TP.HCM kiến nghị được ủy quyền cho UBND các quận - huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.

TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ

Phan Diệu | 04/11/2016, 17:31

TP.HCM kiến nghị được ủy quyền cho UBND các quận - huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ.

UBND TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ trên địa bàn thành phố.

Ủy quyền cho quận, huyện

Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy đến nay trên địa bàn TP.HCM có 474 chung cư cũ với tổng số khoảng 50.000 căn hộ được xây từ trước 1975, phân bổ ở 15 quận. Hiện quận 5 là quận có nhiều chung cư cũ nhất, với 203 chung cư.

Hầu hết các chung cư này đều bị xuống cấp nặng, trong đó có nhiều chung cư nguy cơ sụp đổ cao. Các chung cư này được kiểm định là hư hỏng nặng, nguy hiểm, với tỷ lệ chất lượng còn lại nhỏ hơn 55% và xếp loại nguy hiểm cấp D - cấp độ nguy hiểm cao nhất.

Theo kế hoạch mà Sở Xây dựng đề ra, đến năm 2020, TP.HCM sẽ hoàn thành tháo gỡ và đầu tư xây dựng mới ít nhất 50% trong số 474 chung cư cũ kể trên. Tuy nhiên, trong 10 năm qua TP.HCM chỉ mới tháo gỡ để xây mới 32 chung cư cũ hư hỏng, với khoảng 4.000 hộ gia đình.

Để đẩy nhanh tiến độ, TP.HCM muốn ủy quyền cho UBND các quận - huyện thực hiện các công việc thuộc thẩm quyền của UBND TP như phê duyệt dự toán kinh phí sửa chữa và kinh phí kiểm định; ban hành văn bản thông báo kết quả kiểm định cho chủ sở hữu nhà chung cư.

Đồng thời, các quận – huyện cũng được phê duyệt và công bố kế hoạch cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới thay thế chung cư cũ; công nhận chủ đầu tư; chấp thuận, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phê duyệt phương án di dời, bố trí tạm cư và phương án cưỡng chế phá dỡ khẩn cấp; ban hành quyết định chấp thuận đầu tư dự án.

Đối với các công việc thuộc thẩm quyền của các sở, ngành thì phân công cho UBND các quận-huyện thực hiện như ban hành văn bản kết luận kiểm định; tổ chức thẩm định và phê duyệt phương án phá dỡ nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức lập; điều chỉnh đồ án quy hoạch phân khu 1/2000. Song song đó là thẩm định và phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông; thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công; cấp phép xây dựng...

Về chỉ tiêu quy hoạch-kiến trúc, UBND các quận-huyện sẽ chủ động thực hiện quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch cho các vị trí chung cư cũ để đảm bảo dự án triển khai hiệu quả khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc có trách nhiệm xây dựng tiêu chí về việc điều chỉnh chỉ tiêu tại các vị trí chung cư cũ cũng như việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 để UBND các quận-huyện thực hiện.

Thay bồi thường bằng tái định cư

Đặc biệt, để không kéo dài việc thỏa thuận bồi thường, UBND TP kiến nghị không áp dụng thực hiện phương thức bồi thường mà thực hiện phương thức tái định cư theo nguyên tắc nhà đầu tư được nhà nước lựa chọn làm chủ đầu tư có trách nhiệm ứng vốn để quận-huyện chi trả tiền tạm cư cho các hộ dân.

Thực hiện đầu tư xây dựng và bàn giao quỹ nhà tái định cư cho UBND quận-huyện để tổ chức bố trí tái định cư tại chung cư xây dựng mới. Chủ đầu tư không trực tiếp thực hiện việc tái định cư cho người dân. Quyền lợi và nghĩa vụ của chủ sở hữu và chủ sử dụng hợp pháp nhà chung cư được bảo toàn trước, trong và sau khi di dời, tạm cư và tái định cư.

Theo UBND TP.HCM, tiêu chuẩn căn hộ tái định cư có diện tích tối thiểu bằng 1,1 lần so với diện tích căn hộ cũ và người dân không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào. Trường hợp căn hộ được bố trí tái định cư có diện tích nhỏ hơn 25m2 thì được bố trí căn hộ có diện tích tối thiểu là 25m2. Đây là phần hỗ trợ riêng cho các đối tượng có nhà ở nhỏ hơn mức tối thiểu của nhà ở xã hội, các hộ có diện tích căn hộ nhà ở tái định cư lớn hơn mức tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội thì không được hỗ trợ. Trường hợp có nhu cầu chính đáng (hộ gia đình có nhiều nhân khẩu) thì được xem xét, giải quyết cho thuê mua hoặc thuê nhà ở xã hội.

Trường hợp đã ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân không có nhu cầu ở tại chung cư xây dựng mới thì vẫn được bán căn hộ tái định cư theo hình thức chuyển nhượng căn hộ hình thành trong tương lai.

Trường hợp chưa ký hợp đồng bố trí nhà ở tái định cư, nhưng người dân muốn nhận tiền tại thời điểm di dời thì được thanh toán khoản tiền tương đương với giá trị căn hộ được tái định cư...

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
6 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