Chiều 7.2, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan kiểm tra một kho hàng nằm trên địa bàn quận Tân Bình, phát hiện hơn 150.000 khẩu trang không hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
Tại thời điểm kiểm tra, Đội quản lý thị trường số 3, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất và Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM phát hiện, tại kho hàng của Công ty CP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (30 Phan Thúc Duyện, Q.Tân Bình) có gần 100 thùng các tông, trong đó chứa hơn 150.000 chiếc khẩu trang
Đáng chú ý là toàn bộ lô hàng này đều không có hóa đơn chứng từ mua bán, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Phía đơn vị giao nhận cho biết không liên lạc được với chủ hàng. Lô hàng sau đó bị niêm phong, tạm giữ để điều tra, xử lí theo quy định của pháp luật.
Chỉ tính riêng trong ngày 5.2, Cục Quản lý thị trường TP.HCM đã tạm giữ 6.750 khẩu trang y tế các loại.
Cụ thể, kiểm tra cửa hàng Sỹ Hùng (số 10 Phan Văn Khỏe, Q.5) phát hiện 2.200 khẩu trang không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không hộp, không có bao bì, không nhãn mác, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Tương tự, kiểm tra nhà thuốc Thảo Điền Pharmacy (23 Lê Văn Miến, P.Thảo Điền, Q.2) phát hiện 4.450 chiếc khẩu trang y tế loại 4 lớp và 74 cái khẩu trang y tế 3M nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 3.2 và ngày 4.2, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh trang thiết bị y tế Kim Sa - hộ kinh doanh trang thiết bị y tế - dụng cụ y khoa Kim Sa (278 Cống Quỳnh, P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) phát hiện 12 hộp khẩu trang gồm 2 hộp khẩu trang Medi loại 50 cái/hộp và 10 hộp khẩu trang Tâm Thiện Chí loại 25 cái/hộp không có niêm yết giá bán, không xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Đội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra cửa hàng Bạch Vân (80 Tháp Mười, P.2, Q.6) phát hiện 250 gói (loại 10 cái/gói); cửa hàng Bạch Vân (số 5-7-9-11-13 Nguyễn Hữu Thận, P.2, Q.6) phát hiện 700 gói (loại 10 cái/gói) không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
Trước đó nữa, Đội số 12 kiểm tra nhà thuốc Phụng Hoàng (543 đường Quang Trung, P.10, Q.Gò Vấp) đang trữ 657 cái khẩu trang các loại, không có nhãn hàng hóa, không rõ xuất xứ, không hóa đơn chứng từ, có niêm yết giá 3.000 đồng/cái. Xác định nhà thuốc có hành vi găm hàng trong tình hình dịch bệnh, Đội đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý.
Khẩn cấp xử lý khẩu trang bị thu giữ để sớm đưa vào lưu thông
Tổng cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn xử lý hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính đối với hàng hóa là khẩu trang y tế và dung dịch nước sát trùng, diệt khuẩn.
Cụ thể, Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị các đơn vị vận dụng khoản 5 Điều 2 Thông tư số 173/2013/TT-BTC ngày 20.11.2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản lý, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính (Thông tư số 173/2013/TT-BTC) để xác định và thực hiện quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng.
Đối với hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm hành chính nếu xác định được tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản xuất, cung ứng hàng hóa, đề nghị thực hiện xử lý theo quy trình xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng tại Thông tư số 173/2013/TT-BTC và Nghị định số 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Riêng những hàng hóa bị tạm giữ hoặc bị tịch thu do vi phạm khác, đề nghị phối hợp, tham mưu với các cơ quan chức năng thành viên Ban Chỉ đạo 389 và các cơ quan có liên quan tại địa phương xác định chất lượng, nguồn gốc hàng hóa trước khi quyết định phương án xử lý.
T.Anh