Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM liên tục tăng cao, đặc biệt là bệnh nhân nặng tăng chóng mặt lên đến hơn 200 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Điều này đang khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng.

TP.HCM: Vì sao số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần?

Hồ Quang | 06/06/2022, 17:42

Số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM liên tục tăng cao, đặc biệt là bệnh nhân nặng tăng chóng mặt lên đến hơn 200 ca, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Điều này đang khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm 2022, TP đã ghi nhận 11.722 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 66,5% so với cùng kỳ năm ngoái (7.039 ca). Riêng trong tuần qua, tính từ ngày 27.5 đến 2.6, TP có 1.504 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 329 ca (28%) so với trung bình của 4 tuần trước.

Cũng trong tuần qua, TP ghi nhận 111 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 79 phường, xã thuộc 20/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức.

tphcm-vi-sao-so-ca-mac-sot-xuat-huyet-ang-tang-den-7-lan-hinh-anh(1).png
Điều trị bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - Ảnh: PV

Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú. Đặc biệt, số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng chóng mặt lên đến 209 ca nặng, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca). Số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 7 trường hợp.

Có thể sốt xuất huyết đang lưu hành típ mới

Phân tích về điều này, PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường đại học Y dược TP.HCM cho rằng sở dĩ số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng cao có thể do chuyển đổi típ (type) vi rút Dengue. Có thể những năm trước là típ 1 (DEN-1), năm nay chuyển sang típ 2 (DEN-2) nên số ca chuyển biến nặng sẽ gia tăng.

“Cơ chế của bệnh sốt xuất huyết là khi đã mắc lần 1, nếu lần 2 cùng típ với lần 1 thì sẽ không mắc bệnh, hoặc nếu mắc cũng rất nhẹ. Trong trường hợp này, nếu mắc típ mới thì bệnh sẽ nặng hơn do kháng thể đã có sẵn”, bác sĩ Dũng giải thích.

Theo các chuyên gia dịch tễ học, vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 típ (DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4), nếu bệnh nhân mắc típ DEN-2 thì nặng hơn típ DEN-1.

Trong thời gian vừa qua, bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam lưu hành chính là típ DEN-1; còn típ DEN-2 thì độc lực mạnh hơn. Nếu người nhiễm típ DEN-2 mà đã từng nhiễm típ khác (DEN-1, DEN-4) thì bệnh sẽ còn nặng hơn nữa.

“Năm 2022 này, ngành y tế chưa phân lọc xem những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thuộc típ nào. Nhưng với việc số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng cao có thể bệnh sốt xuất huyết tại TP.HCM đang lưu hành típ DEN-2”, bác sĩ Dũng nhận định.

Chia sẻ về điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tăng là do người dân thiếu cảnh giác, vì cứ nghĩ mình bị sốt siêu vi hay mắc bệnh COVID-19.

“Sau đại dịch COVID-19, người dân cảnh giác với sốt xuất huyết kém đi. Nhiều người khi mắc sốt xuất huyết cứ nghĩ mắc COVID-19 (vì triệu chứng của COVID-19 cũng hao hao với bệnh sốt xuất huyết), nên việc khám và điều trị không kịp thời khiến bệnh nhân nặng thêm”, bác sĩ Khanh nói.

Trước tình trên, các chuyên gia cảnh báo mọi người cần phải cảnh giác với triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết, không nên nghĩ sốt siêu vi thông thường hay bệnh COVID-19 khi chưa kiểm tra chính xác. Riêng ngành y tế cần sớm đánh giá lại dịch tễ học để xem tỷ lệ nhiễm cũng như típ lưu hành sốt xuất huyết hiện nay nhằm có biện pháp can thiệp phù hợp.

Hai lý do bùng phát sốt xuất huyết

Với tình hình dịch sốt xuất huyết tại TP.HCM hiện nay, các chuyên gia dịch tễ học nhận định trong năm 2022 này sẽ là chu kỳ bùng phát sốt xuất huyết. Đối với bệnh sốt xuất huyết cũng giống như các bệnh khác thường có chu kỳ, có bệnh có chu kỳ ngắn, có bệnh chu kỳ dài. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường có chu kỳ từ 3-4 năm.

“Trong 2 năm qua (2020 và 2021) không có dịch sốt xuất huyết bùng phát, nhiều khả năng năm 2022 này sẽ là chu kỳ bùng phát của sốt xuất huyết. Việc xuất hiện chu kỳ này có 2 lý do, đó là thời tiết và sự miễn dịch của người dân. Năm nay mùa mưa đến sớm và lượng mưa nhiều hơn. Điều này dễ tạo nước tụ đọng khiến muỗi xuất hiện nhiều hơn làm gia tăng bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, sau nhiều năm những đứa trẻ ra đời, sự miễn dịch giảm dần, làm lây lan bệnh nhiều hơn. Khi lây lan nhiều hơn cùng với xuất hiện típ mới khiến bệnh lây lan nhiều và nặng hơn”, bác sĩ Dũng trao đổi.

Đề cập đến vắc xin phòng sốt xuất huyết, PGS-BS Đỗ Văn Dũng cho biết hiện nay vắc xin này đã có nhưng chưa thể đưa vào sử dụng. Vắc xin phòng sốt xuất huyết đang có một điểm dở là chỉ có thể tiêm cho người đã mắc sốt xuất huyết để những người này không mắc lại, hoặc có mắc lại cũng nhẹ hơn; còn tiêm cho những người chưa mắc sốt xuất huyết, nếu lần sau mắc típ khác lại bị nặng hơn. Do không biết người nào đã từng mắc sốt xuất huyết, người nào chưa từng mắc sốt xuất huyết nên chưa thể đưa vắc xin vào sử dụng. Một số quốc gia đã sử dụng vắc xin phòng sốt xuất huyết này khi phải biết chắc chắn người đó đã mắc sốt xuất huyết mới tiêm.

“Cái khó trong việc nghiên cứu vắc xin phòng sốt xuất huyết là khi nhiễm vi rút Dengue lần thứ 2 sẽ nặng hơn so với lần đầu. Do đó, để vượt qua điều này là rất khó. Trong khi các bệnh truyền nhiễm khác thường nhiễm lần đầu nặng hơn so với nhiễm lần 2 nên dễ nghiên cứu vắc xin hơn”, bác sĩ Dũng lý giải thêm.

Bài liên quan
TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết liên tục gia tăng, đã có 1 trường hợp tử vong
Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn TP.HCM gia tăng và đã có 1 trường hợp tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM: Vì sao số ca mắc sốt xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần?