Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, một số bệnh viện yêu cầu người đến khám phải test nhanh COVID-19, nhưng có bệnh viện khác lại không bắt buộc. Điều này khiến không ít người dân không khỏi thắc mắc, thậm chí cảm thấy phiền toái.

TP.HCM: Vì sao một số bệnh viện buộc xét nghiệm COVID-19 trong khi nơi khác lại không?

Hồ Quang | 30/09/2021, 06:28

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM, một số bệnh viện yêu cầu người đến khám phải test nhanh COVID-19, nhưng có bệnh viện khác lại không bắt buộc. Điều này khiến không ít người dân không khỏi thắc mắc, thậm chí cảm thấy phiền toái.

Thủ tục xét nghiệm COVID-19 nhiều hơn thủ tục khám chữa bệnh

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài tại TP.HCM đến nay đã gần 5 tháng. Công tác phòng chống dịch tại đây được thực hiện theo chỉ đạo từ Sở Y tế TP.HCM cũng như Bộ Y tế. Từ khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, một số bệnh viện yêu cầu người dân khi đến thăm khám phải thực hiện xét nghiệm COVID-19, nhưng một số bệnh viện khác lại không bắt buộc điều này.

Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, bệnh nhân và người nhà đến đây đều không khai báo y tế, không khám sàng lọc, nhưng bệnh viện yêu cầu phải xét nghiệm COVID-19. Bệnh viện bố trí 4 lối vào, mỗi nơi được bố trí 1 bàn để nhân viên phát phiếu đăng ký xét nghiệm COVID-19. Những người đến đây phải xếp hàng dài, chờ nhân viên y tế phát phiếu đăng ký xét nghiệm rồi đóng dấu đã khai khai báo y tế dù không hề thực hiện việc này.

tphcm-vi-sao-co-benh-vien-buoc-benh-nhan-xet-nghiem-covid-19-co-benh-vien-khong-hinh-anh-1(2).png
Bệnh nhân và người nhà xếp hàng chờ nhận phiếu đăng ký xét nghiệm COVID-19 tại Bệnh viện Mắt TP.HCM vào chiều 27.9 - Ảnh: PV

Sau đó, bệnh nhân và người nhà sẽ nộp phiếu đăng ký ở quầy tiếp nhận và thu phí rồi chờ đến lượt đóng tiền xét nghiệm. Sau khi thực hiện các thủ tục và được xét nghiệm COVID-19, họ sẽ tiếp tục đến một khu vực khác ngồi chờ kết quả. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, bệnh nhân mới quay lại đăng ký khám chữa bệnh.

Chị N.T.V. (42 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) - người đưa con trai 8 tuổi đến Bệnh viện Mắt TP.HCM để khám bệnh, nói rằng thời gian làm xét nghiệm COVID-19 nhiều gấp mấy lần so với việc đăng ký khám chữa bệnh. Đó là chưa kể họ còn phải trải qua nhiều thủ tục đăng ký xét nghiệm, chờ đợi lâu trong tình trạng bệnh nhân đông đúc rất dễ bị lây nhiễm COVID-19.

Theo chị V., trước đó 1 tuần chị đưa con trai đến Bệnh viện TP.Thủ Đức để khám sau khi phát hiện cháu bị đỏ mắt và có dấu hiệu sưng cả 2 mắt. Tại đây, bệnh viện chỉ yêu cầu khai báo y tế thông qua màn hình điện tử đặt ở bệnh viện rồi nhanh chóng vào đăng ký khám chữa bệnh, chứ không bắt buộc xét nghiệm COVID-19.

“Ngày 27.9 vừa qua, tôi đưa cháu đến Bệnh viện Mắt để kiểm tra lại. Tại đây, bệnh viện không yêu cầu khai báo y tế, khám sàng lọc mà nói tôi đóng tiền xét nghiệm COVID-19 mới được đăng ký khám chữa bệnh. Tôi dẫn cháu đi khám nên phải xét nghiệm cả hai, chi phí mỗi người là 200.000 đồng. Điều này không chỉ làm mất thời gian, tiền bạc mà việc xếp hàng chờ đợi làm thủ tục rất dễ bị lây nhiễm dịch bệnh. Tại sao trên cùng địa bàn TP.HCM mà có bệnh viện bắt buộc xét nghiệm COVID-19, còn bệnh viện khác lại không?”, chị V. thắc mắc.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Đỗ Quốc Hiệp - Phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM cho biết, việc xét nghiệm là quy định của bệnh viện nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh không bị lây nhiễm COVID-19 cũng như đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc xét nghiệm COVID-19 chỉ có giá trị trong vòng 3 ngày. Trong khi đó, việc xếp hàng chờ làm các thủ tục xét nghiệm như thế sẽ vô tình làm lây nhiễm cho những người vốn khỏe mạnh từ người mắc bệnh mà họ không biết.

tphcm-vi-sao-co-benh-vien-buoc-benh-nhan-xet-nghiem-covid-19-co-benh-vien-khong-hinh-anh(2).png
Những người có kết quả âm tính mới được quay trở lại đăng ký khám chữa bệnh - Ảnh:  PV 

Giao quyền chủ động cho các bệnh viện

Theo TS.BS Nguyễn Thế Vũ - Phó giám đốc Bệnh viện quận 7, bệnh viện này không yêu cầu người đến khám, chữa bệnh phải xét nghiệm COVID-19 mà chỉ thực hiện khám sàng lọc theo quy định của Sở Y tế. Sau khi khám sàng lọc, nếu trường hợp nào có biểu hiện sốt hay có dấu hiệu thì mới đề nghị xét nghiệm COVID-19.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP.HCM, ngoài Bệnh viện Mắt còn có một số bệnh viện khác cũng yêu cầu người dân đến khám phải xét nghiệm COVID-19 như: Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Đại học Y dược. Các bệnh viện khác như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện TP.Thủ Đức, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện huyện Nhà Bè… thì chỉ yêu cầu bệnh nhân khai báo y tế hoặc khám sàng lọc.

Đề cập đến vấn này, ThS.BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, các bệnh viện cho thực hiện test nhanh COVID-19 nhằm đảm bảo những người đến bệnh viện âm tính với SARS-CoV-2. Điều này giúp an toàn cho người bệnh và cả những người nằm viện, người âm tính.

“Chúng tôi giao quyền chủ động cho các bệnh viện để họ đảm bảo bệnh viện mình có điều kiện an toàn nhất trong công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Còn cách làm thì mỗi bệnh viện có một cách thức khác nhau để không lọt những người dương tính trà trộn với người âm tính”, bà Mai cho biết.

Bài liên quan
TP.HCM: Hơn 3.000 trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin phòng sởi
Chỉ hơn 1 tuần triển khai tiêm phòng vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi, TP.HCM đã tiêm được cho hơn 3.000 trẻ. Đây là biện pháp chống dịch tăng cường trước tình hình trẻ mắc sởi ở độ tuổi trên tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Vì sao một số bệnh viện buộc xét nghiệm COVID-19 trong khi nơi khác lại không?