TP.HCM đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu…

TP.HCM chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm

Lam Thanh | 05/07/2021, 17:30

TP.HCM đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vừa họp trực tuyến với TP.HCM để triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

chan-chinh.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam họp với TP.HCM

Chấn chỉnh công tác lấy mẫu, xét nghiệm

Báo cáo tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, tính từ 6 giờ ngày 4.7 đến 6 giờ ngày 5.7, Thành phố ghi nhận 711 ca mắc COVID-19, trong đó, 169 ca tầm soát trong các bệnh viện, 12 ca tầm soát trong cộng đồng, các ca còn lại phát hiện trong các khu cách ly, khu phong tỏa.

Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng ở bên ngoài khu phong tỏa, cách ly chiếm đến 75%; tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chỉ còn 17%, còn hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng, cần có biện pháp để giảm nhanh sự phát tán của các mầm bệnh, trong đó, phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường biện pháp phòng, chống dịch là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phát tán của vi rút.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết Thành phố chỉ đạo củng cố, kết nối thông tin, dữ liệu dịch bệnh với Trung ương để phân tích, đánh giá diễn biến dịch sát thực tế.

Đặc biệt, TP.HCM đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, trả kết quả ngay, tránh tồn đọng mẫu… Tất cả các bộ phận phải tập trung tối đa cho công tác truy vết, bởi truy vết càng nhanh, càng sớm phát hiện cách ly F0, F1 ngăn chặn lây lan ra xã hội.

Trong thời gian tới, Thành phố đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.

Đồng thời, TP.HCM tăng cường quản lý giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp (9/15 khu công nghiệp của Thành phố đã phát sinh các ca mắc COVID-19, các ổ dịch với số lượng ngày càng lớn); kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.

Kiểm soát người ra, vào vùng dịch

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt nhiều câu hỏi cụ thể xung quanh vấn đề xét nghiệm và truy vết của TP.HCM.

Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.

“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ vi rút, để phục vụ công tác truy vết”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Đối với người dân có nhu cầu đi lại, Phó thủ tướng yêu cầu Thành phố phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.

Lãnh đạo TP.HCM cho biết những ngày qua do có nhiều đơn vị tham gia xét nghiệm nên việc kết nối dữ liệu chưa được nhuần nhuyễn, nhưng tình trạng này đã được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, TP.HCM đã thành lập Trung tâm Điều hành xét nghiệm do một Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách nhằm phân bổ lực lượng linh hoạt, giúp các đơn vị thực hiện xét nghiệm nhanh nhất và đúng thời gian.

Những người đã được xét nghiệm sẽ được cấp chứng nhận dưới dạng mã QR để ra, vào những nơi, địa điểm yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, dù có kết quả xét nghiệm âm tính nhưng không có nghĩa là tuyệt đối an toàn, mọi người dân phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp 5K.

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải kiểm soát người ra, vào vùng dịch. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần quán triệt Bộ Y tế phải cập nhật, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ danh sách các quận, huyện, tỉnh, thành phố là vùng dịch.

Phó thủ tướng cũng lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút SARS-CoV-2. Còn nhiều phản ánh ở một số địa phương, nhất là TP.HCM, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm còn chưa thuận lợi, cần chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ TT-TT cùng với Bộ Y tế cần khẩn trương hướng dẫn cụ thể việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho rằng nếu thực hiện đúng những chỉ đạo về tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào trong một mã QR cho người dân thì từ kinh nghiệm của hàng không, một số tuyến vận tải đường bộ sẽ không xảy ra ách tắc. Ngược lại, nếu chúng ta không chuẩn bị kỹ thì sẽ gây ách tắc rất lớn.

Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng khẳng định về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát.

Trong vòng 24 giờ tới, Bộ TT-TT cùng với Bộ Y tế khẩn trương tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc xin vào mã QR cá nhân. Bộ TT-TT cũng đề nghị tất cả những người có nhu cầu ra, vào TPHCM bắt buộc khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm đầy đủ. Đối với công nhân ngoại tỉnh làm việc tại TP.HCM, Thành phố sẽ có thỏa thuận cụ thể với các tỉnh lân cận.

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
7 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM chấn chỉnh, nâng cao công tác lấy mẫu xét nghiệm