Sở GD-ĐT chỉ đạo không để xảy ra tình trạng học sinh không được tiêm vắc xin do không có đủ hồ sơ nhập liệu, ảnh hưởng tới quyền lợi của các em.

TP.HCM: Công tác nhập liệu chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi gặp nhiều khó khăn

T.V | 25/03/2022, 16:43

Sở GD-ĐT chỉ đạo không để xảy ra tình trạng học sinh không được tiêm vắc xin do không có đủ hồ sơ nhập liệu, ảnh hưởng tới quyền lợi của các em.

Tại buổi họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở trường học do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức trưa 25.3, đại diện các phòng GD-ĐT quận huyện cho biết công tác nhập liệu chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi đang gặp nhiều khó khăn.

tiem-covid-tre-em-16465318990751446105291-1646730253390-16467302536201068001401.jpeg

Tiêm vắc xin có thể giúp bảo vệ trẻ em từ 5 tuổi trở lên, tránh lây lan cho cộng đồng-Ảnh: ĐN

Theo kế hoạch được thông báo, ngày 25.3 là thời hạn cuối cùng các trường phải hoàn tất khâu nhập liệu thông tin cá nhân của học sinh lên hệ thống tiêm chủng quốc gia để chuẩn bị cơ sở dữ liệu cho việc tiêm vắc xin COVID-19. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phụ huynh gặp khó khăn trong việc xin cấp mã định danh hoặc học sinh có hộ khẩu thường trú ở tỉnh phải quay về địa phương xin cấp mã định danh…

Cụ thể, tại huyện Bình Chánh, tính đến sáng 25.3, tỷ lệ nhập liệu mới đạt 63,9%. Tại quận 10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết tỷ lệ nhập liệu của địa phương hiện mới đạt 51,44%. Vẫn còn tình trạng cơ sở giáo dục chưa hoàn tất nhập liệu do khó khăn trong việc đăng nhập tài khoản trên hệ thống dữ liệu tiêm chủng quốc gia.

Trước thực tế đó, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, sau hôm nay 25.3, các trường phải đẩy nhanh tiến độ nhập liệu, trong đó có việc hoàn tất cập nhật mã định danh cho học sinh, không để xảy ra tình trạng học sinh không được tiêm vắc xin do không có đủ hồ sơ nhập liệu gây ảnh hưởng quyền lợi của các em.

Ông Trọng cũng lưu ý, theo quy định mới ban hành của UBND TP.HCM, tất cả học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên là F1 đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc vừa khỏi bệnh trong khoảng thời gian 3 tháng có thể đến trường làm việc và học tập bình thường, không cần cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe như các quy định trước đây. Khi trong cùng một lớp học xuất hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên, lãnh đạo nhà trường quyết định hình thức học tập phù hợp tình hình thực tế của đơn vị (như chuyển đổi từ dạy học trực tiếp qua trực tuyến, giảm số lượng hoạt động, giảm số tiết trong thời khóa biểu…).

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các trường phải tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm các quy định xét nghiệm nhanh vào ngày thứ năm, vận động F1 di chuyển bằng phương tiện cá nhân đến trường, đảm bảo đeo khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách khi sinh hoạt và học tập tại trường. Quy định nhằm giúp các trường thuận lợi hơn trong việc tổ chức dạy học, giảm thiểu xáo trộn về mặt nhân sự và đảm bảo chất lượng dạy học trực tiếp cho học sinh.

Đối với nhóm đối tượng học sinh từ 12 - 17 tuổi, hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc xin toàn TP.HCM mới đạt khoảng 90%. Các trường cần tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh để thực hiện tiêm bổ sung, đảm bảo an toàn và sức khỏe cho học sinh.

Về việc không tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, ngoại khóa ngoài nhà trường của Sở GD-ĐT TP.HCM, lãnh đạo sở lưu ý các hoạt động tổ chức ngoài nhà trường với lý do cơ sở vật chất của cơ sở giáo dục còn hạn chế (như trường chưa có hồ bơi nên hợp đồng với các hồ bơi tư nhân bên ngoài tổ chức phổ cập bơi cho học sinh) vẫn được tổ chức bình thường.

“Trong giai đoạn hiện tại, các trường học vẫn duy trì song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, tránh tình trạng vội vã chuyển đổi hình thức dạy học mà không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng quyền lợi học sinh”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Công tác nhập liệu chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi gặp nhiều khó khăn