Các bệnh viện công đang tự chủ một phần tài chính được Sở Y tế TP.HCM chủ trương cho tự chủ hoàn toàn; còn các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn tài chính được khuyến khích tự chủ như một doanh nghiệp. Hiện đang có nhiều bệnh viện công đã đồng ý đi theo con đường tự chủ như một doanh nghiệp.

TP.HCM: Hàng loạt bệnh viện công sẽ trở thành doanh nghiệp

Hồ Quang | 01/07/2016, 05:39

Các bệnh viện công đang tự chủ một phần tài chính được Sở Y tế TP.HCM chủ trương cho tự chủ hoàn toàn; còn các bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn tài chính được khuyến khích tự chủ như một doanh nghiệp. Hiện đang có nhiều bệnh viện công đã đồng ý đi theo con đường tự chủ như một doanh nghiệp.

Đưa hầu hết các bệnh viện tự chủ hoàn toàn tài chính

Hiện nay mô hình tài chính của các bệnh viện quận – huyện và TP có 3 cấp: phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, tự chủ một phần tài chính và tự chủ hoàn toàn tài chính về mặt thu chi thường xuyên. Tuy nhiên, đến năm 2017 tới, TP sẽ tiến tới một cấp cao hơn là xây dựng bệnh viện tự chủ hoàn toàn trong thu chi thường xuyên và chi đầu tư như một doanh nghiệp.

Thống kê của Sở Y tế TP.HCM cho thấy trong số 23 bệnh viện quận – huyện hiện nay chỉ có duy nhất Bệnh viện quận Bình Thạnh tự chủ hoàn toàn tài chính về thu chi thường xuyên, còn các bệnh viện quận – huyện khác chỉ mới tự chủ một phần.

Riêng đối với các bệnh tuyến TP có đến 6 bệnh viện (gồm: Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và Bệnh viện Da Liễu) đã tự chủ hoàn toàn tài chính về thu chi thường xuyên; các bệnh viện còn lại chỉ tự chủ một phần tài chính (trừ Bệnh viện Nhân Ái và Bệnh viện Phong Bến Sắn đang được trợ cấp toàn bộ).

Vừa qua, tại cuộc họp bàn triển khai đăng ký tự chủ tài chính của các đơn vị y tế theo Nghị định 16/2016/NĐ-CP, Sở Y tế TP.HCM đã có chủ trương đưa hầu hết các bệnh viện đang tự chủ một phần tài chính trở thành bệnh viện tự chủ hoàn toàn tài chính về thu chi thường xuyên.

“Trước mắt chúng tôi để các bệnh viện chỉ mới tự chủ một phần tài chính trong thu chi thường xuyên tự xem xét để quyết định có đăng ký tự chủ hoàn toàn tài chính hay không. Ngay trong tuần tới, các bệnh viện này sẽ phải quyết định. Nếu bệnh viện nào không đăng ký, chúng tôi sẽ làm việc riêng với bệnh viện đó, xem xét bệnh viện có thật sự khó khăn, chưa đủ khả năng để tự chủ hoàn toàn tài chính, cần phải được ngân sách nhà nước hỗ trợ nữa hay không”, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay.

“Hiện nay đối với các bệnh viện quận – huyện đang tự chủ một phần tài chính, nếu nói khó khăn chưa thể tự chủ hoàn toàn thì chỉ có Bệnh viện huyện Củ Chi và Bệnh viện huyện Cần Giờ. Có thể 2 bệnh viện này sẽ xem xét cho tiếp tục tự chủ một phần tài chính trong thu chi thường xuyên; các bệnh viện còn lại gần như đủ điều kiện để tự chủ hoàn toàn tài chính về thu chi thường xuyên”. vị đại diện Sở Y tế này nhận định.

Trong khi đó, đối với các bệnh viện đang tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính (trong đó có 6 bệnh viện tuyến TP và 1 bệnh viện tuyến quận – huyện), Sở Y tế TP khuyến khích tiến tới tự chủ hoàn toàn trong thu chi thường xuyên và chi đầu tư như một doanh nghiệp; thậm chí những bệnh viện mới tự chủ một phần tài chính trong thu chi thường xuyên muốn tiến đến tự chủ như một doanh nghiệp cũng sẽ được khuyến khích.

Nhiều bệnh viện đồng ý tự chủ như doanh nghiệp

Sở Y tế TP cho biết tại cuộc họp vừa qua, về cơ bản các Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Từ Dũ đã đồng ý tiến đến mô hình tự chủ tài chính như một doanh nghiệp.

Chiều 30.6, trao đổi với phóng viện báo điện tử Một Thế Giới, bác sĩ Nguyễn Minh Quân- Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức cho biết dù bệnh viện chỉ mới tự chủ một phần tài chính nhưng cũng quyết định sẽ đăng ký trở thành bệnh viện công tự chủ trong cả thu chi thường xuyên và chi đầu tư như một doanh nghiệp.

“Trong 6 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TP đang tự chủ hoàn toàn về mặt tài chính chúng tôi đã định hướng cho 3 bệnh viện (Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Răng Hàm Mặt và Bệnh viện Từ Dũ) hướng đến tự chủ cả thu chi thường xuyên và chi đầu tư như một doanh nghiệp. Sau khi các bệnh viện đăng ký, việc thực hiện sẽ được áp dụng bắt đầu từ năm 2017 ”, đại diện Sở Y tế TP cho biết.

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia y tế, các bệnh viện công tự chủ tài chính như một doanh nghiệp chỉ phù hợp với những bệnh viện chuyên sâu; còn các bệnh viện điều trị bệnh đại trà sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này, nhất là tài chính.

Hiện nay các bệnh viện tự chủ hoàn toàn tài chính hay tự chủ như một doanh nghiệp chỉ mới được thu thêm phần tiền lương trong giá dịch vụ y tế (các bệnh viện chỉ tự chủ 1 phần tài chính chưa được thu khoản tiền lương vào giá dịch vụ y tế ), còn chiphí quản lý và khấu hao vẫn chưa được thu.

Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế cũng chưa tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tếnên bệnh nhân sẽ phải chi trả thêm một khoản chênh lệch khá lớn. Do đó các bệnh viện tự chủ như một doanh nghiệp mà không đi vào kỹ thuật chuyên sâu, điều trị đại trà thì không hút được bệnh nhân, không đủ tài chính để chi đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng nhằm phát triển bệnh viện.

“Với một bệnh viện công lập hoạt động tự chủ như một doanh nghiệp cần phải thu đúng, thu đủ, phải có lợi nhuận. Lúc này chúng ta không thể nói, bệnh viện là một đơn vị phi lợi nhuận, phục vụ an sinh xã hội. Nếu làm như thế thì bệnh viện sẽ khó có thể kêu gọi đầu tư”, một chuyên gia y tế chia sẻ.

Đề cập đến vấn đề trên, Sở Y tế TP cho biết sẽ kiến nghị với Bộ Y tế và UBND TP cho phép các bệnh viện tự chủ tài chính, nhất là các bệnh viện tự chủ cả thu chi thường xuyên và chi đầu tư được thu đúng, thu đủ giá dịch vụ y tế để đảm đúng nghĩa của một bệnh viện tự chủ như một doanh nghiệp.

Hồ Quang
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Hàng loạt bệnh viện công sẽ trở thành doanh nghiệp