55.359 ca, tăng 88% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tỷ lệ này đã được kéo giảm đáng kể so với tỷ lệ tăng của những tháng đầu đầu năm 2019, vì có thời điểm tỷ lệ tăng lên đến 250% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là do những tháng từ đầu năm 2019 bệnh sốt xuất huyết bùng phát dữ dội.

Riêng bệnh sởi đã xuống ở mức khá thấp, mỗi tuần chỉ ghi nhận khoảng 30 trường hợp.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, từ nay đến hết mùa dịch năm 2019, sang đến hết mùa mưa năm sau, ngành y tế TP sẽ tiếp tục duy trì và thực hiện liên tục các chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất, ưu tiên ở các ấp, khu phố có nhiều ổ dịch hoặc ổ dịch lan rộng, kéo dài để góp phần kiểm soát bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP.

Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP cảnh báo về những nguy cơ gây sốt xuất huyết đang hiện hữu ở môi trường xung quanh nơi người dân đang sống và học tập. Vì vậy, ngành y tế TP sẽ duy trì các nội dung phối hợp trong kế hoạch liên tịch cũng như các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi, kiểm soát điểm nguy cơ gây sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng kêu gọi người dân tự ý thức phòng, chống bệnh sốt xuất huyết.

Đối với bệnh tay chân miệng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết qua giám sát trong tháng 10 vừa qua cho thấy hiện vẫn còn 15% trường học, nhóm trẻ chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong đó tập trung chủ yếu là do không rửa tay sạch, thường xuyên cách ly trẻ mắc bệnh.

Theo phân tích của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM vào thời điểm cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm thuận lợi cho các bệnh lây qua tiếp xúc xuất hiện trong trường học các cấp. Do đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP khuyến cáo người dân phải thường xuyên rửa tay đúng cách và không đưa trẻ bị bệnh, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm đến trường, lớp để không lây nhiễm cho trẻ khác.

Hồ Quang

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Cả 3 dịch bệnh ‘nổi cộm’ cùng giảm