Chiều 21.7, tại TP.Cần Thơ diễn ra Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.

TP.HCM và ĐBSCL đẩy mạnh hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực

Văn Kim Khanh | 21/07/2023, 23:59

Chiều 21.7, tại TP.Cần Thơ diễn ra Hội nghị công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2023 và giai đoạn 2024-2025.

ht-7.jpg
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Văn Kim Khanh

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, kế hoạch hợp tác phát triển giữa TP.HCM và ĐBSCL là kế hoạch toàn diện, trong đó có hợp tác phát triển kinh tế công, nông nghiệp; hợp tác về giao thông vận tải trong việc chuẩn bị cho dự án đường sắt cao tốc kết nối TP.HCM - TP.Cần Thơ; kế hoạch phát triển dự án hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối giao thông ven biển từ Cần Giờ đến Cà Mau; kế hoạch phát triển du lịch TP.HCM - ĐBSCL...

ht-4-vkk.jpg
Lãnh đạo TP.HCM và TP.Cần Thơ trao đổi bên lề hội nghị - Ảnh: Văn Kim Khanh 

Bên cạnh đó là hợp tác chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, theo ông Mãi, việc này có thể giao Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM làm đầu mối. Từ Cần Giờ chạy dọc tuyến hàng lang ven biển đến Kiên Giang, Phú Quốc có thể tạo nên một vùng phát triển mới về rừng ngập mặn ven biển, khu đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường xanh. Ngoài ra, việc TP.Cần Thơ đề nghị TP.HCM hợp tác phát triển nhân lực và khởi nghiệp sáng tạo cũng nằm trong kế hoạch hợp tác chung cho vùng ĐBSCL...

Ông Mãi cho biết TP.HCM đã thành lập tổ điều phối để thực hiện các lĩnh vực hợp tác. Ngoài ra, TP.HCM cũng có hợp tác song phương với từng tỉnh, thành. Tuy nhiên, ông Mãi lưu ý “đừng biến cái này trở thành cái chính và sau đó cấp độ hợp tác vùng sẽ lu mờ đi”.

z4343377525999_f5ddbcae1dce5214d800e4b8c2d16e91.jpg
ĐBSCL là vùng trọng điểm xuất khẩu nông sản - Ảnh: Mỹ Tho

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư đề nghị, trong chương trình hợp tác có các lĩnh vực trọng yếu về hạ tầng, chuyển đổi số, y tế… nên hình thành tổ chuyên trách. Trong định hướng sắp tới, những loại hình sử dụng lao động nhiều như ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương nên khép dần lại để chuyển dịch lao động về cho ĐBSCL. Hiện nay giao thông của vùng đã phát triển, TP.HCM có thể hình thành trung tâm điều phối về khu công nghiệp, còn khu công nghiệp, doanh nghiệp có thể đặt ở các tỉnh ĐBSCL.

Ông Trần Anh Thư cho biết ông đã trao đổi với Đồng Tháp, Long An và sẽ trao đổi với TP.HCM về việc hình thành hành lang kinh tế biên giới nối từ huyện Củ Chi qua Long An, Đồng Tháp, An Giang và kéo đến Kiên Giang...

ht-2-tp.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: Trung Phạm 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho biết, thời gian qua TP.Cần Thơ rất quan tâm, chủ động liên hệ với các địa phương để thúc đẩy thực hiện các chương trình, thỏa thuận hợp tác để phát triển. Cần Thơ cũng xác định việc hợp tác phát triển với TP.HCM là hướng đi cơ bản, đúng đắn, tạo điều kiện để tiếp cận được sự hỗ trợ, tạo động lực cũng như mở ra cơ hội liên kết cùng phát triển giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai địa phương…

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ cho rằng: “Thời điểm công bố kế hoạch triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội rất thuận lợi và phù hợp. TP.HCM đã có những Nghị quyết, quyết sách của Bộ Chính trị và Quốc hội, mở ra những điều kiện phát triển, các cơ chế, chính sách thí điểm mới, đột phá. TP.Cần Thơ có Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45 của Quốc hội, xác định Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để TP.HCM và ĐBSCL đẩy mạnh hợp tác phát triển”.

ht3-tp.jpg
Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Trung Phạm

Trước đó, ngày 11.3, tại Bến Tre, UBND TP.HCM và UBND 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025. Thỏa thuận nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển của vùng ĐBSCL và TP.HCM. Đặc biệt, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi.

Theo thỏa thuận, trong năm 2023, TP.HCM phối hợp với các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức nhiều sự kiện cấp vùng, kết nối doanh nghiệp TP.HCM có nhu cầu sản xuất, đầu tư kinh doanh tại các địa phương; chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa, xúc tiến đầu tư - thương mại giữa TP.HCM và các tỉnh, thành ĐBSCL.

Giai đoạn 2024-2025, thỏa thuận hợp tác sẽ tập trung thực hiện ở 5 lĩnh vực, gồm phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực, lao động.

Bài liên quan
Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM tiên phong cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM phải đi tiên phong để đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM và ĐBSCL đẩy mạnh hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực