Để góp phần giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương cho Sở Giao thông vận tải chọn đơn vị có đủ năng lực, kinh nghiệm làm chủ đầu tư 3 công trình cầu vượt bộ hành.
Theo đó, 3 cầu vượt được xây dựng nằm trên quốc lộ 1 (trước Trường ĐH Kinh tế - Luật, Q.Thủ Đức), trên đường Điện Biên Phủ (gần Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cơ sở 1,Q.Bình Thạnh) và trên đường Hoàng Minh Giám (tại khu vực công viên Gia Định, Q.Phú Nhuận và Q.Gò Vấp).
Hồi giữa tháng 3, khi Bí thư Đinh La Thăng đi thăm Đại học Quốc gia TP.HCM thì Giám đốc Đại học Quốc gia, PGS-TS Phan Thanh Bình đã đề nghị thành phố cho phép xây dựngmột cầu vượt cho sinh viên Trường ĐHKinh tế - Luật đi, bởi trường nàynằm ngay mặt tiền quốc lộ, sinh viên đi bộphải băng qua đường, rất nguy hiểm.
Ngay tại buổi làm việc khi ấy, ông Bùi Xuân Cường – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCMđã khẳng định việc xây dựng cầu vượt cho trường đã được thành phố bố trí vốn.Sở Kế hoạch -Đầu tư cùng Sở Tài chính đã được UBND giao nhiệm vụ cân đối rồi đề xuất lãnh đạo thành phố xét duyệt bổ sung 33,3 tỉđồng vào việc thực hiện các công trình nhỏ, cấp bách thuộc ngành giao thông vận tải trong năm 2016.
Vào thời điểm hiện tại, TP.HCM đãcó 6 cầu vượt bộ trên địa bàngồm: Cống Quỳnh (trước Bệnh viện Từ Dũ, Q.1), Nơ Trang Long (Bệnh viện Ung bướu, Q.Bình Thạnh), Điện Biên Phủ (trước chợ Văn Thánh cũ, Q.Bình Thạnh), Suối Tiên (Q.Thủ Đức), Nguyễn Trãi (Q.5), Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận).
Như vậy, nếu xây cầu vượt bộ trên đường Điện Biên Phủ (gần Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - cơ sở 1,Q.Bình Thạnh) thì nó sẽ gần cầu vượt bộ ở trước chợ Văn Thánh. Theo quan sát của phóng viên thì cầu vượt này cũng ít được người dân sử dụng mà nhiều người thích qua đường khi căntheo tín hiệu giao thông ở ngã tư gần kề đó.
Thảo Hương