Một người đàn ông bị đứt lìa cả 2 ngón tay, mất da và lộ xương ở bàn tay trái đã được vi phẫu trở lại lành lặn.
Ngày 20.9, Viện Chấn Thương Chỉnh Hình, Bệnh viện Quân y 175 cho hay đã nối thành công 2 ngón tay đứt lìa cho một bệnh nhân bị đả thương bằng kỹ thuật vi phẫu.
Nam bệnh nhân là Đ.D.T. (33 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngón tay thứ 4,5 bị đứt rời hoàn toàn, mất da và lộ xương tại đốt 2 ngón 1 của bàn tay trái. Và bệnh nhân được phẫu thuật cấp cứu ngay.
"Sau 2 tiếng phẫu thuật vi phẫu nối ghép lại ngón tay cho bệnh nhân, kết quả phần đầu ngón tay 4,5 sống tốt, da ghép tại đốt 2 ngón 1 sống tốt", bác sĩ Võ Thành Nhơn - Khoa Phẫu thuật chi trên, Viện chấn thương hình, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết.
Theo bác sĩ Nhơn, việc khâu nối lại mạch máu, các dây thần kinh cho bệnh nhân là thao tác khó, vì vậy phẫu thuật viên phải khéo léo, tập trung cao độ trong cuộc phẫu thuật. Bệnh nhân được ghép da cho ngón 3, thiết kế vạt tại chỗ che ngón 1, khâu nối ngón 4 và 5 đứt lìa, khâu động tĩnh mạch.
Sau khi mổ 1 tháng, bệnh nhân sẽ nhập viện khâu lại gân gấp và duỗi...
Qua trường hợp trên, bác sĩ Nhơn cũng khuyến cáo, khi xảy ra những sự việc không may gây đứt lìa chi thể, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ. Với phần chi thể bị đứt rời cần được bảo quản bằng cách bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (chú ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào. Sau đó đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh và nhanh chóng mang theo cùng bệnh nhân trong thời gian sớm nhất để cấp cứu kịp thời.
Theo Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, trong năm vừa qua, đơn vị này đã tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho nhiều trường hợp bị đứt lìa chi thể, trả lại chức năng vận động cho bệnh nhân. “Tỷ lệ nối các chỉ thể đứt lìa thành công rất cao. Điều này, ngoài trang thiết bị hiện đại đáp ứng những ca mổ vô khuẩn và đòi hỏi kỹ thuật cao, đơn vị may mắn sở hữu đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm cho phép khâu nối chính xác được các mạch máu nhỏ và các bó sợi thần kinh”, bác sĩ Nhơn chia sẻ.