Những con chó thả rông trên đường phố bị bắt, nếu không được chủ nhận trong vòng 72 giờ, sẽ bị tiêm thuốc chết, tưới hóa chất, chuyển lên bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) thiêu hủy.

TP.HCM: Đội bắt chó thả rông trên đường gây huyên náo phố phường

Theo Thanh Niên | 13/09/2017, 07:31

Những con chó thả rông trên đường phố bị bắt, nếu không được chủ nhận trong vòng 72 giờ, sẽ bị tiêm thuốc chết, tưới hóa chất, chuyển lên bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn, TP.HCM) thiêu hủy.

Trong chiến dịch phòng chống bệnh dại, hạn chế tai nạn giao thông và giữ gìn vệ sinh môi trường do chó gây ra...., Chi cục Thú y TP.HCM đã triển khai một lực lượng chuyên bắt chó chạy rông bằng cách lái xe ô tô chuyên dụng tuần tra trên nhiều tuyến đường tại 24 quận huyện trên địa bàn TP.

Khi phát hiện chó chạy rông không rọ mõm, xích, lực lượng bắt chó sẽ dùng dụng cụ chuyên dụng chặn bắt và đưa về đơn vị, chờ các chủ sở hữu chó lên làm thủ tục đóng phạt nhận lại. Nếu quá thời gian quy định, chó bị bắt sẽ bị thiêu hủy.

Vất vả vì chó "quá nhanh, quá nguy hiểm"

Sáng 12.9, Trạm phòng chống dịch, kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TP.HCM phối hợp với lực lượng đô thị và công an P.Tân Thuận Tây (Q.7, TP.HCM) tuần tra bắt chó chạy rông trên địa bàn. Khu vực này được xem là có nhiều chó chạy rông, phóng uế bừa bãi nhất trên địa bàn Q.7, thường xuyên bị người dân phản ánh.

Đội bắt chó chạy rông thực hiện tuần tra với một ô tô tải chuyên dụng, cùng hai thành viên bắt chó. Lúc 7 giờ 45, đội tuần tra đi dọc một số hẻm trên địa bàn P.Tân Thuận Tây, khi đến trước hẻm 187 Tân Mỹ (P.Tân Thuận Tây), phát hiện một con chó màu đen (nặng khoảng 4 kg) đang chạy lon ton, hai thành viên đội bắt chó nhanh như chớp, vung gậy chặn bắt. Tuy nhiên, vị chủ nhà tại đây lao ra la hét và nhanh chóng lùa chú chó này vào trong nhà đóng cửa. Chú chó thoát thân trong gang tấc.

Một chú chó bị bắt tại địa chỉ 210 Huỳnh Tấn Phát (P.Tân Thuận Tây, Q.7)- Ảnh: An Huy

Kế đó, lúc 8 giờ, đầu hẻm 17 Trần Xuân Soạn (P.Tân Thuận Tây), hai chú chó màu đen đang nhởn nhơ chơi đùa tại đây, thì bất thình lình bị hai thành viên trong đội bắt chó chặn hai đầu, lao vào "hành động". Tuy nhiên, hai chú chó nhanh chóng phi qua khỏi dây thòng lọng, chạy mất hút vào con hẻm. Hai thành viên lấy tay áo lau mồ hôi nhễ nhại trên trán tiếp tục lên xe di chuyển.

Cạnh đó, dưới chân nhánh cầu Tân Thuận 2, thấy một chú chó lớn màu xám đang đi lang thang, hai thành viên trong đội cũng lập tức vung gậy chặn bắt. Nhưng chú chó này cũng "né đòn" tài tình trước khi phóng vào nhà một hộ dân tại đây, mất hút sau cánh cửa.

Đồng thời, tại một số điểm trên đường Huỳnh Tấn Phát cũng có hai chú chó thoát khỏi gậy gắn thòng lọng. Đặc biệt, lúc 9 giờ, tại địa chỉ số 218 Huỳnh Tấn Phát (P.Tân Thuận Tây) một chú chó phốc, được chủ mặc áo sạch sẽ, dạo nhởn nhơ trên vỉa hè.

Một chú chó chạy thoát trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7) - Ảnh: An Huy

Rất nhanh chóng, hai thành viên từ ô tô chuyên dụng cầm gậy lao xuống, móc dây thòng lọng tóm gọn chú chó đưa lên xe chở đi. Chủ chú chó từ trong nhà chạy ra bất bờ dùng hai tay ôm mặt sửng sốt, nhìn chó cưng của mình bị bắt đi, như không kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra.

Đến 9 giờ 15, sau khi dạo qua thêm một số con hẻm trên địa bàn, thấy tình trạng chó thả rông đã không còn, đội kết thúc công việc với 1 chú chó phốc bị tóm gọn kể trên.

