TP.HCM vẫn còn nhiều thách thức khi mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn…

TP.HCM đang mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học

Phan Diệu | 07/10/2016, 21:36

TP.HCM vẫn còn nhiều thách thức khi mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm ngập mặn…

Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại hội thảo chuyên đề "Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM" diễn ra ngày 7.10 tại TP.HCM.

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế chính trị văn hóa lớn của cả nước. Vì vậy, thành phố luôn đi đầu trong tiến trình đô thị hóa của đất nước trong những năm vừa qua. Công tác phát triển đô thị của thành phố luôn được coi là hướng then chốt để phát triển và đạt được nhiều thành tựu gắn liền với những đột phá trong tư duy phát triển đô thị.

TP.HCM đã có nhiều công trình giao thông, kiến trúc hiện đại được xây dựng, nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị đã được hình thành như sự hồi sinh của các con kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tàu Hũ-Bến Nghé, Lò Gốm. Chưa kể, sự hình thành của các tuyến đường Trường Sa, Hoàng Sa, tuyến phố đi bộ khang trang đã làm cho bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại. Hơn 1,2 triệu người sống lưu vực kênh rạch hầu hết là người nghèo đã có những cải thiện đáng kể về cuộc sống.

Tuy nhiên, TP.HCM vẫn còn nhiều thách thức khi mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế và dân số, vấn đề biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn…

“Các vấn đề chỉnh trang phát triển đô thị không phải là vấn đề mới nhưng cần được nhìn nhận với tư duy mới, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng xã hội, người dân. Đồng thời, phải có lộ trình thực hiện rõ ràng, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, ban ngành để đảm bảo sự đồng bộ thống nhất về chủ trương chính sách và tổ chức triển khai thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 có chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ di dời và tổ chức lại cuộc sống cho 20.000 người dân đang sống trên và ven kênh rạch cũng như cải tạo, xây dựng mới ít nhất 50% thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp.

“Để hoàn thành mục tiêu này, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp, trong đó TP.HCM cần được áp dụng cơ chế đặc thù, chủ động huy động các nguồn lực, đặc biệt là cơ chế tài chính để tạo nguồn vốn thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị”, Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị bao gồm 2 cấu phần. Thứ nhất là chương trình chỉnh trang đô thị "cũ" bao gồm 3 nội dung trọng tâm. Một là chương trình chỉnh trang, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng nặng, trước hết là 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng với mục tiêu giải quyết được 50% số chung cư này từ nay đến năm 2020, cấp bách nhất là 70 chung cư cũ bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng. Hai là chương trình chỉnh trang, di dời, tái định cư khoảng trên 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch. Ba là chương trình chỉnh trang các khu dân cư cũ thấp tầng ở các phường, thị trấn, kể cả các khu dân cư nông thôn ở các huyện ngoại thành.

Với đô thị cũ, ông Châu đề nghị TP.HCM thực hiện theo phương thức chỉnh trang đô thị theo từng ô phố, khối phố, khuyến khích hợp khối để tạo sự thông thoáng trên mặt đất, tăng thêm cây xanh, đường giao thông và các tiện ích khác.

Thứ hai, với chương trình phát triển các khu đô thị mới, TP.HCM sẽ mở rộng khu trung tâm cũ, hình thành thêm khu đô thị trung tâm mới của thành phố bên kia sông Sài Gòn là khu đô thị Thủ Thiêm và các khu đô thị vệ tinh trên các hướng quan trọng của thành phố như khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Tây Bắc, kể cả ở các tỉnh lân cận, trong tầm nhìn toàn vùng đô thị TP.HCM.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cũng nói rằng chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị là chủ trương đúng đắn, được thực hiện nhất quán. Thế nhưng, đây là việc phức tạp, khó khăn, vì thế cần có tầm nhìn đến năm 2030.

Còn theo TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright, TP.HCM phải gắn chương trình đột phá về giải quyết ùn tắc giao thông với chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị để phát triển đô thị dựa vào định hướng vận tải công cộng. Đơn cử là thúc đẩy vận tải công cộng và không khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân nhằm giảm tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đang mất kiểm soát tăng trưởng dân số cơ học