Sau 72 giờ sẽ thiêu hủy nếu không có chủ nhận chó

Trao đổi với báo Thanh Niên, ông Phạm Minh Trí, Trưởng trạm phòng chống dịch, kiểm dịch động vật Chi cục Thú y TP.HCM cho biết, đơn vị đã thực hiện việc bắt chó chạy rông từ hàng chục năm nay theo chỉ thị của UBND TP.

Mục đích của công việc này nhằm kiểm soát bệnh dại cho người, giữ trật tự an toàn giao thông và tránh ô nhiễm môi trường.

Ông Trí cho biết: Khoảng vài năm trước đây, mỗi lần đi kiểm tra, đơn vị bắt được rất nhiều chó. Tuy nhiên, thời gian này người dân đã ý thức hơn nên tình trạng chó chạy rông có giảm bớt. Mỗi khi đi bắt chó, anh em phải tính toán đường đi và luôn đi thẳng chứ không quay lại điểm cũ để tránh tình trạng người dân có chó bị bắt quá khích hành hung.

“Việc hành hung anh em đi làm nhiệm vụ thời gian qua diễn ra khá thường xuyên. Cách đây hơn 1 năm, có trường hợp một phụ nữ bị bắt chó ở quận 10, tới chi cục quậy phá và chửi bới. Khi anh em giải thích thì chị này không chịu nghe, thậm chí cầm dao rượt anh em chạy, phải nhờ công an phường can thiệp mới giải quyết được”, ông Trí chia sẻ.

Hầu hết số chó thả rông trên địa bàn các quận bắt được đều chuyển về Chi cục Thú y (số 252 Lý Chính Thắng, Q.3).

Còn riêng hai huyện Cần Giờ và Củ Chi, số chó bắt được sẽ được bàn giao chính đơn vị Thú y ở địa phương giải quyết, cho người dân có chó bị bắt thuận lợi việc đi lại để nhận chó.

Nếu sau 72 giờ, không có chủ nhận chó bị bắt vì thả rông, chó sẽ bị thiêu hủy hoặc cung cấp làm vật thí nghiệm ở một số trường đại học có ngành thú y -Ảnh: An Huy

“Trong vòng 72 giờ, nếu chủ con chó bị bắt không lên nhận lại chó, thì chó này sẽ thuộc vào trường hợp vô chủ, buộc thiêu hủy. Trước tiên, chó sẽ bị lập biên bản và tiêm thuốc chết, tưới hóa chất và đem đi thiêu hủy ở bãi rác Đông Thạnh (H.Hóc Môn) hoặc cung cấp chó cho các trường đại học có ngành Thú y, phục vụ việc học khám nghiệm”, ông Trí nói.

Hai thành viên đội bắt chó Chi cục Thú y TP.HCM trên đường tuần tra - Ảnh: An Huy

Cũng theo ông Trí, bên cạnh việc bắt chó chạy rông, đơn vị cũng thông báo đến người dân trên địa bàn TP.HCM nuôi chó, tuân thủ đúng quy định nuôi nhốt, tiêm phòng bệnh dại đầy đủ.

Từ 15.9, đối với chó chạy rông và không rọ mõm, mức phạt là 600.000 - 800.000 đồng; chó bị bắt nhưng không tiêm phòng dại, phạt từ 2 - 3 triệu đồng.

Hiện trên toàn TP.HCM có khoảng trên 200.000 chó, mèo được nuôi, hầu hết được quản lý qua phần mềm và chích thuốc đầy đủ 98 - 99%.

Cũng trong sáng cùng ngày, chú chó phốc bị bắt tại số 218 Huỳnh Tấn Phát, cũng được chị Vương Yến Vy (19 tuổi, ngụ P.Tân Thuận Tây) lên nhận lại. Hiện chưa đến ngày áp dụng quy định mới (có hiệu lực từ 15.9), nên chó của chị Vy bị phạt 200.000 đồng, với lỗi thả rông không đeo rọ mõm.

“Chó này tôi nuôi đã 3 năm, chích ngừa đầy đủ. Sáng nay nó nằm phơi nắng vỉa hè thì bị lực lượng bắt, quả thật tôi rất bất ngờ. Sau lần này, tôi sẽ rút kinh nghiệm và nếu cho chó ra đường cũng đeo rọ mõm và mình dắt đi”, chị Vy chia sẻ.

Việc bắt chó chạy rông nhằm ngăn ngừa bệnh dại, bảo đảm an toàn giao thông và giữ vệ sinh môi trường- Ảnh: An Huy
Chú chó duy nhất bị bắt sáng 12.9- Ảnh: An Huy
An Huy - Phan Định - Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Đội bắt chó thả rông trên đường gây huyên náo phố phường